Malaysia xả kho dự trữ vì thiếu thuốc nghiêm trọng

Sự kiện: Tin tức Malaysia

Malaysia đang trải qua tình trạng thiếu thuốc chữa nhiều bệnh phổ biến trên diện rộng, buộc chính quyền hỗ trợ nguồn thuốc cho các cơ sở y tế tư nhân.

Kênh Channel News Asia mới đây đưa tin Bộ Y tế Malaysia sẽ hỗ trợ cho khu vực y tế tư nhân mượn các loại thuốc từ kho dự trữ liên bang để giải quyết tình trạng thiếu thuốc trên diện rộng ở nước này. Bộ trưởng Khairy Jamaluddin cho biết động thái này là cần thiết vì nguồn cung cấp y tế tiếp tục thiếu hụt, đặc biệt là thuốc cho trẻ em và các thuốc trị cảm lạnh thông thường.

Malaysia đang thiếu nhiều loại thuốc cơ bản

“Thực trạng đáng quan ngại là các phòng khám tư nhân nhỏ lẻ không có thuốc ho và thuốc cảm cũng như thuốc cho trẻ em vẫn còn thiếu. Chúng tôi sẽ mở kho dự trữ thuốc liên bang cho các bệnh viện tư nhân và phòng khám y tế để khắc phục tình trạng thiếu thuốc này” - ông Khairy nói.

Theo báo cáo từ Bộ Y tế Malaysia, số ca nhiễm COVID-19 tại nước này đang tiếp tục có xu hướng gia tăng trở lại kể từ cuối tháng 4. Trong ba ngày từ 14 đến 16-7, số ca nhiễm mới đều ở mức trên 4.000 ca/ngày. Tỉ lệ tử vong trên số người nhiễm bệnh cũng tăng nhẹ lên mức 5,6 người/ngày so với mức 3,9 người/ngày một tháng trước đó.

Ông cho biết Bộ Y tế Malaysia cũng đã gặp gỡ đại diện của Hiệp hội Y khoa Malaysia, các hiệp hội dược phẩm cũng như những người hành nghề y tế tư nhân để tìm cách giải quyết tình trạng thiếu hụt và thừa nhận rằng vấn đề vẫn còn tồn tại ngay cả khi đã thực hiện một giải pháp nhất định.

Kể từ tháng 6, nguồn cung cấp y tế, bao gồm thuốc không kê đơn, đã trở nên khan hiếm ở Malaysia trong khi nhu cầu tăng cao. Một cuộc khảo sát được thực hiện tại bảy bệnh viện và 10 phòng khám tư nhân cho thấy ít nhất một loại thuốc dùng để điều trị các bệnh thông thường như ho và sốt đang liên tục khan hiếm.

Vấn đề này ngày càng được quan tâm ở Malaysia do sự bùng phát bệnh tay-chân-miệng ảnh hưởng đến trẻ em, cũng như bệnh cúm và số lượng gia tăng các trường hợp nhiễm COVID-19 được báo cáo sau kỳ nghỉ lễ Hari Raya Haji truyền thống gần đây.

Một hiệu thuốc tư nhân ở thủ đô Kuala Lumpur, malaysia ngày 15-7. Ảnh: MALAY MAIL

Một hiệu thuốc tư nhân ở thủ đô Kuala Lumpur, malaysia ngày 15-7. Ảnh: MALAY MAIL

Bộ trưởng Khairy cho biết lý do khan hàng là do nhu cầu năm nay cao hơn so với các năm trước. Bên cạnh đó, trẻ em Malaysia phần lớn đều phải ở yên trong nhà trong hai năm do đại dịch nên không tự tạo được miễn dịch tự nhiên đối các virus cảm cúm thông thường. Sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu do tác động của đại dịch và tình hình chiến sự ở Nga - Ukraine cũng góp phần khiến tình hình khan hiếm thuốc ở Malaysia thêm nghiêm trọng.

Dù vậy, lãnh đạo này khẳng định các hãng dược đang đẩy mạnh sản xuất và tình hình có thể được cải thiện trong hai tháng tới.

Giới chuyên gia lo ngại

Trả lời trang tin y khoa CodeBlue, Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Malaysia Koh Kar Chai cho biết trong bối cảnh bất ổn kinh tế toàn cầu như hiện nay, người dân Malaysia nên chuẩn bị cho kịch bản việc khan hiếm thuốc diễn ra thường xuyên trong tương lai gần. Ông cho biết thêm là tình trạng gián đoạn nguồn cung xảy ra không đồng loạt trên toàn quốc mà xuất hiện lẻ tẻ và đôi khi theo địa điểm cụ thể. Tất cả điều này dẫn đến một cơn ác mộng về hậu cần đối với nhà cung cấp cũng như người mua, vì người ta không bao giờ biết khi nào một loại thuốc có thể đột nhiên hết hàng trên thị trường.

“Các bác sĩ đã và đang sử dụng loại thuốc thay thế cho loại thuốc mà họ sử dụng thường xuyên. Đây là những lựa chọn khả thi để điều trị nhưng gây căng thẳng cho bác sĩ vì họ phải liên tục tìm nguồn thuốc thay thế. Tình trạng này không chỉ xảy ra riêng tại Malaysia mà còn xuất hiện ở nhiều quốc gia khác nữa” - ông Koh nói.

Tình hình càng trở nên cấp bách hơn khi theo số liệu thống kê ở Malaysia, các phòng khám tư nhân thường khám trung bình từ 30 đến 50 bệnh nhân mỗi ngày, với một số chỗ lên đến 80 bệnh nhân tùy thuộc vào chuyên môn và uy tín của bác sĩ.

“Đa số bệnh nhân đều cần các loại thuốc trị bệnh cơ bản mà chúng tôi đang có rất ít. Hãy tưởng tượng một bệnh nhân bị ho không ngừng, cảm lạnh, sốt nặng và nghẹt mũi nhưng đến phòng khám lại không có thuốc, bệnh nhân lúc đó sẽ cảm thấy thế nào” - ông Koh chia sẻ.

Trong khi đó, Chủ tịch Hiệp hội Dược sĩ Malaysia (MPS) Abd Aziz Jamaludin nói thêm là số bệnh nhân đang tăng lên mỗi ngày nhưng nguồn cung cấp thuốc cơ bản đang ít dần và nhiều loại thuốc đã hết. “Nếu vấn đề này tiếp diễn trong hai tháng nữa, chúng tôi có thể bán được gì? Doanh số bán hàng chắc chắn sẽ giảm và một số hiệu thuốc có thể phải đóng cửa vì không có thuốc để bán” - ông Abd Aziz nói.

Chính quyền Malaysia dự kiến tăng trợ cấp xã hội

Theo thông báo của Bộ Tài chính Malaysia ngày 16-7, bất ổn kinh tế toàn cầu, căng thẳng địa chính trị quốc tế, giá hàng hóa và thực phẩm toàn cầu tăng mạnh đã gây ra áp lực lạm phát. Do đó, nước này đang thực hiện nhiều biện pháp để trợ cấp cho các mặt hàng thiết yếu và kiểm soát giá cả để giảm tác động của lạm phát. Cụ thể, mức chi cho trợ cấp và hỗ trợ dự kiến sẽ vào khoảng 17,4 tỉ USD, theo tờ The Star.

Tổng thư ký Ngân khố quốc gia Malaysia Datuk Seri Asri Hamidon cho biết các bộ, ban ngành, cơ quan pháp luật liên bang và doanh nghiệp nằm trong giới hạn bảo lãnh của nước này phải cơ cấu lại tất cả chương trình, hoạt động và quản lý ngân sách theo ưu tiên đảm bảo thực hiện các chương trình, hoạt động tập trung vào phúc lợi của người dân.

Trong quá trình cơ cấu lại, tất cả tổ chức của các bộ, ban ngành chỉ được tăng cung cấp dịch vụ với điều kiện không liên quan đến một số công việc hoặc có tác động tài chính bổ sung. Quan chức này cũng nhấn mạnh công tác tái cấu trúc các tổ chức cần tập trung vào việc giảm bớt sự trùng lặp chức năng hoạt động và không thành lập các tổ chức mới.

Nguồn: [Link nguồn]

Malaysia: Vào ”nhà ma” cùng bạn, khi ra tím tái, mất mạng

Kết quả khám nghiệm tử thi cho thấy thiếu niên bị thủng tim.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vĩ Cường ([Tên nguồn])
Tin tức Malaysia Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN