Mối nhục Tĩnh Khang: 2 vua TQ bị ngoại bang đày đọa, nỗi uất hận đi vào kiếm hiệp Kim Dung
Anh hùng xạ điêu – một trong những tiểu thuyết kiếm hiệp nổi tiếng nhất của nhà văn Kim Dung – từng đề cập tới chi tiết đạo sĩ phái Toàn Chân Khâu Xứ Cơ đặt tên cho 2 đứa trẻ là Quách Tĩnh và Dương Khang để chúng lớn lên không được phép quên sự kiện “mối nhục Tĩnh Khang”. Vậy “mối nhục Tĩnh Khang” trong lịch sử Trung Quốc rút cục diễn ra như thế nào?
Nhà Kim thấy Tống yếu hèn, quyết tâm xâm lược (ảnh minh họa)
Nước Kim sau khi diệt Liêu, thấy nhà Tống kém cỏi, có ý muốn diệt nốt nước Tống, thống nhất Trung Quốc. Để làm suy yếu thêm quốc lực nhà Tống, Kim liên tục chèn ép, đưa ra những yêu sách đòi hỏi cống nạp nặng nề. Vua Tống khi đó là Tống Huy Tông nhu nhược, chỉ mong cầu hòa với Kim nên đều chấp nhận.
Theo bách khoa toàn thư lịch sử Trung Quốc, Kim muốn xâm lược Tống nhưng chưa tìm được cớ gì. Nhân có viên tướng cũ người Liêu là Trương Giác trước đã đầu hàng Kim sau đó lại chuyển sang hàng Tống. Vua Kim là Kim Thái Tông ép Tống Huy Tông xử tử Trương Giác. Vua Tống chém Trương Giác cầu hòa với Kim. Kim Thái Tông thấy vậy càng cho là Tống yếu hèn, quyết xâm lược cho bằng được.
Năm 1125, Kim Thái Tông chia quân 2 đường Đông – Tây, tấn công vào đất Thái Nguyên, Yên Sơn, hẹn ngày cùng họp quân đánh vào kinh đô Biện Lương của nhà Tống. Quân Kim vốn xuất thân từ những người du mục, rất thạo điều khiển ngựa, bắn cung nỏ. Kỵ binh Kim tiến đánh quân Tống thế như chẻ tre, chẳng mấy chốc đã áp sát Hoàng Hà.
Quân Kim dựng trại bên bờ Hoàng Hà, gấp rút đóng thuyền sang bờ bên kia đánh thẳng vào thành Biện Lương. Trong triều đình Tống, quần thần hốt hoảng, có người bàn giữ thành, có người khuyên rút lui, người lại muốn tử chiến với Kim.
Quan đại thần Lý Cương của nhà Tống thấy Tống Huy Tông là kẻ nhút nhát, chỉ muốn an nhàn hưởng lạc bèn tâu xin vua nhường ngôi cho Thái tử là Triệu Hoàn.
Lý Cương khuyên Tống Huy Tông nhìn lại lịch sử nhà Đường khi trước. Trong biến loạn An Sử, Đường Huyền Tông chạy khỏi kinh thành và nhường lại ngôi vị cho con là Đường Túc Tông. Đường Túc Tông tuổi trẻ giàu nhiệt huyết, phối hợp với các đạo quân cần vương dẹp loạn An Sử, chấn hưng nhà Đường.
Lý Cương chỉ huy quân dân Biện Lương, chống trả quân Kim (ảnh minh họa)
Tống Huy Tông nghe lời Lý Cương, xuống chiếu nhường ngôi cho Thái tử Triệu Hoàn – Tống Khâm Tông. Bản thân Huy Tông vốn là ông vua rất mê tín, sùng bái Đạo giáo. Sau khi nhường ngôi, Huy Tông tự xưng Giáo chủ Đạo quân Thái thượng hoàng, không màng gì đến việc nước nữa.
