Mối đe dọa tới các căn cứ trọng yếu của Đài Loan sau loạt phi vụ của Trung Quốc
Một số căn cứ quân sự của Đài Loan đang có nguy cơ bị tấn công cao hơn sau các đợt xuất kích kỷ lục của không quân Trung Quốc gần đây.
Tờ South China Morning Post (SCMP) dẫn lời các chuyên gia quân sự cảnh bảo giới chức trách Đài Loan rằng một số căn cứ quân sự của hòn đảo đang có nguy cơ bị tấn công cao hơn.
Cảnh báo trên được đưa ra sau khi quân đội Trung Quốc gần đây đã điều máy bay chiến đấu với số lượng kỷ lục nhằm kiểm tra khả năng phòng không của hòn đảo.
Phân tích sự gia tăng đột biến các phi vụ của Trung Quốc gần đây, các chuyên gia quân sự Đài Loan nhận định điều này cho thấy khả năng chiến đấu của không quân Trung Quốc đã phát triển đến mức có thể dễ dàng triển khai máy bay chiến đấu đến các phần phía nam và đông nam của hòn đảo nếu muốn.
Mối đe dọa tới các căn cứ trọng yếu của Đài Loan từ các phi vụ của không quân TQ. Ảnh: AP
Khả năng điều động, tổ chức đội hình của không quân Trung Quốc
Chỉ trong bốn ngày, bắt đầu từ hôm 1-10, Đài Loan đã phát hiện gần 150 máy bay chiến đấu Trung Quốc tiến vào vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của hòn đảo, khiến Đài Bắc phải điều động máy bay phản lực và triển khai tên lửa để cảnh báo.
Các máy bay tham gia các đợt xuất kích trên gồm 100 máy bay chiến đấu phản lực J-16, 20 máy bay chiến đấu Su-30, 18 máy bay ném bom H-6, 7 máy bay tác chiến chống ngầm Y-8 và 4 máy bay kiểm soát và cảnh báo sớm trên không KJ-500.
Theo Cơ quan phòng vệ Đài Loan, ngoài các cuộc xuất kích vào ban ngày, quân đội Trung Quốc còn tiến hành ba cuộc vào ban đêm.
SCMP dẫn lời ông Chieh Chung - nhà nghiên cứu tại Hiệp hội Tầm nhìn Chiến lược (Đài Bắc) – nhận định: "Có một số lượng lớn máy bay phản lực J-16 và nếu có hơn 32 chiếc J-16 trong mỗi lần xuất kích, điều này đồng nghĩa rằng các máy bay này đến từ các đơn vị khác nhau của quân đội Trung Quốc vì mỗi lữ đoàn không quân nước này chỉ có từ 24 đến 32 chiếc J-16”.
“Điều này cũng có nghĩa là quân đội Trung Quốc có thể điều động hiệu quả các máy bay J-16 từ các đơn vị khác nhau để phối hợp với máy bay ném bom, máy bay săn ngầm và máy bay cảnh báo sớm để tạo thành một đội hình cho các hoạt động tác chiến” – ông Chieh cho hay.
Quân đội Trung Quốc cũng cho thấy họ có khả năng tiến hành các cuộc tấn công trong đêm, theo ông Chieh.
Trong đợt xuất kích vào đêm 1-10, 10 máy bay J-16 và hai máy bay ném bom H-6 đã bay trên Kênh Bashi qua phía tây nam ADIZ của Đài Loan trước khi rẽ vào phần đông nam của khu vực.
Theo ông Chieh, động thái này đặt ra mối đe dọa lớn hơn đối với Đài Loan vì Bắc Kinh, theo đó, có thể đến gần các căn cứ quân sự quan trọng của Đài Loan ở phía đông.
Ông Chieh cho rằng các đợt triển khai vào ban đêm cho thấy quân đội Trung Quốc hiện có thể sử dụng hệ thống định vị vệ tinh BeiDou thế hệ mới để dẫn đường cho các phi đội hoạt động gần Kênh Bashi - tuyến đường quan trọng vào Biển Đông của hải quân Mỹ và các nước khác.
Hệ thống này cũng sẽ cho phép các máy bay cảnh báo sớm của Trung Quốc tăng cường khả năng chỉ huy và kiểm soát trên không trong khu vực đó.
