Malaysia: "Băng nhóm" khỉ kéo vào thành phố trộm thức ăn, rượt đuổi người

Hệ quả của phát triển đô thị khiến nhiều cánh rừng tự nhiên biến mất. Loài khỉ bị mất đi môi trường sống, buộc chúng phải tìm vào các khu vực dân cư để kiếm ăn và gây ra không ít phiền toái cho con người.

Malaysia: "Băng nhóm" khỉ kéo vào thành phố trộm thức ăn, rượt đuổi người - 1

 Loài khỉ ở thủ đô Kuala Lampur của Malaysia không ngần ngại tranh giành, cướp giật thức ăn trên tay con người, thậm chí còn đuổi đánh, tấn công con người.

Một chiếc xe du lịch dừng lại tại khu vực quận Ampang (Kuala Lampur, Malaysia), ngay lập tức một đàn khỉ xuất hiện và nhìn chằm chằm vào các túi đồ các vị khách mang theo. Người dân ở đây đã quá quen thuộc với cảnh những bầy khỉ dạn người, sẵn sàng lao ra giành giật các món đồ trên tay con người. Thậm chí, những người chạy bộ vào buổi sáng còn phải sắm theo gậy đề phòng khỉ tấn công.

“Hai mươi năm trước, khu vực này là rừng rậm. Chúng tôi đã lấy đi chỗ ở của loài khỉ.” – Viswa Hattan, một kế toán đang chạy bộ trong khu vực nói với phóng viên tờ The Guardian.

Thủ đô của Malaysia ngày càng được mở rộng trong 3 thập kỷ qua khiến cuộc sống của nhiều loại động vật hoang dã bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều loài bị tước đi môi trường sống nhưng loài khỉ vẫn sống chung với loài người nhờ nguồn thức ăn người dân bỏ đi mỗi ngày.

Vào thập niên 80 của thế kỷ trước, dân số thủ đô chỉ ở mức chưa đến 1 triệu người, hiện tại con số đã là 7,6 triệu người. Điều đó đồng nghĩa với việc diện tích thủ đô càng được mở rộng về phía ngoại ô, đi kèm là hệ quả các khu rừng ngày càng bị thu hẹp, biến mất.

Malaysia: "Băng nhóm" khỉ kéo vào thành phố trộm thức ăn, rượt đuổi người - 2

 Mất môi trường sống tự nhiên, các “băng nhóm” khỉ sống chủ yếu nhờ thức ăn bỏ đi của người dân và thức ăn do du khách cho.

Rừng xanh bị lấn chiếm cũng là lúc mối quan hệ giữa con người và loài khỉ trở nên phức tạp hơn bao giờ hết. Trong những khu vực như quận Ampang cách trung tâm thành phố 15 phút lái xe, đàn khỉ đột nhập vào nhà ở và những người dân địa phương phải sử dụng pháo để đe dọa chúng.

Tại khu vực ký túc xá đại học Kebangsaan, những lời phàn nàn về các cuộc đột kích của khỉ còn nghiêm trọng hơn. “Chúng rượt đuổi các giảng viên đến tận phòng vệ sinh” – một giáo sư cho hay. Năm 2015, học sinh ngôi trường này còn phải trộn mắm tôm, ớt bột và đậu phộng cho khỉ ăn để xua đuổi chúng. Giờ đây, các nhân viên của nhà trường phải thiết lập các “thùng chống khỉ” với nắp gập nặng.

Được thành lập từ năm 1970, có đến 70% diện tích ký túc xá của trường đại học này được xây dựng trên khu vực vốn là rừng. Chính vì vậy, bầy khỉ thường xuyên di chuyển vào khuôn viên chỗ ở của các sinh viên và làm loạn.

Malaysia: "Băng nhóm" khỉ kéo vào thành phố trộm thức ăn, rượt đuổi người - 3

 ​​​​​​​Hình ảnh 2 con khỉ ngồi chiễm chễ trên thùng rác trong thành phố. Người dân ở Malaysia đã quen với sự xuất hiện của nhiều bầy khỉ trong cuộc sống nhưng cũng phải hứng chịu không ít rắc rối từ chúng.

Theo một thống kê năm 2014, chưa đến 10% số sinh viên trong trường yêu quý sự xuất hiện của loài sinh vật này. Tuy nhiên, ở các khu vực ngoại ô khác trong thành phố, loài khỉ được coi là bạn bè của con người, không phải động vật gây hại.

