Mối nguy từ hiện tượng 'anti-vaccine' với công tác chống dịch
Phủ sóng vaccine - điều cần kíp để đẩy lùi đại dịch COVID-19 đang có nguy cơ bị chậm và một phần nguyên nhân là do các chiến dịch “anti-vaccine” nguy hiểm đang hoạt động ráo riết trên mạng.
Theo dữ liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thì tỉ lệ người dân châu Á tin tưởng vào việc tiêm chủng thời gian qua nhìn chung ở mức cao, so với các khu vực khác trên thế giới. Tuy nhiên gần đây xuất hiện tình trạng băn khoăn, tranh cãi trong bộ phận người dân châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng về việc tiêm vaccine và cụ thể là vaccine ngừa COVID-19 hiện tại.
Dù là một trong những khu vực bị dịch hoành hành nặng so với cả thế giới nhưng các khảo sát gần đây cho thấy thái độ từ chối tiêm vaccine đang báo động ở Đông Nam Á, theo báo Bloomberg. Điều này chắc chắn ảnh hưởng đến tốc độ phủ sóng tiêm chủng - yếu tố không thể thiếu để đẩy lùi và tiến đến chấm dứt đại dịch.
Đó là một bức tranh truyền thông bị ô nhiễm. Dịch bệnh thông tin này đã thay đổi và trọng tâm hiện tại là lan truyền các thông tin sai lệch về vaccine nhằm khơi dậy nỗi sợ hãi trong con người. Phó Tổng thư ký Liên Hợp Quốc phụ trách về thông tin toàn cầu MELISSA FLEMING từng nhận định về sự nguy hiểm của các chiến dịch “anti-vaccine” trên một diễn đàn trực tuyến hồi tháng 5 |
Nguy hiểm từ chiến dịch “anti-vaccine”
Thực tế tại nhiều nước Đông Nam Á, nhiều người dù được xếp vô danh sách ưu tiên được tiêm vaccine vẫn quyết định không tiêm. Trong số này có anh Gerry Casida, một công nhân xây dựng 43 tuổi và vốn có bệnh suyễn. Anh nói sở dĩ anh quyết định thế vì trước đó có xem một đoạn video trên mạng xã hội, trong đó một phụ nữ nói rằng vaccine được tạo ra nhằm mục đích diệt chủng. Anh Casida chỉ là một trong hàng triệu người ở khắp các điểm nóng COVID-19 trong khu vực, hoặc do dự, hoặc quyết liệt nói không với việc tiêm vaccine.
Theo Bloomberg thì những người như anh Casida đã bị tiêm nhiễm các thông tin sai lệch một cách nguy hiểm trên mạng xã hội, xuất phát sự truyền bá cả từ các suy đoán thiếu căn cứ ở các địa phương lẫn từ các phong trào “anti-vaccine” (chống vaccine) ở nhiều nước, cả ở Mỹ. Theo Bloomberg, hiện trên Facebook có nhiều nhóm thảo luận tập trung vào rất nhiều thuyết âm mưu chống tiêm chủng và cả các video đưa thông tin sai lệch về vaccine.
Người dân TP Banda Aceh, tỉnh Aceh (Indonesia) được tiêm vaccine COVID-19. Ảnh: Reuters
Tại Malaysia có rất nhiều thuyết âm mưu nguy hiểm đang lan truyền trên dịch vụ nhắn tin WhatsApp thuộc sở hữu của Facebook, YouTube, Instagram, từ phóng đại nguy cơ với tính mạng đến đe dọa gây biến đổi gene nếu tiêm vaccine.
Chẳng hạn, một video đưa thông tin vô căn cứ và đáng sợ rằng người tiêm “sẽ chết trong vòng 1-3 năm” sau khi nhận vaccine vào người. Một thuyết âm mưu vô căn cứ khác là trong vaccine có cài các vi mạch để thu thập dữ liệu sinh trắc học. Bộ trưởng Khoa học Malaysia - ông Khairy Jamaluddin đã khẳng định vaccine ngừa COVID-19 không hề chứa chip, theo báo The Straits Times. Tại Singapore thì trên WhatsApp lan truyền lo ngại vaccine có thể làm biến đổi ADN của người được tiêm.
Trên mạng xã hội, nhiều người cố tình đồ vẽ làm đậm các lý lẽ sai lầm nguy hiểm của một số chính trị gia Mỹ và một số ít nhân vật có chút uy tín trong ngành dược nhưng có quan điểm hoài nghi về vaccine. Chẳng hạn ông Michael Yeadon - từng làm việc tại hãng dược Pfizer (Mỹ) được xem là một biểu tượng với những người theo quan điểm “anti-vaccine”.
Nhất thiết phải cung cấp thông tin chính xác cho dân
Trong hai nguyên nhân góp phần dẫn tới đợt bùng phát hiện tại ở hầu hết các nước Đông Nam Á thì một là do có nhiều biến thể lây truyền hơn, hai là vì tiêm chủng bị tụt hậu. Hiện tượng “anti-vaccine” càng làm tăng sự ngần ngại tiêm chủng ở Đông Nam Á, tác động tiêu cực đến nỗ lực chấm dứt đại dịch, Bloomberg nhận định.
Thái độ “anti-vaccine” cộng với thực tế các nước trong khu vực đang còn rất hạn chế trong tiếp cận vaccine càng làm chậm thêm tốc độ phủ sóng tiêm chủng. Trong khu vực Đông Nam Á chỉ có Singapore đã phủ sóng tiêm chủng ít nhất một mũi khoảng 2/3 dân số và đặt mục tiêu đến giữa đầu tháng 8 hoàn tất mũi hai cho số dân này. Tính đến thời điểm này mới có chưa tới 10% dân số Thái Lan và Philippines, hai nước có dịch thuộc hàng nặng trong khu vực, nhận được mũi vaccine đầu tiên. Indonesia thì còn thấp hơn.
Ông Steve Cochrane - nhà kinh tế trưởng Công ty Moody’s Analytics (Mỹ) cho rằng nếu không kịp phủ sóng tiêm chủng để đạt được miễn dịch cộng đồng, các quốc gia sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong kiểm soát dịch và khôi phục hoạt động kinh tế. Bên cạnh khủng hoảng về y tế, các nước sẽ vẫn bị cản trở tiếp nhận dòng khách du lịch tự do, vốn quan trọng không chỉ đối với ngành du lịch và khách sạn, mà cả đối với kinh doanh và đầu tư quốc tế.
Theo giảng viên Ika Karlina Idris tại ĐH Paramadina (Jakarta), thường thì ở Indonesia mọi vấn đề đều có thể được dùng để công kích chính phủ nhưng đáng lo là lần này, mục tiêu công kích và nơi nhận lãnh hậu quả lại là sức khỏe nên các chính phủ cần thiết phải giải quyết các lo ngại về vaccine cho người dân để họ có thể bảo vệ mình, bảo vệ người thân và cộng đồng.
BS Leong Hoe Nam chuyên về bệnh truyền nhiễm tại BV Mount Elizabeth Novena (Singapore) thì cho rằng cung cấp thông tin chính xác cho người dân, hướng dẫn nhân viên y tế cách thức tuyên truyền hiệu quả ích lợi của vaccine đến dân là cách tốt nhất để chống lại tình trạng hiểu sai từ đó dẫn đến “anti-vaccine”.
Lo lắng với kiểu suy nghĩ chờ vaccine “tốt” mới tiêm Bên cạnh thái độ nguy hiểm bài trừ vaccine, còn có một tình trạng khác cũng rất đáng ngại. Hiện nhiều người ở các nước Đông Nam Á có tâm lý chờ tới khi có vaccine “tốt” mới tiêm. Ý họ là các loại vaccine của Mỹ. Chẳng hạn tại Philippines, một khảo sát thực hiện đầu năm nay cho thấy gần 50% dân nước này tin tưởng nhiều nhất vào các loại vaccine của Mỹ - chưa được đưa vào chương trình tiêm chủng quốc gia. Tỉ lệ hưởng ứng chủng ngừa không được cao và Tổng thống Rodrigo Duterte từng dọa sẽ bỏ tù ai từ chối tiêm. Còn tại Thái Lan, nhiều người từ chối tiêm vaccine của Sinovac (Trung Quốc) và của AstraZeneca (Anh). Nhiều nơi đã áp dụng nhiều hình thức khuyến khích dân tiêm vaccine, theo Bloomberg. Một huyện miền Bắc Thái Lan tặng bò cho người tiêm. Ở một số vùng nông thôn Indonesia, người chịu tiêm được nhận gà. Cá biệt có một địa phương ở Philippines còn tặng cho người đi tiêm cả một ngôi nhà. |
24 bang ở Mỹ ghi nhận số ca nhiễm Covid-19 tăng 10% trong tuần qua, do biến thể Delta lây lan mạnh, theo số liệu của Đại học...
Nguồn: [Link nguồn]