Những điều xảy ra giữa không trung gây chết người trên máy bay Singapore?
Theo chuyên gia, báo cáo ban đầu cho thấy máy bay Singapore đã gặp phải loại nhiễu loạn không khí nguy hiểm nhất.
Nhiều hành khách bị thương trên máy bay Singapore gặp nạn ngày 21/5. Ảnh: Daily Mail
Một người chết, 30 người bị thương và 71 người phải vào viện là con số thương vong đáng chú ý khi chiếc máy bay Singapore gặp nhiễu loạn cực độ "trong hơn 1 phút". Người chết là hành khách người Anh, 73 tuổi, bị đau tim trong quá trình máy bay gặp nhiễu loạn.
Chiếc Boeing 777-300ER mang số hiệu SQ321 của hãng Singapore Airlines gặp nạn ngày 21/5 khi đang trong hành trình từ Anh đến Singapore. Tổng cộng có 229 người, gồm 211 hành khách và 18 thành viên phi hành đoàn trên máy bay lúc đó.
Theo hãng hàng không Singapore Airlines, máy bay số hiệu SQ321 "bất ngờ gặp phải nhiễu loạn cực độ" ở độ cao hơn 11.000 mét khi bay trên lưu vực Irrawaddy ở Myanmar. Phân tích dữ liệu ban đầu của dịch vụ theo dõi hàng không Flightradar24 cho thấy, máy bay trải qua hơn 1 phút nhiễu loạn cực độ.
Cuối cùng, phi công tuyên bố tình trạng khẩn cấp y tế và đáp máy bay khẩn cấp xuống sân bay quốc tế Suvarnabhumi ở thủ đô Bangkok của Thái Lan.
Lời kể sốc của hành khách
Nữ hành khách Teandra Tukhunen. Ảnh: Sky News
Hành khách Teandra Tukhunen, 30 tuổi, sống ở thành phố Melbourne (Úc) và đang được điều trị tại bệnh viện Samitivej Srinakarin (Thái Lan) đã kể lại trải nghiệm hãi hùng với phóng viên Sky News.
Tukhunen cho biết, cô đang ngủ thì bị "choàng tỉnh vì bị hất văng lên trần máy bay rồi rơi xuống sàn".
"Tôi không có thời gian để thắt dây an toàn. Gần như ngay lập tức, tôi lại bị hất văng lên", hành khách 30 tuổi nói. "Mọi thứ diễn ra quá nhanh, chỉ trong vài giây, khiến tôi bị sốc. Mọi người đều hoảng loạn".
Hành khách Dzafran Azmir, 28 tuổi, người Malaysia, nói với hãng Reuters rằng anh đã chuẩn bị tinh thần cho điều xấu nhất khi máy bay bắt đầu nghiêng và rung lắc mạnh.
"Cú rơi đột ngột của máy bay khiến tất cả những người không thắt dây an toàn bị hất tung lên trần máy bay", Azmir kể lại.
"Một số người bị đập đầu khá mạnh, làm móp cả khoang hành lý phía trên. Một số khác bị đập vào khu vực có đèn, mặt nạ làm bung mọi thứ. Phi hành đoàn và người bên trong nhà vệ sinh là bị thương nặng nhất. Chúng tôi phát hiện có những người nằm dưới đất và không thể đứng dậy. Có nhiều người bị thương ở đầu và cột sống", hành khách 28 tuổi chia sẻ thêm.
Andrew Davies, hành khách người Anh có mặt trên chiếc máy bay Singapore gặp nạn, cho biết: "Máy bay đột ngột rơi xuống và gần như không có cảnh báo về việc này".
"Trong vài giây, máy bay đột ngột hạ độ cao. Có tiếng hét thất thanh và âm thanh va đập mạnh", Davies chia sẻ và cho biết đã giúp đỡ một nữ hành khách vì "vết thương đau đớn ở phần đầu".
Cảnh quay bên trong máy bay Singapore cho thấy quy mô của sự tàn phá sau vụ việc. Toàn bộ phần trần của khu vực chuẩn bị đồ ăn bị phá hủy với nhiều mảnh vỡ rơi xuống. Đồ đạc, chai lọ, mảnh vỡ vương vãi khắp các lối đi. Nhiều vết máu được trông thấy ở phần trần của máy bay và tủ đựng đồ trên cao.
Các video và hình ảnh khác cho thấy hành khách bị thương ngồi chờ được sơ tán khỏi máy bay, nhiều mặt nạ phòng độc treo lủng lẳng trong khoang hành khách.
Đồ đạc vương vãi trên sàn máy bay sau sự cố trên không. Ảnh: Reuters
Loại nhiễu loạn nguy hiểm nhất
Theo Reuters, nhiễu loạn không khí trong hàng không đề cập đến các biến động không đều của không khí mà máy bay gặp phải trong quá trình bay.
Tim Atkinson, nhà tư vấn hàng không và cựu điều tra viên về tai nạn máy bay, nói với hãng BBC rằng, máy bay nhỏ và lớn đều dễ bị ảnh hưởng bởi nhiễu loạn không khí, có thể dẫn đến thương vong. Máy bay lớn có thể khiến tác động của nhiễu loạn "trở nên rất nghiêm trọng".
Ông Atkinson cho biết, hầu hết nhiễu loạn xảy ra trong các đám mây và tác động rất nhẹ, nhưng chúng sẽ nghiêm trọng hơn ở những đám mây lớn hình thành do giông bão.
Sara Nelson, Chủ tịch Hiệp hội Tiếp viên hàng không (có trụ sở ở Mỹ), cho biết: "Báo cáo ban đầu cho thấy, máy bay của hãng Singapore Airlines gặp phải loại nhiễu loạn nguy hiểm nhất, có tên là nhiễu loạn không khí trong suốt (CAT), thường gặp ở độ cao 11.000m - 18.000m".
"Loại nhiễu loạn này nguy hiểm ở chỗ, nó không thể nhìn thấy và không dễ phát hiện ngay cả với công nghệ hiện tại", bà Nelson nói. "Một giây trước, bạn đang trên một chuyến bay suôn sẻ. Giây tiếp theo, các hành khách không cài dây an toàn, các tiếp viên hàng không và đồ dùng sẽ bị hất văng lên không trung nếu gặp loại nhiễu loạn này".
Tim Atkinson, nhà tư vấn hàng không và cựu điều tra viên về tai nạn máy bay ở Anh. Ảnh: Sky News
Nhà tư vấn hàng không Atkinson cũng cho rằng máy bay của hãng Singapore Airlines gặp nhiễu loạn CAT. Ông này cảnh báo hiện tượng nhiễu loạn ngày càng phổ biến và nghiêm trọng hơn do biến đổi khí hậu.
Theo News.com.au, các nhà khoa học từ lâu đã cảnh báo, biến đổi khí hậu có thể làm tăng CAT, hiện tượng mà đến cả radar cũng không phát hiện được.
Một nghiên cứu năm 202 cho thấy, thời gian xảy ra nhiễu loạn CAT hàng năm tăng trung bình 17% trong giai đoạn 1979-2020. Có năm nghiêm trọng nhất là tăng 50%.
Bình luận trên Fox News, cơ trưởng Shem Malmquist, một phi công và giảng viên tại Đại học Công nghệ Hàng không Florida (Mỹ), đề xuất một giả thuyết khác với trường hợp của chiếc máy bay Singapore gặp nạn ngày 21/5.
"Tôi có nhiều kinh nghiệm lái máy bay Boeing 777 qua vịnh Bengal, khu vực mà máy bay Singapore gặp nạn", ông Malmquist nói.
Cơ trưởng người Mỹ cho rằng, nguyên nhân khiến máy bay Singapore gặp nạn có thể là do bay gần nơi có giông bão.
"Một trong những điều tôi chú ý khi bay qua vùng Vịnh Bengal đó là vùng nước nhiệt đới ấm của nó. Giông bão ở đây không biểu hiện giống các nơi khác trên thế giới", ông Malmquist bình luận.
"Hầu hết việc đào tạo phi công nhận biết giông bão đều dựa trên loại giông bão thường thấy ở Bắc Mỹ. Nhưng giông bão ở các khu vực đại dương ấm hơn có biểu hiện rất khác. Vì vậy, cách huấn luyện phi công và thuật toán của radar máy bay có thể không giúp nhận biết và mô tả chính xác có bão. Vì vậy, máy bay rất có thể bay gần hoặc bay thẳng về phía cơn bão mà phi công không biết", ông Malmquist nói thêm.
Một phân tích của CNN Weather cũng cho thấy, có khả năng máy bay Singapore đã gặp phải giông bão đang phát triển nhanh ở miền nam Myanmar.
CNN Weather lưu ý, các cơn giông bão nhiệt đới ở thời điểm này trong năm có thể hình thành nhanh chóng vào đầu giờ chiều khi mặt đất nóng lên. Và radar rất khó phát hiện giai đoạn đầu tiên này.
Phi công, hành khách phải làm gì để sống sót khi máy bay gặp nhiễu loạn?
Tiếp viên phi hành đoàn thắt dây toàn trên máy bay Singapore gặp nạn ngày 21/5. Ảnh: Daily Mail
Theo Cơ quan Hàng không Liên bang Mỹ (FAA), hành khách nên thắt dây an toàn và nghe theo chỉ dẫn của phi công cùng tiếp viên hàng không.
Trong trường hợp của máy bay Singapore, phần lớn hành khách bị thương là những người không thắt dây an toàn.
FAA cũng khuyến nghị hành khách nên chú ý đến các nguyên tắc an toàn được tiếp viên hàng không nhắc trước chuyến bay.
Theo Reuters, phi hành đoàn cũng chuẩn bị kiến thức kỹ càng về hiện tượng nhiễu loạn và các bản tin dự báo thời tiết, nạp thêm nhiên liệu khi cần thiết đồng thời theo dõi radar thời tiết trong suốt hành trình bay.
Hugh Dibley, phi công đã nghỉ hưu ở Anh, khuyên các phi công cũng nên theo dõi cảnh báo từ các máy bay khác trong khu vực về hiện tượng nhiễu loạn và giảm tốc độ để giảm thiệt hại, thương vong cho người trên máy bay.
Bên trong khoang chiếc Boeing 777-300ER của Singapore Airlines trông “như bãi chiến trường” khi gặp sự cố nhiễu động phải hạ cánh khẩn cấp ở Thái Lan hôm 21-5.
Nguồn: [Link nguồn]