"Mẹ đẻ" của vắc xin AstraZeneca nói về khả năng virus SARS-CoV-2 suy yếu
Giáo sư Dame Sarah Gilbert, "mẹ đẻ" của vắc xin AstraZeneca, cho rằng, virus SARS-CoV-2 sẽ dần suy yếu theo thời gian và "cuối cùng" là giống như những bệnh thông thường khác.
Giáo sư Dame Sarah Gilbert, "mẹ đẻ" của vắc xin AstraZeneca, vừa lên tiếng về Covid-19. Ảnh: BBC
"Chúng ta đã sống với 4 loại virus Corona khác nhau mà ít ai để ý. SARS-CoV-2 cuối cùng cũng sẽ giảm độc lực và giống như 4 loại này", nữ giáo sư kiêm nhà tiêm chủng học người Anh, Dame Sarah Gilbert, nói.
"Vấn đề chỉ là mất bao lâu để virus giảm độc lực và trở thành bình thường như các bệnh khác. Đồng thời, chúng ta phải có các biện pháp như thế nào để kiểm soát nó trong thời gian chờ virus giảm độc lực", giáo sư Sarah nói thêm.
"Mẹ đẻ" của vắc xin AstraZeneca còn tiết lộ đang tìm các nguồn tài trợ cho các nghiên cứu tìm cách ngăn chặn các đại dịch khác xảy ra trong tương lai.
Phát biểu hôm 22/9, giáo sư Sarah cho biết đang "chờ" tiền tài trợ để phát triển vắc xin cho các bệnh truyền nhiễm khác. Theo Sarah, con người còn nhiều việc cần làm để chuẩn bị sẵn sàng đối phó các đại dịch trong tương lai. Nữ giáo sư nói thêm rằng, những khoản đầu tư nhỏ hiện nay, có thể giúp tiết kiệm hàng tỷ bảng Anh về lâu dài.
Nữ giáo sư Sarah còn nói rằng, việc thiếu đầu tư từ các chính phủ và thiếu các nguồn tài trợ nghiên cứu cho thấy, con người chưa rút ra bài học về tầm quan trọng của việc chuẩn bị sẵn sàng cho một đại dịch.
"Chúng tôi vẫn đang cố gắng gây quỹ để phát triển các loại vắc xin khác mà chúng tôi đang nghiên cứu trước đại dịch Covid-19. Các vắc xin này nhằm ngăn chặn virus từng gây bùng phát dịch trong quá khứ hoặc các virus mới sắp xuất hiện. Ví dụ như tôi đang cố gắng gây quỹ cho các vắc xin ngăn ngừa virus Nipah, virus sốt lassa và virus MERS", nữ giáo sư nói.
"Chúng ta cần bắt đầu lên kế hoạch cho một đại dịch trong tương lai ngay từ bây giờ. Tôi không có ý khiến mọi người bi quan khi cảnh báo rằng một đại dịch toàn cầu khác sẽ xảy ra. Nhưng chúng ta phải chuẩn bị để sẵn sàng đối phó.
Những người lên kế hoạch đối phó đại dịch mới như chúng tôi thực sự muốn đưa ra tất cả các kế hoạch có thể để chủ động khi có đại dịch mới xảy ra. Chúng tôi phải dập được dịch khi nó mới nhen nhóm ở giai đoạn bùng phát chứ chưa phải là đại dịch toàn cầu.
Chúng ta cũng cần có biện pháp ứng phó với các ổ dịch ngay khi xác định được chúng: Tiêm chủng cho người dân, ngăn chặn đợt bùng phát, không để nó lan rộng.
Các ổ dịch này sẽ lây lan nếu con người không thể đối phó với chúng. Đó cũng là lý do vì sao chúng ta cần phải có vắc xin cho các loại virus để ngăn dịch bệnh lây lan ra toàn cầu".
Nguồn: [Link nguồn]
Theo Times of India, Covid-19 kéo dài là một hội chứng ghi nhận ở trung bình một trong 5 người khỏi Covid-19.