Sau khi Tống Khâm Tông lên ngôi, ông tiêu diệt phe cánh của 2 đại gian thần là Sái Kinh và Đồng Quán (trong tác phẩm Thủy Hử cũng đề cập tới 2 nhân vật này).
Tình hình nhà Tống bấy giờ đã rất nguy ngập, quần thần chia làm 2 phe chủ chiến và chủ hòa. Phái chủ chiến đứng đầu là Lý Cương. Ông cho rằng, phải đánh bại bằng được quân Kim vì vua mới lên ngôi, cần chứng tỏ uy đức, không thể mất kinh thành, tôn miếu. Phái chủ hòa do Trương Bang Xương đứng đầu, theo Sohu.
Thấy lòng dân trong thành Biện Lương đều một mực quyết trận sống chết với quân Kim, Tống Khâm Tông lệnh cho Lý Cương thống lĩnh quân đội, tử thủ thành Biện Lương.
Đầu năm 1126 (năm đầu niên hiệu Tĩnh Khang), quân Kim đã nhanh chóng vượt qua Hoàng Hà. Một số tài liệu cho rằng, do nước sông Hoàng Hà đóng băng nên quân Kim mới tràn sang bờ bên kia nhanh như vậy.
Sứ giả nước Kim vào Biện Lương với thái độ kẻ cả, trách mắng nhà Tống vì sao chứa chấp tên phản loạn Trương Giác. Tống Khâm Tông vốn là người nhút nhát, không dám trừng phạt sứ Kim xấc xược, chỉ lấp liếm rằng đó là việc của triều trước (Tống Huy Tông) đừng nên nhắc lại.
Lý Cương tập kích trại Kim thất bại, phe chủ hòa lên ngôi (ảnh minh họa)
Tống Khâm Tông phần vì bị quân Kim át vía, phần do chiếu cần vương đã ban ra mà mãi chẳng thấy đạo quân nào về ứng cứu kinh thành nên cử người tới trại Kim cầu hòa.
Quân Kim ra điều kiện vua Tống phải gọi vua Kim là bác (bá), xưng là cháu. Ngoài các khoản cống nạp sản vật, vàng bạc, lụa là, bò ngựa, Kim còn bắt Tống phải cắt đất ở 3 vị trí hiểm yếu là Hà Gian, Trung Sơn và Thái Nguyên (thuộc các tỉnh Sơn Tây, Hà Bắc Trung Quốc ngày nay).
Chưa đợi nhà Tống có câu trả lời, quân Kim đã tấn công Biện Lương. Lý Cương tự mình lên thành chỉ huy chiến đấu, cho dỡ cả nhà gian thần Sái Kinh để lấy gạch đá ném quân Kim. Quân dân trong thành cũng quyết tâm tử thủ, quân Kim không thể vào được, đành phải rút lui.
Đúng lúc sĩ khí quân Tống đang lên cao thì người được Tống Khâm Tông cử đi thương thuyết với quân Kim trở về. Tống Khâm Tông triệu quần thần đến bàn việc đánh hay hòa. Trương Bang Xương khuyên nên chấp nhận những đòi hỏi của quân Kim, riêng Lý Cương kịch liệt phản đối.
Khâm Tông cuối cùng nghe lời gian thần, thu gom vàng bạc trong thành, dâng nộp địa đồ Hà Gian, Trung Sơn, Thái Nguyên, gọi vua Kim là bác xưng cháu. Quân Kim còn đòi Tống phải giao một người trong hoàng tộc làm con tin.
Tống Khâm Tông đành cử Trương Bang Xương đưa vương gia Triệu Cấu (con thứ 9 của Tống Huy Tông) sang trại Kim làm con tin kèm theo lễ vật. Tờ Sohu cho rằng yêu sách đòi thêm con tin của quân Kim là do Trương Bang Xương xúi giục, nhằm triệt dòng dõi hoàng tộc nhà Tống.
Lý Cương chờ Trương Bang Xương đi rồi lại khuyên Tống Khâm Tông nên nhân cơ hội quân Kim rút lui mà mai phục, truy kích, giết sạch một mẻ cho không dám xâm phạm đất Tống nữa. Tống Khâm Tông nghe theo.
Lý Cương sai tướng dưới quyền dẫn 1 vạn quân tập kích bất ngờ vào trại Kim. Chẳng ngờ quân Kim biết được nên mai phục sẵn, đánh cho quân Tống đại bại. Theo Sohu, rất có thể kế hoạch của Lý Cương đã bị phe chủ hòa của Trương Bang Xương tiết lộ cho quân Kim.
Quân Kim tổ chức chiến dịch xâm lược Tống lần hai (ảnh minh họa)
Quân Kim lại sai sứ vào thành trách mắng và hỏi tội đánh lén. Lý Cương bị đổ hết tội lỗi lên đầu và bị cách chức. Quân dân trong thành Biện Lương nghe tin, than khóc như mưa, cùng kéo đến cổng cung đòi phục chức cho Lý Cương. Tống Khâm Tông phải cho Lý Cương quay lại chức cũ, tình hình mới yên ắng trở lại.
Quân Kim vốn muốn đánh thẳng vào Biện Lương, bắt giết sạch triều đình nhà Tống cho xong chuyện nhưng lại không giỏi đánh thành. Lý Cương canh phòng Biện Lương rất gắt gao, Kim biết không hạ nổi, lại sợ quân cần vương nhà Tống từ các lộ kéo đến đánh kẹp lại, đành phải rút quân. Lý Cương định cho quân truy kích nhưng lại bị phe chủ hòa cản trở, lỡ mất thời cơ.
Triệu Cấu làm con tin ở nước Kim, tỏ ra khí chất hơn người. Kim Thái Tông thấy vậy sợ Triệu Cấu sau này về nước sẽ chấn hưng nhà Tống, muốn lập kế giết đi. Triệu Cấu hay tin bèn lẻn trốn về đất Tống.
Tống thấy Triệu Cấu về nước được lại thêm những điều khoản thỏa thuận trước kia quá khắc nghiệt nên tự ý hủy ước, không chịu cắt đất nữa.
Tháng 8 năm 1126, lấy cớ Tống bội ước, quân Kim mở chiến dịch xâm lược lần hai. Nhà Tống do quốc lực suy kiệt, chiến tranh liên miên, không kịp chỉnh đốn lực lượng nên liên tiếp thua trận.
Lý Cương – người đứng đầu phe chủ chiến kháng Kim lần 2 – lại một lần nữa bị đổ lỗi và cách chức. Các đại thần khác xin tội cho Lý Cương cũng cùng chung số phận.
Phe chủ hòa trong nội bộ nhà Tống thắng thế, đòi cắt đất cho Kim như điều ước cũ. Tống Khâm Tông nghe theo, cử sứ giả sang điều đình với Kim.
Quân Kim lần này không chấp nhận giảng hòa, quyết đánh tới cùng. Phủ Bình Dương bị hạ nhanh chóng. Quân Kim lại một lần nữa tiến đến bờ Hoàng Hà, chuẩn bị vượt sông, đánh thẳng vào Biện Lương.
Trương Thúc Dạ giải vây kinh thành (ảnh minh họa)
Theo KK News, Tống Khâm Tông một mặt ra chiếu cần vương, một cử 1 vạn quân đóng ở bờ bên này ngăn chặn Kim vượt sông. Cần phải nói thêm rằng, trong cuộc xâm lược lần thứ nhất, do Kim đồng ý rút quên nên phe chủ hòa trong triều Tống chiếm ưu thế. Các đạo quân cần vương kéo đến ứng cứu đều bị giải tán. Nhà Tống có lẽ cũng không ngờ quân Kim lại mở chiến dịch mới sớm đến như vậy.
Quân Kim đóng đủ thuyền bè, vừa băng qua Hoàng Hà vừa khua chiêng gióng trống ầm ĩ, thanh thế rất lớn. Ở bên kia sông, quân Tống vốn bạc nhược, không có người quyết đoán như Lý Cương chỉ huy nên chưa đánh trận nào đã bỏ chạy tán loạn.
Đang trong lúc nguy khốn, một đạo quân cần vương do Trương Thúc Dạ kéo đến kinh thành, kịch chiến một trận quyết liệt với quân Kim, buộc Kim phải ngừng tấn công. Cánh quân do Trương Thúc Dạ chỉ huy cũng là lực lượng cần vương duy nhất đến được kinh thành.
Trương Thúc Dạ dù tạm đánh lui quân Kim nhưng biết tình thế không thể cầm cự được lâu hơn, bèn khuyên Tống Khâm Tông bỏ Biện Lương chạy về phía Nam, trấn giữ Tương Dương chờ cơ hội khôi phục đất cũ. Tống Khâm Tông không đồng ý.
Tháng 1.1127, quân Kim tổ chức đánh rát một trận vào Biện Lương. Một viên tướng Tống tự ý mở cổng thành rồi bỏ trốn làm hỏng thế trận phòng thủ. Thành Biện Lương vỡ, quân Kim tràn vào tha hồ cướp bóc, chém giết rồi bắt Thái thượng hoàng Tống Huy Tông làm con tin.
2 vua Tống bị bắt, áp giải sang nước Kim chịu khổ khục (ảnh minh họa)
Kim tiếp tục ra yêu sách bắt Tống cắt đất và cống nộp vàng bạc. Tống Khâm Tông không chuẩn bị kịp lễ vật, Kim lại cho sứ giả sang trách mắng và yêu cầu vua Tống phải đích thân sang bàn bạc.
Trương Thúc Dạ khuyên Tống Khâm Tông đừng nên sang trại Kim. Vua Tống không nghe, chỉ nói: “Kê Trọng đã gắng sức rồi”. Kê Trọng là tên chữ của Trương Thúc Dạ. Ông cũng là người đánh dẹp thành công tặc khấu Lương Sơn do Tống Giang đứng đầu.
Khi Tống Khâm Tông sang đến trại Kim, tướng Kim là Một Hát sai bắt ông lại để đòi cống nạp cho đủ.
Tháng 3.1127, hai vua Tống là Tống Huy Tông, Tống Khâm Tông bị áp giải về nước Kim. Kim Thái Tông bắt 2 vua Tống mặc trang phục người Kim, giáng làm thường dân. Bắc Tống diệt vong.
Triệu Cấu – người từng làm con tin ở đất Kim – trốn thoát về phía Nam, tập hợp lực lượng và lập nên nhà Nam Tống, tiếp tục chiến tranh với quân Kim. Đây cũng là thời điểm danh tướng Trung Hoa Nhạc Phi thể hiện tài năng trước những cuộc xâm lược của quân Kim do Ngột Truật chỉ huy.
Sau này, Tống liên minh với Mông Cổ tiêu diệt được Kim. Vua Tống sai mang xác vua Kim quẳng vào nhà ngục trong Đại lý tự để rửa mối hận của cha ông thời trước.
Mối nhục Tĩnh Khang là một sự kiện rất nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc, được sử cũ gọi là “Tĩnh Khang chi sỉ”. Các sử gia đánh giá, đây là một thất bại và sự sỉ nhục hiếm thấy của một triều đại phong kiến Trung Quốc trước ngoại bang.
____________
Chiến tranh thuốc phiện thường được lịch sử miêu tả là "nỗi hận trăm năm" của người Trung Quốc. Thất bại trong chiến tranh thuốc phiện đã khiến thứ chất gây nghiện độc hại này tràn vào Trung Quốc, làm suy yếu cả một dân tộc. Mời bạn đón đọc chi tiết trong bài kỳ sau, xuất bản sáng 29.6.2020 trên mục Thế giới.
Chịu ẩn khuất dưới trướng cha con Tào Tháo, Tào Phi hết nửa đời người, Tư Mã Ý cuối cùng cũng đạt được mục đích...
Nguồn: [Link nguồn]