Mẫu pháo 'đối trọng với HIMARS' của châu Âu
Châu Âu đang phát triển mẫu pháo phản lực tương tự HIMARS, song vượt trội ở một số điểm, được kỳ vọng có thể thành đối thủ cạnh tranh.
EuroPULS, mẫu pháo phản lực đặt trên khung gầm xe tải, là dự án hợp tác giữa tập đoàn quốc phòng Pháp - Đức KNDS và hãng vũ khí Israel Elbit Systems. Nó được phát triển từ dòng pháo phản lực Hệ thống phóng Phổ quát và Chính xác (PULS) do Elbit chế tạo, hiện được Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) và một số nước châu Âu biên chế.
Dự án này có thể biến EuroPULS trở thành đối thủ cạnh tranh với Tổ hợp Pháo phản lực Cơ động cao (HIMARS), loại vũ khí đã có tuổi đời hàng thập kỷ song gần đây mới trở nên nổi tiếng nhờ xung đột tại Ukraine.
Hai loại pháo này đều được đặt trên khung gầm xe tải, nhưng EuroPULS có trọng lượng lớn hơn nên sử dụng xe 8 bánh, còn HIMARS là xe 6 bánh.
Theo KNDS, tổ hợp pháo EuroPULS có chiều dài 10 mét, nặng 38 tấn, vận tốc tối đa trên đường bộ là 88 km/h. Nó nặng hơn nhiều so với HIMARS, loại có trọng lượng chiến đấu khoảng 18 tấn. Bù lại, kích thước lớn giúp EuroPULS có thể mang được nhiều rocket hơn.
EuroPULS được trang bị hai cụm ống phóng với khả năng khai hỏa 12 rocket trong 60 giây, tùy thuộc vào loại đạn. Trong khi đó, HIMARS chỉ sở hữu một cụm ống phóng, có thể chứa 6 rocket GMLRS hoặc một tên lửa đạn đạo chiến thuật ATACMS.
Giá của EuroPULS chưa được tiết lộ, còn HIMARS có giá gần 5 triệu USD mỗi hệ thống, theo báo cáo ngân sách năm 2024 của lục quân Mỹ.
Pháo phản lực EuroPULS. Đồ họa: KNDS
Các nước châu Âu đã biên chế nhiều loại pháo phản lực. Không ít trong số đó, như pháo LRU của Pháp và MARS 2 của Đức, được phát triển dựa trên mẫu pháo phản lực di động bánh xích M270 của Mỹ và sử dụng loại đạn tương tự với tổ hợp này là rocket GLMRS.
EuroPULS có thể khai hỏa nhiều loại đạn hơn. Theo KNDS, mẫu pháo này có thể sử dụng các loại rocket truyền thống của châu Âu cũng như của pháo PULS, do có thể gắn nhiều cụm ống phóng khác nhau. Các lựa chọn bao gồm 18 rocket Acular 122 mm tầm bắn 35 km, 10 rocket Acular 160 mm tầm bắn 40 km, 4 rocket tăng tầm EXTRA có khả năng bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách 150 km và hai tên lửa đạn đạo Predator Hawk tầm bắn 300 km. Có thể gắn hai loại cụm ống phóng khác nhau trên cùng một xe EuroPULS.
KNDS và Elbit nhấn mạnh rằng EuroPULS có khả năng phóng tất cả loại rocket cũng như "tích hợp được với những mẫu tên lửa sắp tới". Dù vậy, Lockheed Martin, nhà sản xuất pháo HIMARS, cho biết EuroPULS sẽ không thể sử dụng rocket GMLRS giống như khí tài của Mỹ.
Hiện chưa rõ EuroPULS có khả năng cạnh tranh sòng phẳng với HIMARS hay không. Mẫu pháo của Mỹ có lợi thể lớn nhờ thành tích thực chiến trong xung đột tại Ukraine, khi đóng vai trò quan trọng giúp lực lượng của Kiev chặn đứng đà tiến của quân đội Nga trong năm đầu tiên của chiến sự.
Rocket phóng từ HIMARS đã phá hủy nhiều kho đạn và sở chỉ huy của lực lượng Nga, làm gián đoạn hoạt động hậu cần và chuỗi chỉ huy của đối phương, khiến Moskva phải di chuyển các cơ sở thiết yếu vào sâu hơn trong hậu phương.
Pháo HIMARS tại cuộc diễn tập chung ở Thụy Điển hôm 11/6. Ảnh: Lục quân Mỹ
Tuy HIMARS và các loại vũ khí dẫn đường khác gần đây không còn đạt hiệu quả như trước do vấp phải hàng rào tác chiến điện tử của Nga, những hệ thống pháo phản lực như nó hiện vẫn được coi là khí tài có giá trị cao.
Trong khi đó, EuroPULS được cho là chiếm ưu thế so với HIMARS về mặt kinh tế, ít nhất là đối với các khách hàng châu Âu. Lockheed Martin sản xuất rocket dẫn đường GLMRS với giá lên tới hơn 100.000 USD mỗi quả tại các nhà máy ở Mỹ, trong khi KNDS hiện có kế hoạch xây dựng cơ sở chế tạo xe phóng đạn cho EuroPULS tại châu Âu, điều sẽ giúp giảm chi phí sản xuất và thời gian vận chuyển.
HIMARS đã được hơn một chục quốc gia biên chế hoặc đặt hàng. Tuy chưa thể sánh bằng mẫu pháo của Mỹ về kết quả thực chiến, PULS cũng đã đạt được thành công nhất định ở thị trường châu Âu. Hà Lan và Đan Mạch đã mua mẫu pháo của Elbit, trong khi Đức có kế hoạch mua 5 hệ thống để thay thể các xe phóng MARS 2 đã gửi cho Ukraine. Berlin cũng đang cân nhắc mua 89 tổ hợp EuroPULS trong tương lai.
Pháo HIMARS tập kích siêu cối tự hành 2S4 Tyulpan của Nga trong video đăng ngày 15/6. Video: Telegram/Butusov Plus
Bên cạnh đó, KNDS và Elbit có thể tận dụng chính sự nổi tiếng của HIMARS để giành lấy thị phần của loại vũ khí này. Giới quan sát đang đặt nghi vấn về khả năng Lockheed Martin có thể đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng đối với xe phóng và đạn của HIMARS, dù hãng vũ khí của Mỹ đã lên kế hoạch tăng cường năng lực sản xuất.
Ví dụ, Ukraine đã đặt mua thêm các tổ hợp HIMARS, trong khi Bộ Quốc phòng Mỹ cũng đang tìm cách thay thế các hệ thống và đạn được của khí tài này mà Washington đã rút từ kho để chuyển cho Kiev.
"Cầu có nguy cơ vượt xa cung, do những hạn chế về tốc độ tăng cường năng lực sản xuất trên quy mô công nghiệp cũng như nhu cầu lấp đầy và chuyển giao thêm các hệ thống cho Ukraine", James Black, trợ lý giám đốc về quốc phòng tại viện nghiên cứu RAND chi nhánh châu Âu, cho biết, thêm rằng một số nước này có thể sẽ cân nhắc phương án thay thế, ví dụ mua EuroPULS thay vì HIMARS.
Quân đội Nga đã phá hủy đồng thời 3 hệ thống pháo phản lực tầm xa HIMARS của Ukraine và loại bỏ một số nhân viên quân sự nước ngoài hỗ trợ Kiev vận hành hệ thống.
Nguồn: [Link nguồn]