Máy bay quân sự Anh bị nước đồng minh "cấm cửa" khi chuyển vũ khí chống tăng tới Ukraine

Hai máy bay vận tải quân sự Anh đưa các vũ khí chống tăng tới Ukraine đã phải bay theo một hành trình dài hơn nhiều, vì bị cấm bay qua không phận một quốc gia đồng minh.

Trong bối cảnh Ukraine rất cần các vũ khí phòng vệ trước nguy cơ Nga tấn công, Anh đã đưa tới lô tên lửa vác vai chống tăng NLAW và AT4.

Các binh sĩ và quân nhân Anh có mặt trên chuyến bay sẽ ở lại Ukraine để hướng dẫn binh sĩ nước này cách ngắm bắn xe tăng Nga, theo Daily Mail.

Lô vũ khí chống tăng được Anh đưa đến Ukraine.

Lô vũ khí chống tăng được Anh đưa đến Ukraine.

Video do truyền thông Anh đăng tải cho thấy các vũ khí được xe chuyên dụng đưa ra khỏi máy bay vận tải tại một sân bay Ukraine.

Các máy bay vận tải C-17 của không quân Anh đã phải bay qua Đan Mạch để tới Ukraine, thay vì lựa chọn quãng đường bay ngắn hơn qua không phận Đức.

Các binh sĩ Anh sẽ ở lại hướng dẫn quân đội Ukraine cách sử dụng.

Các binh sĩ Anh sẽ ở lại hướng dẫn quân đội Ukraine cách sử dụng.

Theo báo Anh, các máy bay C-17 bị cấm bay qua Đức, do Berlin kiên quyết phản đối cung cấp vũ khí sát thương cho quân đội Ukraine.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz dường như không muốn làm căng thẳng thêm mối quan hệ với Nga, khi Đức vẫn chưa thể đưa đường ống dẫn khí đốt Nord Stream 2 vào hoạt động.

Máy bay Anh phải tránh bay qua không phận Đức.

Máy bay Anh phải tránh bay qua không phận Đức.

Nord Stream 2 là dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt kết nối thẳng từ Nga tới Đức để tiết kiệm chi phí. Dự án đã hoàn thành xong nhưng chưa thể sử dụng vì sức ép của các quốc gia châu Âu.

Ông Scholz là người lên kế nhiệm Thủ tướng Đức Angela Merkel vào tháng trước, vẫn duy trì lập trường tương tự người tiền nhiệm. Đó là hạn chế trừng phạt Nga nhất có thể và không cung cấp cho Ukraine vũ khí sát thương.

Hôm 17.1, ông Scholz nói Đức không chấp nhận chuyển giao vũ khí của liên minh NATO cho Ukraine, kể cả khi vũ khí chỉ được sử dụng với mục đích phòng vệ.

Tên lửa vác vai NLAW có tầm bắn tối đa 1.000 mét còn AT4, vũ khí chống tăng được sử dụng rộng rãi trong liên minh quân sự NATO, chỉ có tầm bắn tối đa 500 mét.

Các vũ khí này không hiện đại như tên lửa Javelin của Mỹ, nhưng có giá rẻ và có thể được sử dụng với số lượng lớn, hiệu quả trong việc tiêu diệt xe tăng, xe chiến đấu, trực thăng và thậm chí là các máy bay ở tầm thấp.

Đây là lô vũ khí được Anh chuyển giao cho quân đội Ukraine dựa trên quan hệ song phương giữa hai nước, không thông qua liên minh NATO.

Bộ trưởng Quốc phòng Anh Ben Wallace nói hoạt động này diễn ra “trong bối cảnh Nga gia tăng các hành động gây hấn”.

Hôm 18.1, Nhà Trắng cảnh báo tình hình ở Ukraine đang “hết sức nguy hiểm” và “Nga có thể tấn công bất cứ lúc nào”.

Nguồn: [Link nguồn]

Mỹ, Ukraine cùng lúc báo động: Nga đã có cớ, có thể tấn công Kiev bất cứ lúc nào

Mỹ cảnh báo Nga có thể tấn công vào Ukraine vào bất kỳ lúc nào, Ukraine nói Moscow đã có cớ để nhằm vào nước này.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - Daily Mail ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN