Malaysia đối mặt khủng hoảng Covid-19 nặng nề nhất Đông Nam Á

Đoạn video quay cảnh 5 nhân viên y tế mặc đồ bảo hộ màu trắng cố gắng hồi sức cho một bệnh nhân Covid-19 đang được điều trị tại trung tâm cách ly bên ngoài thủ đô Kuala Lumpur, Malaysia, nhưng thất bại, đã gây sự chú ý đặc biệt.

Một người đàn ông được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 ở Kuala Lumpur, Malaysia.

Một người đàn ông được lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 ở Kuala Lumpur, Malaysia.

Những hình ảnh này gây xúc động mạnh trong dư luận Malaysia, phần nào phản ánh số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 ở quốc gia Đông Nam Á này không ngừng tăng vọt. 

“Chúng ta đang chìm dần. Không biết phải thoát ra như thế nào”, một cư dân mạng Malaysia viết trên mạng xã hội Twitter.

Mặc dù Malaysia đã ban bố tình trạng khẩn cấp vào tháng 1, nước này vẫn chưa thể kiểm soát được dịch bệnh.

Trong video, bệnh nhân Abdul Malik Daim, 43 tuổi, qua đời trên giường bệnh tại trung tâm cách ly, sau 3 ngày điều trị kể từ khi có kết quả dương tính với Covid-19.

Abdul Malik ban đầu được coi là người có nguy cơ nhiễm thấp vì không bộc lộ triệu chứng rõ ràng ngoài ho thường xuyên. Nhưng tình trạng của bệnh nhân xấu đi nhanh chóng khiến các bác sĩ không kịp cứu chữa.

Malaysia đang là quốc gia chìm trong khủng hoảng Covid-19 tồi tệ nhất ở Đông Nam Á. Số ca nhiễm ở Malaysia thấp hơn Indonesia và Philippines nhưng tỉ lệ 16.000 ca nhiễm trên một triệu người của nước này cao nhất khu vực, theo số liệu của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS).

Malaysia ngày 25.5 ghi nhận 7.289 ca nhiễm Covid-19 mới trong 24 giờ qua, mức cao kỷ lục vượt số ca nhiễm ghi nhận hai ngày trước. Đây cũng là lần đầu tiên số ca nhiễm Covid-19 mới ở Malaysia vượt mức 7.000.

Số ca tử vong ở Malaysia trong ngày 25.5 là 60, nâng tổng số người tử vong vì Covid-19 lên 2.369. Đây là ngày thứ hai Malaysia có số ca tử vong trong 24 giờ ở mức rất cao, kém 1 ca so với mức kỷ lục 61 ca trong ngày 24.5.

Trong tuần qua, Malaysia mỗi ngày đều ghi nhận hơn 6.000 ca nhiễm Covid-19 mới, trong bối cảnh quốc gia này đang chật vật khống chế làn sóng lây nhiễm thứ 3.

Giới chức Malaysia bị chỉ trích vì không áp dụng các biện pháp phòng dịch cứng rắn hơn, cũng như không có biện pháp trừng phạt mạnh hơn đối với những người vi phạm lệnh phong tỏa.

Đợt lây nhiễm thứ 3 ở Malaysia khiến hệ thống y tế nước này đứng trước nguy cơ tê liệt. Số giường bệnh điều trị bệnh nhân Covid-19 luôn ở mức rất cao.

Các chuyên gia y tế cho rằng, cái chết của Abdul Malik là dấu hiệu cho thấy hệ thống y tế Malaysia đang bị quá tải và cần có biện pháp mạnh hơn để tránh tê liệt toàn diện.

Cuối tuần trước, giới chức Malaysia đã siết chặt biện pháp phòng dịch nhưng chưa tính đến chuyện phong tỏa vì các ngành công nghiệp vẫn cần hoạt động.

“Nhiều người lo ngại rằng phong tỏa sẽ làm tổn hại kinh tế”, Adeeba Kamarulzaman, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học Malaya ở Malaysia, nói. “Nhưng tình hình có thể tồi tệ hơn trong một khoảng thời gian dài, nếu chúng ta chỉ áp dụng một nửa các biện pháp phòng dịch”.

Nguồn: [Link nguồn]

Khu vực “chết chóc” nhất vì Covid-19, đáng lo ngại hơn Ấn Độ

Khoảng 31% số ca tử vong vì Covid-19 trên thế giới trong tháng 5 tập trung ở một khu vực chỉ chiếm 8,4% dân số toàn cầu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - SCMP ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN