Mối quan hệ phức tạp của Nga với Israel - Hamas

“Tôi muốn cảm ơn ngài, bạn của tôi, vì những gì ngài đã làm”, Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu nói với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Điện Kremlin khoảng 4 năm trước.

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trong cuộc gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Mátxcơva năm 2020. (Ảnh: Reuters)

Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu trong cuộc gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Mátxcơva năm 2020. (Ảnh: Reuters)

Ông Netanyahu phát biểu như vậy sau khi Mátxcơva chuyển cho Tel Aviv hài cốt của Zachary Baumel, một lính Israel mất tích từ năm 1982, khi đang làm nhiệm vụ trong cuộc chiến Israel – Li-băng đầu tiên.

Ông Netanyahu bày tỏ sự cảm kích với nhà lãnh đạo Nga, dù nhóm binh lính Nga phát hiện hài cốt của Baumel khi đang chiến đấu cho Tổng thống Syria Bashar al-Assad, một trong những đồng minh gần gũi nhất của Iran – kẻ thù của Israel.

Giờ đây, xung đột lại nổ ra ở Trung Đông. Nhà lãnh đạo Nga nói rằng cuộc xung đột này là ví dụ rõ ràng cho sự thất bại trong chính sách của Mỹ với Trung Đông, nhưng ông không chia buồn với Tel Aviv và chưa có cuộc điện đàm nào với ông Netanyahu, dù đã có ít nhất 4 công dân Nga được báo cáo thiệt mạng và 6 người khác mất tích trong đợt tấn công của Hamas vào Israel ngày 7/10.

Trong khi đó, Nga ngăn cản Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đạt được sự đồng thuận cần thiết để lên án Hamas.

Mátxcơva cũng không đưa Hamas vào danh sách tổ chức “khủng bố”, sau khi Pháp và Liên minh châu Âu đã làm như vậy đầu tuần này.

“Chúng tôi duy trì trao đổi với cả hai bên xung đột”, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với báo chí ngày 11/10. “Tất nhiên, Nga sẽ tiếp tục phân tích tình hình và giữ quan điểm của một quốc gia có tiềm năng tham gia vào tiến trình giải quyết xung đột”, ông Peskov nói thêm.

Các nhà phân tích cho rằng cuộc xung đột hiện nay giữa Israel và Hamas, cũng như nguy cơ lan rộng ra khu vực, có thể có lợi cho Nga và đồng minh.

Nga là một thành viên trong liên minh chống phương Tây không chính thức, bao gồm Iran, Triều Tiên và Trung Quốc, và lâu nay vẫn muốn “rung thuyền của phương Tây”, Nikolay Mitrokhin, giảng viên tại ĐH Bremen (Đức), nói với Al Jazeera.

“Việc quốc tế bớt chú ý và hỗ trợ cho Ukraine sẽ có lợi cho Nga, và đó là điều mà (Tổng thống Ukraine Volodymir) Zelensky đang lo sợ”, ông Mitrokhin nhận định.

Theo chuyên gia này, xung đột ở Trung Đông có thể cản trở việc giải quyết tình hình ở Ukraine, đồng thời đóng băng các mối quan hệ kinh tế quan trọng trong khu vực Á - Âu.

“Sự chú ý và nguồn lực của các đồng minh phương Tây sẽ bị phân tán. Nhưng quan trọng nhất là quan điểm về ổn định vĩ mô của khu vực sẽ bị cản trở về mặt chiến lược”, Vyacheslav Likhachev, một nhà phân tích tại Kiev, nói với Al Jazeera.

Nếu đạt được, thỏa thuận hòa bình giữa Ả-rập Xê-út và Israel có thể giúp tạo ra một trung tâm vận tải giữa Ấn Độ, Trung Đông và châu Âu. Trung tâm này có thể mang lại sự hội tụ kinh tế vĩ mô gần gũi hơn ở khu vực Á - Âu. Likhachev cho rằng điều này không có lợi cho Mátxcơva và Bắc Kinh.

Nga và Hamas

Dù nổi lên những suy đoán ở phương Tây, nhưng đến nay chưa có bằng chứng nào cho thấy Mátxcơva liên quan trực tiếp đến cuộc tấn công của Hamas vào Israel ngày 7/10.

Cuộc xung đột mới có thể lan khắp Trung Đông, khiến phương Tây xao nhãng và làm giảm hỗ trợ cho Ukraine, Alisher Ilkhamov, giám đốc Trung tâm Trung Á tại London, nhận định.

Ngoài việc khiến thế giới giảm chú ý vào Ukraine, cuộc chiến ở Trung Đông sẽ đẩy giá dầu lên cao vút, giúp Mátxcơva tăng nguồn thu đáng kể.

Ngày 10/10, Tổng thống Putin nhắc lại lời kêu gọi lâu nay của Nga về độc lập cho Palestine, cho rằng đó là con đường duy nhất để giải quyết xung đột.

Lịch sử quan hệ của Nga với Israel cũng phức tạp.

Quan hệ của Nga với Syria, một đồng minh của Iran, cùng với sự ủng hộ của Nga dành cho người Palestine bắt đầu từ thời Liên Xô, khi Điện Kremlin gọi Israel là “những người Do Thái hiếu chiến” và đoạn tuyệt quan hệ ngoại giao với Israel năm 1967, khi nổ ra cuộc chiến Ả-rập – Israel.

Liên Xô khi đó ủng hộ các nhóm cánh tả của người Palestine, giúp huấn luyện hàng trăm tay súng Palestine và vũ trang cho Ai Cập trước cuộc chiến tháng 10/1973.

Nga cũng có quan hệ với Hamas và chào đón lãnh đạo của tổ chức này đến Mátxcơva từ khi phong trào vũ trang này lên nắm quyền ở Dải Gaza năm 2007.

Nhưng kể từ khi hơn 1 triệu người Do Thái trở về Israel sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, cùng với những thay đổi về nhân khẩu và tâm lý cử tri, chính trị gia lớn nào của Israel cũng nỗ lực xây dựng quan hệ với Mátxcơva.

Chưa có ai thành công hơn ông Netanyahu. Quan hệ cá nhân giữa nhà lãnh đạo này với Tổng thống Putin được gọi là “tình yêu kỳ lạ”.

Ông Netanyahu đã thăm Mátxcơva hàng chục lần, có lần cùng Tổng thống Putin xem múa ba-lê tại nhà hát Bolshoi.

Ông Netanyahu bảo vệ mối quan hệ này, cho rằng nó giúp ngăn chiến tranh nổ ra giữa Mátxcơva và Tel Aviv khi mâu thuẫn lợi ích quốc gia ở Syria.

“Tôi không gọi đó là tình yêu. Tôi gọi đó là vấn đề lợi ích”, ông Netanyahu nói trong cuộc trả lời CNN tháng 10/2022. “Khơi mào chiến tranh giữa Nga và Israel, tôi không nghĩ đó là ý tưởng hay”, ông nói.

Mối quan hệ đó không bị ảnh hưởng nhiều sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine và có một số bước đi bất lợi với Israel.

Trong những năm gần đây, Mátxcơva dọa đóng cửa chi nhánh Nga của Cơ quan Do Thái, một tổ chức phi chính phủ hỗ trợ người di cư đến Israel, đồng thời cáo buộc đại sứ Israel tại Ukraine "tẩy trắng cho chủ nghĩa Quốc xã".

Nguy hiểm chết người rình rập khi binh sĩ Israel tiến vào “hiểm địa“ Gaza

Với giới quân sự ở Israel, có “hai Dải Gaza” mà họ phải đối mặt khi tiến vào. Đó là Gaza lộ thiên và Gaza ngầm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thu Loan - Al Jazeera ([Tên nguồn])
Xung đột Israel - Hamas Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN