Máy bay khổng lồ của Mỹ mắc kẹt trên rạn san hô
Hải quân Mỹ ước tính sẽ tốn 1,5 triệu USD để trục vớt chiếc máy bay phản lực bị rơi và mắc kẹt trên rạn san hô ở Hawaii hai tuần trước.
Chiếc máy bay bị rơi và mắc kẹt trên rạn san hô ở Hawaii. Ảnh AP.
Người phát ngôn Hải quân Mỹ Mohammad Issa ngày 4/12 cho biết, các nỗ lực hiện tại tập trung vào hai mục đích là bảo vệ môi trường và trục vớt máy bay một cách an toàn mà vẫn duy trì được khả năng chiến đấu. Ông nói thêm, 200.000 USD đã được chi cho hoạt động này.
Hải quân Mỹ có kế hoạch sử dụng các xi lanh bơm hơi để nâng và lăn chiếc máy bay phản lực ra khỏi rạn san hô, nơi máy bay này rơi xuống hôm 20/11.
Chiếc P-8A, phiên bản quân sự của máy bay phản lực Boeing 737, đã lao xuống khu vực Vịnh Kaneohe, tương đối nhạy cảm về môi trường và cách Honolulu khoảng 16 km, khi đi quá đường băng tại căn cứ Thủy quân lục chiến Hawaii. May mắn, không ai trong số 9 người trên máy bay bị thương. Nguyên nhân của vụ tai nạn đang được điều tra.
Chuẩn Đô đốc Kevin Lenox, chỉ huy Nhóm tấn công tàu sân bay 3, người chỉ đạo nỗ lực trục vớt, cho biết hoạt động này có thể được thực hiện mà không làm tổn hại thêm rạn san hô.
Hải quân Mỹ tuần trước đã công bố đoạn video được quay dưới nước cho thấy bánh xe hạ cánh của máy bay nằm trên các phần san hô bị nghiền nát và phần còn lại của máy bay nổi trên rạn san hô.
Bánh của máy bay đáp trên rạn san hô. Ảnh AP.
Lượng nhiên liệu ước tính khoảng 7.500 lít đã được rút khỏi máy bay.
Các quan chức bang Hawaii sẽ kiểm tra rạn san hô xem có bị hư hại hay không sau khi máy bay được trục vớt.
Vịnh Kaneohe là nơi có các rạn san hô và nhiều loại sinh vật biển, từ cá mập đến bạch tuộc và cá. Khu vực này có ao cá Hawaii cổ đang được các tổ chức môi trường và nhóm địa phương khôi phục.
Chiếc máy bay nặng hơn 60 tấn, đang ở tình trạng tốt và Hải quân hy vọng sẽ có thể sử dụng sau khi trục vớt.
Nguồn: [Link nguồn]
Sự cố hành khách ném đồng xu vào thân máy bay đã khiến chuyến bay đó phải hoãn 3 tiếng để kiểm tra toàn động cơ.