Mê cung đường hầm của Hamas và 'cơn ác mộng' với Israel
Các đường hầm chằng chịt dưới lòng đất được ví như mặt trận thứ hai của phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas ở Dải Gaza và đang đặt ra thách thức lớn với lực lượng Israel.
Khi lập bản đồ địa hình giao tranh giữa Israel và phong trào vũ trang Hồi giáo Hamas, các nhà phân tích thường đề cập cụm từ “hai Dải Gaza” để nói về một Dải Gaza có thể nhìn thấy trên mặt đất như chúng ta thường biết và một Dải Gaza thứ hai là mạng lưới đường hầm rộng lớn dưới lòng đất.
Những lối đi bí ẩn này đã bảo vệ các chiến binh Hamas và giúp họ phát động những cuộc tấn công bất ngờ vào Israel trong nhiều năm qua, sau vụ các thành viên Hamas đột nhập lãnh thổ Israel hôm 7-10 và trong bối cảnh Israel được cho chuẩn bị đổ bộ vào Gaza, những lối đi này càng thu hút nhiều sự chú ý hơn.
Biết gì về “mê cung” đường hầm của Hamas
Kể từ những năm 1980, các đường hầm đã là một phần trong cuộc sống của người dân Dải Gaza, tuy nhiên tầm quan trọng của chúng được nâng lên sau khi Hamas kiểm soát Gaza khiến Ai Cập và Israel áp đặt những hạn chế nghiêm ngặt với việc di chuyển hàng hóa và con người tại dải đất này.
Trước khi Hamas kiểm soát Gaza, các đường hầm được sử dụng chủ yếu cho hoạt động buôn lậu. Từ khi Hamas tiếp quản các đường hầm, nhóm này đã mở rộng chúng để vận chuyển người và hàng hóa, cất giữ và vận chuyển vũ khí, đạn dược, đặt các trung tâm chỉ huy nhằm tránh xa sự giám sát bằng máy bay của Lực lượng phòng vệ Israel.
Một chiến binh Hamas đứng trước một đường hầm ở trung tâm Dải Gaza ngày 19-7. Ảnh: GETTY IMAGES
Theo tờ The Washington Post, với khoảng 1.300 đường hầm được khoan sâu dưới lòng đất và dày đặc như các mê cung khiến hệ thống này được mệnh danh là “tàu điện ngầm”. Hầu hết đường hầm được gia cố bằng bê tông và có cả đường dây điện và đường dây liên lạc bên trong.
Hệ thống đường hầm là một công trình tiêu tốn sức người, sức của nhiều nhất của Hamas. Theo một nghiên cứu của RAND Corporation (một tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận có trụ sở tại Mỹ), tính đến năm 2014, Hamas đã tuyển dụng 900 nhân viên xây đường hầm, mỗi đường hầm mất 3 tháng và chi phí xây dựng trung bình là 100.000 USD.
Vào năm 2021, sau một cuộc xung đột giữa Israel và Hamas, lực lượng phòng vệ Israel tuyên bố đã không kích và phá hủy hơn 100 km đường hầm. Đáp lại, Hamas cho biết họ đã xây dựng đến 500 km đường hầm và Israel chỉ làm hư hại 5% trong số này. Theo đài CNN, nếu đúng như tuyên bố của Hamas, các đường hầm dưới lòng đất của nhóm này dài gấp 10 lần chiều dài Dải Gaza và gần bằng một nửa chiều dài hệ thống tàu điện ngầm của TP New York (Mỹ).
“Đó là một mạng lưới đường hầm rất phức tạp, rất lớn trên một phần lãnh thổ khá nhỏ” - giáo sư Daphne Richemond-Barak, chuyên gia về chiến tranh dưới lòng đất tại Đại học Reichman (Israel) nhận xét.
Hệ thống đường hầm gây khó thế nào cho Israel?
Hamas từ lâu đã coi mạng lưới đường hầm là một dạng lực lượng dự bị chiến lược cho các hoạt động tấn công của mình.
Năm 2014, lãnh đạo của nhóm Hamas khi đó là ông Khaled Meshal đã nói với tạp chí Vanity Fair: “Trong bối cảnh cán cân quyền lực đang nghiêng về phía Israel, chúng tôi phải sáng tạo ra những cách thức mới. Các đường hầm là một trong những cải tiến của chúng tôi, đặt thêm nhiều trở ngại hơn cho bất kỳ cuộc tấn công nào của Israel và tạo điều kiện cho lực lượng kháng chiến ở Gaza tự vệ”.
Một sĩ quan của lực lượng phòng vệ Israel đưa các nhà báo đi tham quan một đường hầm được cho là của các chiến binh Palestine tại biên giới Israel-Gaza vào ngày 25-7-2014. Ảnh: AP
Chính Israel cũng thừa nhận khó khăn trong việc ứng phó với những đường hầm này. Ngay sau vụ tấn công ngày 7-10 của Hamas, Trung tá Jonathan Conricus của lực lượng phòng vệ Israel đã nói với đài ABC News rằng việc triệt hạ các chiến binh Hamas là không dễ dàng vì họ ẩn mình “bên trong và bên dưới Dải Gaza” vốn chằng chịt các cơ sở hạ tầng dân sự.
“Đó là cách Hamas có thể ngăn chặn vũ khí của chúng tôi và giấu vô số rocket trong tất cả các cuộc đụng độ mà hai bên đã trải qua. Đường hầm là nơi họ đang ẩn náu lúc này khi chúng tôi ném bom, đó là nơi chứa vũ khí và cũng là cơ sở hạ tầng quân sự mà họ dựa vào để tiếp tục chiến đấu” - ông Conricus nhận xét.
Thách thức đầu tiên cho Israel là xác định vị trí đường hầm. Tướng Nadav Padan - người từng chỉ huy một sư đoàn của Lực lượng phòng vệ Israel vào năm 2014 (ông đã nghỉ hưu và sống ở Mỹ nhưng vừa trở về Israel vào ngày 8-10 để tái gia nhập Lực lượng phòng vệ Israel) nói: “Chúng tôi quen thuộc với các đường hầm chủ yếu trên lý thuyết nhưng chúng tôi không có kinh nghiệm thực tế”.
Thông thường, Israel sử dụng radar và các hệ thống giám sát để phát hiện đường hầm, nhưng hiệu quả khá hạn chế vì các đường hầm này sâu tới hàng chục mét dưới mặt đất. Trong những năm gần đây, Mỹ và Israel đang phát triển những robot có khả năng mang thiết bị cảm biến tiến sâu dưới lòng đất để tìm kiếm đường hầm.
Ngay cả khi tìm thấy được một đường hầm, việc phá hủy nó lại là một vấn đề khác. Theo tổ chức RAND Corporation, lực lượng phòng vệ trên không Israel đã cố gắng thả bom dọc theo tuyến đường hầm nhưng một số quả không phát nổ ở độ sâu phù hợp. Bên cạnh đó, Israel cũng sử dụng “Emulsa” (một loại chất nổ dạng gel) nhưng để phá mỗi đường hầm cần trung bình từ 9-11 tấn chất nổ.
Trong bối cảnh hiện nay, khi nhiều con tin được cho là đang bị Hamas giấu dưới các đường hầm, việc tấn công chiến binh Hamas mà không làm hại đến con tin đã khó chứ đừng nói đến phương án phá hủy đường hầm.
Trước đây, Lực lượng phòng vệ Israel thường tránh giao tranh trong các đường hầm vì sự phức tạp của nó. Tờ Economist nhận định rằng chiến tranh đô thị đã khó, chiến tranh dưới lòng đất còn khó hơn nhiều lần.
Tờ báo giải thích nếu chiến tranh trong thành phố bị thách thức do tầm nhìn hạn chế, phải giao tranh cận chiến và tín hiệu liên lạc kém vì phải truyền giữa các tòa nhà cao tầng, thì những khó khăn này tăng lên nhiều lần trong chiến tranh dưới lòng đất. Thêm vào đó, ngay cả những máy bay không người lái tinh vi nhất cũng không thể quan sát được dưới lòng đất như trên bộ.
Ngoài những yếu tố trên, môi trường dưới lòng đất cũng không giống trên mặt đất, dưới lòng đất lạnh hơn, thiếu ánh sáng, địa hình phức tạp... nên đòi hỏi binh sĩ phải được huấn luyện chuyên nghiệp và có thời gian dài làm quen mới có thể hoạt động hiệu quả.
Theo giới phân tích, để đạt được mục tiêu nhìn thấy Gaza “từ bên trong” như đã tuyên bố, Lực lượng phòng vệ Israel cần thời gian dài tính bằng năm chứ không phải là nhiệm vụ vài tuần, hay vài tháng.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cũng lạc quan về khả năng Israel có thể ứng phó các “mê cung” đường hầm vì lực lượng phòng vệ nước này đã dành nhiều năm để đầu tư nghiên cứu chiến tranh đường hầm. Israel thậm chí còn xây dựng phiên bản đường hầm của riêng mình để huấn luyện cho binh sĩ nước này, theo Economist.
Vai trò của đường hầm “xuyên biên giới” trong vụ tấn công ngày 7-10 Vụ tấn công cách đây 2 tuần của Hamas vào Israel là sự kết hợp của tấn công trên biển, trên bộ và một loạt các cuộc tấn công rocket. Vì biên giới của Israel với Dải Gaza có lắp đặt các cảm biến nhưng không có cảnh báo sớm nào được đưa ra trước khi Hamas tấn công nên các chuyên gia tin rằng các đường hầm có thể đã đóng một vai trò quan trọng giúp các chiến binh Hamas vượt biên vào Israel. Hàng rào do Israel xây dựng ở biên giới Gaza cao gần 10 mét và có hàng rào bê tông ngầm. Thế nên, cách duy nhất để Hamas có thể vào Israel mà không bị phát hiện là đào đường hầm dưới hàng rào. Trả lời phỏng vấn với đài BBC, Tiến sĩ Daphne Richemond-Barak - giảng viên Đại học Reichman (Israel) cho rằng Hamas đã đào các đường hầm thô sơ, kém phức tạp hơn các đường hầm ở Dải Gaza, nhằm phục vụ cho một mục đích duy nhất là tiến vào Israel. |
Bộ Quốc phòng Israel gần đây xác nhận chuyến hàng hỗ trợ quân sự thứ 45 của Mỹ đã được vận chuyển tới nước này bằng máy bay vận tải.
Nguồn: [Link nguồn]