Mỏ vàng "đẻ" 100 tấn mỗi năm trên nóc nhà thế giới
Dòng người lặn lội lên vùng đất hẻo lánh này, mang cả gia đình theo với hy vọng tìm được may mắn đổi đời.
Trên đỉnh Andes của Peru cao 5.000m, làng vàng La Rinconada là nơi cao nhất thế giới mà con người có thể cư ngụ thành cộng đồng. La Rinconada còn được gọi với tên dân dã "Làng đàn ông" do công việc khó khăn và vô cùng vất vả. Dù vậy nơi này vẫn thu hút rất nhiều người tới tìm kiếm vận may trong các hầm khai thác vàng và rất ít người trụ được trong khí hậu khắc nghiệt..
Vài thập kỷ qua, hàng ngàn người đã leo lên đây thử vận may. Cư dân trụ ở đây lâu nhất được 20 năm.
Trung bình các mỏ này thu được 100 tấn vàng và kim loại quý mỗi năm. Giá vàng tăng cũng khiến số người di cư tới ngày một nhiều, gấp đôi trong vòng 5 năm qua.
Chẳng ai sống thoải mái ở La Rinconada. Đường phố luôn ướt nhẹp vì tuyết tan, không có nước sạch, hệ thống cống hay nhà vệ sinh. Thậm chí những hồ nước quanh đó cũng đã bị ô nhiễm bởi đủ loại chất thải, đặc biệt là thủy ngân dùng để tách vàng khỏi đá.
Mỗi ngày, thợ mỏ sẽ đi bộ 1km từ nhà tới mỏ nằm trong núi. Dọc con đường đầy những rác và đương nhiên cũng không có dịch vụ vệ sinh công cộng. Vì điều kiện kém như vậy nên nhiều người thường xuyên mắc bệnh phổi và tiêu hóa.
Thợ mỏ làm việc theo chế độ "cachorreo", tức là làm việc 30 ngày không công sau đó tự tìm vàng cho mình trong 2 ngày. Tuy cachorreo giúp họ có cơ hội vớ bẫm trong 2 ngày thì đa số đương nhiên trắng tay và gần đây đã có nhiều người phản đối.
Kinh tế của Rinconada khá tệ hại, quanh thị trấn chẳng có gì ngoài các quán rượu, vũ nữ và gái mại dâm. Chẳng có luật nào quản lý, dẫn đến bạo lực và say rượu ở nơi công cộng tràn lan.
Có một nhóm phụ nữ tại đây gọi là pallaqueras. Họ tìm kiếm vàng còn sót lại trong bãi đá đã được thải ra. Khoảng 700 pallaqueras gồm các bà mẹ đơn thân, góa phụ và vợ thợ mỏ lặn ngụp trong bãi đá 8 tiếng/ngày, hoặc tùy theo sức khỏe. Họ không được vào bãi vàng vì người ta tin rằng phụ nữ đem lại vận rủi.
Vì cỏ không thể mọc ở độ cao 5.000 mét, các thợ mỏ phải đá bóng "chay". Tất cả thợ mỏ đều mắc bệnh gì đó trong môi trường khắc nghiệt, bao gồm mệt mỏi, đau đầu, choáng váng, buồn nôn và mất ngủ.
Nhiều người cho rằng La Rinconada "giết" công nhân với tốc độ chóng mặt bằng các tai nạn, và âm thầm qua những bất ổn về sức khỏe và điều kiện sống không đảm bảo. Nhưng người dân vẫn kéo tới đây, đưa theo cả gia đình để tìm cơ hội đổi đời.