Ông Chieh cảnh báo chính quyền Đài Loan cần lưu ý các cuộc xâm nhập gần đây khi các động thái này cho thấy Trung Quốc không chỉ có thể điều động máy bay từ các đơn vị khác nhau mà còn cải thiện khả năng tổ chức chúng thành các nhóm chiến đấu khác nhau.
“Quan trọng hơn, Trung Quốc đang sử dụng những phi vụ này để huấn luyện các máy bay chiến đấu khác nhau làm quen với các tuyến đường hàng không, hình thành các nhóm tác chiến nhanh chóng và sẵn sàng tấn công Đài Loan và đánh chặn các lực lượng Mỹ tới giải cứu” - ông Chieh nhận định.
Mối đe dọa tới các căn cứ quân sự quan trọng
SCMP dẫn lời ông Shu Hsiao-huang - nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh do chính quyền Đài Loan tài trợ - nhận định Trung Quốc, qua các đợt xuất kích trên, một mặt muốn đe dọa Đài Loan và phô trương sức mạnh với Mỹ và các đồng minh, mặt khác thử nghiệm năng lực hiệp đồng tác chiến chung.
“Quân đội Trung Quốc có khả năng sẽ tăng cường hơn nữa các hoạt động như vậy trong tương lai và thường xuyên tiến hành các cuộc xuất kích từ phía tây nam đến đông nam ADIZ của Đài Loan hoặc thậm chí triển khai đến Kênh Bashi” – ông Shu cho hay.
Mối đe dọa tới các căn cứ trọng yếu của Đài Loan từ các phi vụ của không quân TQ. Ảnh: SLATE/GETTY IMAGES
Đài Loan lần đầu tiên phát hiện máy bay chiến đấu Trung Quốc xâm nhập khu vực phía tây nam ADIZ của hòn đảo hồi tháng 3-2019.
Theo Cơ quan Phòng vệ Đài Loan, năm 2019 chỉ ghi nhận 10 đợt xuất kích của Trung Quốc. Tuy nhiên, con số này đã tăng lên 380 vụ vào năm 2020 và hơn 600 vụ tính đến đầu tháng 10.
Ông Shu nhận định nếu quân đội Trung Quốc có thể cải thiện khả năng tiếp nhiên liệu trên không và triển khai các máy bay tiếp liệu đi cùng máy bay chiến đấu, điều này sẽ không chỉ đặt ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với các căn cứ quân sự của hòn đảo ở phía nam và đông nam Đài Loan mà còn có thể đe dọa các tàu chiến Mỹ tiếp cận Biển Đông.
Theo ông Shu, máy bay tác chiến điện tử J-16D của Trung Quốc - được trang bị thiết bị gây nhiễu tín hiệu có thể vô hiệu hóa radar, hệ thống dẫn đường tên lửa và liên lạc không dây của đối phương - có thể sẽ được đưa vào các đợt xuất kích trong tương lai.
Ông Shu cho rằng lực lượng phòng vệ Đài Loan cần tiếp tục tăng cường hệ thống phòng không và radar để đối phó mối đe dọa ngày càng tăng.
Trước đó, ông Khâu Quốc Chính – người đứng đầu Cơ quan Phòng vệ Đài Loan – hôm 6-10 cảnh báo rằng quân đội Trung Quốc có sẵn khả năng tấn công Đài Loan và họ sẽ hoàn toàn có thể thực hiện một cuộc tấn công tổng lực vào hòn đảo vào năm 2025.
Quân đội Trung Quốc đã đưa vào biên chế hai nhóm tác chiến tàu sân bay và tăng cường hơn nữa lực lượng hải quân của mình với các tàu ngầm năng lượng hạt nhân Type 093 và tàu khu trục Type 055.
Bắc Kinh cũng đang trang bị các tàu đổ bộ trực thăng Type 075 – loại tàu tấn công đổ bộ tiên tiến có thể cải thiện sức mạnh chiến đấu của Trung Quốc trên bộ, trên biển và trên không.
Nhà lãnh đạo Thái Anh Văn kêu gọi Trung Quốc từ bỏ cái mà chính quyền của bà cho là “sự cưỡng ép” của Bắc Kinh đối...
Nguồn: [Link nguồn]