Mặt trái của phương châm giữ số ca nhiễm Covid-19 ở mức 0 bằng mọi giá ở Hồng Kông (Trung Quốc)

Phải thực hiện phương châm giữ số ca nhiễm Covid-19 ở mức 0 bằng mọi giá, đó là áp lực đối với chính quyền đặc khu Hồng Kông (Trung Quốc) hiện tại trong khi số ca lây nhiễm hàng ngày lên đến 4.000 người và các biện pháp phòng dịch khắc nghiệt bắt đầu lộ ra sự bất cập.

Bệnh nhân Covid-19 tại khu chờ bên ngoài Trung tâm Y tế Caritas Hồng Kông hôm 15-2

Bệnh nhân Covid-19 tại khu chờ bên ngoài Trung tâm Y tế Caritas Hồng Kông hôm 15-2

“Sóng thần” vượt tầm kiểm soát

Trong gần 2 năm, Hồng Kông đã dựa vào sự kết hợp của các biện pháp kiểm dịch nghiêm ngặt cùng nỗ lực theo dõi - truy vết phức tạp để cô lập các ca dương tính, khiến cho đặc khu tương đối sạch dịch bệnh. Nhưng những biện pháp đó không còn phát huy hiệu quả khi đối mặt với đợt sóng Omicron mới nhất mà các quan chức đã mô tả là “sóng thần”.

Làn sóng mới nhất bắt đầu vào tháng 1-2022 và nhanh chóng vượt khỏi tầm kiểm soát bất chấp những nỗ lực ngày càng tuyệt vọng của nhà chức trách Hồng Kông. Vào giữa tháng 1, cơ quan chức năng đã tiêu hủy hơn 2.500 chuột hamster và các động vật nhỏ khác sau khi phát hiện 1 ca nhiễm liên quan đến một cửa hàng thú cưng, làm dấy lên sự phẫn nộ của dân chúng. Vài ngày sau, một cụm nhà ở là nơi sinh sống của hàng nghìn người bị phong tỏa. Chẳng bao lâu, các cư dân bắt đầu phàn nàn về việc rác thải chất đống ở hành lang và người lao động phải nghỉ việc vì cách ly bị cắt giảm lương. Nhìn lại, đó là một dấu hiệu ban đầu cho thấy sự hỗn loạn sắp xảy ra, và chính quyền chắc chắn sẽ phải đối mặt với một làn sóng lớn như thế này mặc dù đã có hơn 2 năm để chuẩn bị.

Việc Hồng Kông kiên quyết đưa tất cả các trường hợp dương tính đến bệnh viện, bất kể mức độ nhẹ hay nghiêm trọng, đã khiến ít nhất một bệnh viện bị quá tải. Tính đến tối 15-2, 7 trong số 17 bệnh viện công của Hồng Kông đã đạt hoặc vượt quá 100% công suất giường bệnh nội trú, dẫn đến tình trạng bệnh nhân phải ở tại khu vực ngoài trời tạm bợ. Khắp thành phố là những hàng dài người chờ đợi hàng giờ để được làm xét nghiệm… Hôm 16-2, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã có chỉ đạo bất thường khi trực tiếp kêu gọi các quan chức Hồng Kông thực hiện “mọi biện pháp cần thiết” để duy trì chính sách “Zero-Covid”. Sự can thiệp của ông Tập đã làm dấy lên lo ngại rằng các hạn chế tương tự như ở Trung Quốc đại lục, bao gồm cả việc đóng cửa trên toàn thành phố, sẽ có thể sớm xảy ra. Trong khi đó, một loạt hạn chế được thắt chặt và phong tỏa có chủ đích đã khiến nhiều chuyên gia và người dân đặt câu hỏi về tính bền vững của cách tiếp cận như vậy khi thành phố bước vào năm thứ ba của đại dịch.

Không có sự lựa chọn khác

“Tại thời điểm này, chúng tôi vẫn cảm thấy rằng chiến lược Covid bằng 0 một cách linh hoạt là chiến lược tốt nhất cho Hồng Kông”, Trưởng đặc khu Carrie Lam cho biết vào tuần trước. Nhưng ngay cả trước khi có chỉ thị của Chủ tịch Tập Cận Bình, chính quyền Trung ương Trung Quốc đã trực tiếp chỉ đạo công tác phòng chống dịch của đặc khu, chứng tỏ họ có lẽ ngày càng mất kiên nhẫn với việc Hồng Kông không có khả năng tự kiềm chế dịch bệnh. Theo đó, Trung Quốc đại lục sẽ cử các chuyên gia và vật tư y tế đến Hồng Kông, đồng thời giúp xây dựng các cơ sở cách ly, trong đó không loại trừ khả năng sử dụng các bệnh viện tạm thời đã hoạt động trong vòng vài tuần ở Vũ Hán, tâm chấn ban đầu của đại dịch. Bà Carrie Lam ngày 15-2 đã hoan nghênh sự hỗ trợ của chính quyền Trung ương, thừa nhận rằng Hồng Kông đã phải vật lộn để đối phó với sự gia tăng các ca bệnh theo cấp số nhân. Bà nói: “Vấn đề mà chúng tôi đang phải đối mặt là với cường độ, tốc độ và mức độ nghiêm trọng của đợt bùng phát này, nó đã vượt quá khả năng của chúng tôi”.

Lẽ ra Hồng Kông có thể chọn một hướng đi khác, giống như Singapore hiện tại. Tháng 8 năm ngoái, Singapore, vốn nhiều năm cạnh tranh với Hồng Kông cho danh hiệu trung tâm kinh doanh quốc tế hàng đầu châu Á, là quốc gia châu Á đầu tiên tuyên bố sẽ chuyển từ chính sách “zero-Covid” sang sống chung với virus. Ngay sau đó là Australia, New Zealand, Thái Lan và những nước khác. Tâm trạng ở Singapore bây giờ khác nhiều so với ở Hồng Kông. Tỷ lệ tiêm chủng cao và việc mở cửa du lịch trở lại với hơn 20 nước có nghĩa là họ đã trở lại trạng thái “bình thường mới”. Mặc dù số ca nhiễm cũng tăng đột biến, nhưng mọi người có thể đi xem phim, gặp gỡ bạn bè tại quán bar, thậm chí tham dự các sự kiện thể thao và buổi hòa nhạc trực tiếp. Một số hạn chế còn lại như giới hạn đối với các cuộc tụ tập lớn cũng có thể sớm được dỡ bỏ khi làn sóng Omicron lắng xuống, như lời Bộ trưởng Y tế Singapore cho biết hôm 14-2. Nhưng Hồng Kông sẽ khó làm được như vậy, bởi “đầu hàng” virus không phải điều họ có thể lựa chọn.

Hàng loạt quốc gia chuyển sang sống chung với COVID-19

Hầu hết các nước châu Âu đều đã dỡ bỏ hoàn toàn hoặc hầu hết các biện pháp hạn chế COVID-19, sau khi đạt tỷ lệ tiêm vắc xin cao và biến chủng Omicron được đánh giá...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Yến Chi (Theo CNN) ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN