Mạng lưới liên lạc tàu ngầm TQ bí mật ở Thái Bình Dương
Công nghệ nghiên cứu dưới đáy biển có thể được Trung Quốc nâng cấp, sử dụng trong mục đích quân sự, làm cầu nối giúp tàu ngầm bí mật liên lạc với vệ tinh.
Trung Quốc đang ngày càng mở rộng phạm vi hoạt động của hạm đội tàu ngầm.
Theo tờ Bưu điện Hoa nam Buổi sáng (SCMP), Trung Quốc mới đây đã công bố kế hoạch nâng cấp mạng lưới cảm biến và thiết bị liên lạc ở sâu dưới đáy biển thuộc Thái Bình Dương. Bắc Kinh khẳng định kế hoạch này phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học.
Nhưng các nhà phân tích cho rằng, quân đội Trung Quốc có thể sử dụng công nghệ tương tự cho mục đích quân sự, liên lạc với các tàu ngầm hoạt động xa bờ.
Những chiếc phao neo cảm biến ở độ sâu 400-500 mét thuộc vùng biển Thái Bình Dương sẽ được nâng cấp trong năm nay, truyền thông nhà nước Trung Quốc dẫn lời các nhà khoa học tham gia dự án cho biết.
Các nhà nghiên cứu nói quá trình nâng cấp sẽ giúp mở rộng khả năng theo dõi biến đổi khí hậu và nước biển. Các thông tin thu thập được gửi trực tiếp tới vệ tinh.
Trung Quốc đang vận hành hàng trăm cảm biến loại này, bao gồm khoảng 20 chiếc ở vùng nước sâu thuộc vùng biển Tây Thái Bình Dương từ năm 2014.
Trước đây, các dữ liệu được thu thập một lần trong năm bằng phương pháp trích xuất trực tiếp. Tín hiệu radio khó có thể thiết lập mạng lưới liên lạc với các cảm biến trong môi trường biển, Wang Fan, phó giám đốc Viện Hải dương học ở Học viện Khoa học Trung Quốc tại Thanh Đảo nói.
Trung Quốc có mạng lưới liên lạc tàu ngầm bí mật trên biển?
Công nghệ mới sẽ giúp các cảm biến gửi tín hiệu thông qua dây cáp, hoặc sóng âm đến một cảm biến chính, nổi trên mặt biển. Thông tin này được tổng hợp và gửi tới vệ tinh liên lạc.
Hệ thống theo dõi dân sự hoạt động ở độ sâu tương đương với các tàu ngầm hạt nhân. Do đó, Trung Quốc đã có thể sử dụng thiết bị tương tự để liên lạc với tàu ngầm, một nhà khoa học giấu tên làm việc trong lĩnh vực này nói.
Thông tin thu thập được cũng hỗ trợ hoạt động hàng hải. Dữ liệu bao gồm tốc độ nước, nhiệt độ, độ mặn, giúp các tàu ngầm Trung Quốc tránh khả năng gặp phải sự cố khi hoạt động ở đại dương.
Cảm biến cũng thu thập thông tin về các tàu ngầm nước ngoài tình cờ đi qua khu vực. Vùng biển Tây Thái Bình Dương là nơi Trung Quốc tranh chấp chủ quyền nhiều nước, bao gồm cả Nhật Bản và Philippines.
Trung Quốc cũng ngày càng lo ngại về sự hiện diện quân sự của Mỹ trong khu vực. Bắc Kinh bất chấp luật pháp quốc tế, xây đảo nhân tạo phi pháp ở Biển Đông.
Theo SCMP, 6 năm trước, công ty sản xuất vũ khí Lockheed Martin cũng từng phát triển công nghệ tương tự cho các tàu ngầm Mỹ.
Tàu ngầm lớp Yuan của Trung Quốc.
Tàu ngầm hạt nhân có thể nhận thông điệp từ vệ tinh nhưng không thể trả lời ngay lập tức. Bởi tàu ngầm sẽ phải nổi lên nếu muốn phát đi tín hiệu, làm gia tăng khả năng bị đối phương phát hiện.
Công ty Mỹ đưa ra giải pháp thiết lập mạng lưới liên lạc giữa cảm biến và vệ tinh. Các cảm biến sẽ “đóng vai trò liên lạc hai chiều cho các tàu ngầm ở dưới biển”. Mạng lưới cảm biến có thể được thiết lập nhờ vào máy bay hoặc phóng đi từ chính tàu ngầm.
Giáo sư Li Xiaodong, giám đốc phòng thí nghiệm giao tiếp âm thanh tại Học viện Khoa học Trung Quốc nói, công nghệ này vẫn còn phải đối mặt với nhiều thách thức.
Ở điều kiện lý tưởng, phạm vi liên lạc nhờ vào sóng âm đạt tới 10.000 mét. Nhưng tầm liên lạc hiệu quả giảm đi đáng kể nếu như không gian xung quanh xuất hiện tiếng ồn của tàu khác hoặc tiếng cá voi.
“Công nghệ này hoạt động tốt hơn ở giữa đại dương hơn là vùng biển ngoài khơi”, ông Li nói. “Bước tiến lớn nhất là việc đưa các cảm biến với năng lượng tiêu thụ thấp phục vụ cho hoạt động liên lạc vệ tinh”.