Tại hang động Batu, địa điểm tôn giáo nổi tiếng của đạo Hindu ở phía bắc Kuala Lumpur, khỉ thu hút sự chú ý của khách du lịch hơn là bức tượng thần khổng lồ. Hình ảnh đàn khỉ tự do đi lại trên những bậc cầu thang sặc sỡ và móc túi du khách trở thành chủ đề hấp dẫn cho các vlogger.

Một nhân viên thuộc ban quản lý hang động cho hay đàn khỉ sống chủ yếu nhờ vào thức ăn của du khách. “Chúng có xu hướng từ bỏ môi trường sống trong rừng để đến các chùa chiền và sống qua ngày nhờ ăn kẹo cao su và hoa quả.” Nhân viên này chứng minh cho lời nói bằng cách thả một quả chuối xuống dưới đất và ngay lập tức, một bầy khỉ xông vào xâu xé.

“Giờ đây, chúng ta không thể nhìn thấy loài hổ hay voi trong khu vực này nữa. Môi trường sống của chúng đã bị chiếm đoạt song loài khỉ lựa chọn sống cùng con người.” – người này nói thêm.

Malaysia: "Băng nhóm" khỉ kéo vào thành phố trộm thức ăn, rượt đuổi người - 4

 ​​​​​​​Hình ảnh khỉ đu dây trên một ngôi chùa. Với nhiều du khách, hình ảnh khỉ xuất hiện với số lượng lớn ở nhiều địa điểm tham quan lại trở thành điểm nhấn thú vị.

Tuy nhiên, không phải ai cũng dễ chịu với sự xuất hiện của các “băng nhóm” khỉ. Nhiều người dân địa phương liên tục kêu ca vì bầy khỉ trộm mất đồ đạc của họ. Tám năm trước, cơ quan quản lý động vật hoang dã ở Malaysia đã phải di chuyển nhiều con khỉ từ khu vực hang động Batu về các cánh rừng.

Cơ quan này từng áp dụng nhiều biện pháp mạnh tay để giải quyết vấn đề này. Năm 2010, 57.000 con khỉ đã bị “giết có chọn lọc” và con số này lên đến 97.000 con vào năm 2012. Tuy nhiên, hành động này vấp phải sự phản đối dữ dội từ các nhóm bảo vệ động vật khi cho rằng nhiều con khỉ bị giết hại khi đang trèo cây, bị nhốt trong lồng trước khi giết chết.

Trong bối cảnh mỗi năm chính quyền nước này nhận gần 4.000 lời than phiền về các rắc rối do loài khỉ gây ra với cuộc sống của người dân, các biện pháp “cứng rắn” vẫn được tiếp tục thực hiện. Trong giai đoạn 2013-2016, số lượng khỉ bị giết giảm xuống còn 70.000 con.

Malaysia: "Băng nhóm" khỉ kéo vào thành phố trộm thức ăn, rượt đuổi người - 5

 ​​​​​​​Cơ quan chức năng ở Malaysia đang cố gắng tạo môi trường sống mới cho loài khỉ sau khi nhận quá nhiều lời phàn nàn về việc khỉ gây rối cuộc sống người dân.

Hiện tại, việc tìm kiếm và di dời số lượng lớn loài khỉ về một môi trường sống thích hợp hơn đang là giải pháp hàng đầu. Biện pháp triệt sản có chọn lọc cũng từng được cân nhắc nhưng bị loại bỏ vì lý do tốn kém.

Thực tế, cho dù số lượng khỉ có giảm hay không, trong bối cảnh dân số ở thủ đô Kuala Lampur ngày càng bùng nổ, con người và loài khỉ buộc phải chia sẻ không gian sống với nhau. Nhiều người ở Malaysia vẫn đang hy vọng cho một tương lai các “băng nhóm” khỉ sẽ không rượt đuổi con người đến tận phòng vệ sinh, quấy rối người dân chạy bộ và ăn cắp các bưu phẩm của người đưa thư.

Malaysia: "Băng nhóm" khỉ kéo vào thành phố trộm thức ăn, rượt đuổi người - 6

 ​​​​​​​Tuy nhiên, với tốc độ mở rộng của thủ đô Malaysia, trong tương lai, người dân nước này vẫn buộc phải chia sẻ không gian sống với các “băng nhóm” khỉ.

Đàn khỉ cứu mạng báo rơi xuống giếng ở Ấn Độ

Hành động của đàn khỉ khi thấy báo dưới giếng sâu đã giúp con báo khỏi bị chết đuối.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo My Lê - The Guardian ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN