Lý Quang Diệu dùng "phép" gì phủ cây xanh kín Singapore?
Mặc cho những hạn chế về khí hậu và thổ nhưỡng, cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu vẫn quyết tâm cải thiện các điều kiện tự nhiên để xây dựng nên thành phố vườn Singpore.
Ảnh chụp trên cao công viên tự nhiên "Garden by the Bay" nổi tiếng của Singapore
Trong một phần của cuốn sách “Hồi ký Lý Quang Diệu: Từ Thế giới thứ Ba lên Thế giới thứ Nhất” do Công ty Sách Omega (Omega+) liên kết xuất bản với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia vào tháng 4/2017, cựu Thủ tướng Singapore đã chia sẻ về quá trình biến đất nước của ông thành một đảo quốc xanh. Từ việc trồng cây, chống ô nhiễm và xây dựng văn minh đô thị, những câu chuyện của ông cung cấp nhiều bài học cho chúng ta tham khảo. |
Vẻ đẹp xanh của đất nước Singapore được tạo nên không chỉ bởi vệ sinh sạch sẽ, mà còn nhờ khối lượng lớn cây xanh phủ khắp hòn đảo.
Trong những năm tháng cầm quyền, cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu luôn coi trọng việc trồng cây và biến nó thành việc làm của cả chính quyền và người dân. Nhờ đó, Singapore ngày nay đã trở thành một thành phố vườn nhiệt đới đúng như mong muốn ban đầu của ông Lý.
Cựu Thủ tướng Singapore đã nói rõ về quá trình “trồng cây tạo vườn” của ông trong chương “Singapore xanh” của cuốn sách “Hồi ký Lý Quang Diệu - Từ thế giới thứ ba vươn lên thứ nhất”. Dưới đây là một số đoạn lược trích trong cuốn sách của ông.
Trồng và chăm cây
“Để đạt được những tiêu chuẩn của Thế giới Thứ nhất trong một khu vực thuộc Thế giới Thứ ba, chúng tôi bắt đầu biến đổi Singapore thành một thành phố vườn nhiệt đới. Tôi đã trồng rất nhiều cây tại buổi khai trương các khu cộng đồng, trong suốt những chuyến viếng thăm của tôi đến những tổ chức khác nhau và các bùng binh.
Một số cây lớn rất mau, nhưng số khác thì không. Khi thăm lại một khu cộng đồng, tôi thấy có nhiều cây non mới trồng, nhưng dường như nó chỉ được trồng để dành cho chuyên viếng thăm của tôi. Tôi kết luận rằng, chúng tôi cần một văn phòng có đầy đủ chuyên môn để chăm sóc các cây sau khi đã trồng chúng. Tôi thiết lập một văn phòng như thế trong Bộ Phát triển Quốc gia.
Lý Quang Diệu muốn biến đổi Singapore thành một thành phố vườn nhiệt đới
Sau một vài xúc tiến, tôi gặp tất cả các quan chức cấp cao trong chính phủ và các ban lập pháp để kêu gọi họ tham gia vào phong trào “sạch và xanh”. Tôi cũng kể lại rằng tôi đã viếng thăm gần 50 nước và đã ở lại gần như bằng đó số nhà khách chính phủ của họ như thế nào. Điều gây ấn tượng đối với tôi không phải là quy mô của tòa nhà mà là các tiêu chuẩn của nó.
Tôi biết rằng một đất nước mà các nhà cầm quyền của đất nước đó sẽ trở nên thiếu tự tin khi các nhà khách của họ bị bỏ bê - các bồn rửa mặt bị rạn vỡ, các vòi nước rò rỉ, nhà vệ sinh không đủ các chức năng, một tình trạng đổ nát chung và chắc hẳn sẽ có những khu vườn bị bỏ hoang. Các chính khách sẽ đánh giá Singapore theo cách đó.
Chúng tôi đã trồng hàng triệu cây cối: cọ, và các cây bụi. Màu xanh đã làm tăng thêm tinh thần của mọi người và họ tự hào với các khu vực lân cận. Chúng tôi cũng dạy họ cách chăm sóc mà không phá hoại cây cối. Chúng tôi cũng không phân biệt các khu vực của giai cấp trung lưu và giai cấp công nhân.
Anh Quốc cũng có một vùng đất dành cho người da trắng gọn gàng hơn, sạch sẽ hơn và xanh hơn khu vực của người bản xứ ở Tanglin và bao quanh Government House (tòa nhà Quốc hội). Điều này cũng trở thành thảm khốc chính trị cho chính phủ được bầu. Chúng tôi hạn chế ruồi muỗi, và tẩy uế các cống rãnh cũng như kênh mương. Trong vòng một năm, những nơi công cộng đã có sự thay đổi đáng kể.
"Chúng tôi đã trồng hàng triệu cây cối: cọ, và các cây bụi. Màu xanh đã làm tăng thêm tinh thần của mọi người"
Tính kiên trì và sức chịu đựng là những đức tính cần thiết để đánh đổ các thói xấu cũ: Người ta bước lên cây, giẫm lên cỏ, hái hoa, ăn cắp cây non, hoặc dựng xe đạp hay xe gắn máy dựa lên những chiếc lớn hơn khiến chúng bị đổ. Và không chỉ những người nghèo khổ phạm tội.
Một bác sĩ bị bắt quả tang khi đang chuyển một giống cây thông Norfolk Island có giá trị mà ông ta yêu thích về vườn nhà của ông ta. Để vượt qua thái độ dửng dưng ở nơi công cộng, chúng tôi giáo dục trẻ em trong trường bằng cách dạy chúng trồng cây, chăm sóc cây, và trồng vườn. Chúng cũng phải mang thông báo về nhà cho cha mẹ chúng.”
Làm xanh thành phố không đơn giản
“Thiên nhiên đã không ưu đãi chúng tôi với những vạt cỏ xanh mướt như ở New Zealand và Ireland. Năm 1978, theo yêu cầu của tôi, một chuyên gia về cây trồng người Úc và một chuyên gia nghiên cứu đất miền New Zealand đã đến để nghiên cứu tình trạng đất đai ở đây. Các báo cáo của họ khiến tôi quan tâm và tôi yêu cầu được học hỏi.
Họ giải thích rằng, Singapore nằm trong khu vực vành đai rừng mưa nhiệt đới gần xích đạo, nắng gắt và mưa lớn suốt năm. Khi cây cối bị tàn phá, mưa lớn sẽ xói mòn lớp đất trên và lọc đi hết các chất dinh dưỡng. Để có những vạt cỏ xanh và tươi tốt, chúng tôi phải bón phân thường xuyên, tốt nhất là phân trộn (com pốt) vì loại phân này không dễ dàng bị xói mòn, và rắc vôi bởi vì đất của chúng tôi có quá nhiều axít.
Một góc trong công viên "Garden by the bay"
Người phụ trách Istana thử nghiệm điều này trên các bãi cỏ. Tự nhiên chúng trở nên xanh hơn. Chúng tôi áp dụng điều này vào tất cả các trường học và các khu thể thao khác cũng như các sân vận động. Các mảnh đất nhỏ quanh cột gôn trước đây lơ thơ vài cọng cỏ vàng trông thật chán mắt nay nhanh chóng trở thành một thảm cỏ xanh mượt. Dần dần, cả thành phố xanh dần lên. Bộ trưởng Pháp, một khách mời tại tiệc chiêu đãi nhân dịp lễ Quốc khánh của chúng tôi trong thập niên 70, đã ngây ngất khi chúc mừng tôi. Tôi không nói, nhưng tôi hiểu ý nghĩa từ “tươi tốt”. Ông ta đã bị quyến rũ bởi màu xanh của thành phố.
…
Không có một dự án nào mang lại những phần thưởng phong phú hơn cho khu vực này. Các nước láng giềng của chúng tôi cố gắng thi đua lẫn nhau để làm xanh hơn thành phố của họ. Việc làm xanh là một cuộc thi đua tích cực giúp ích cho mọi người - nó tốt cho tinh thần, cho ngành du lịch, và cả những nhà đầu tư. Điều tốt nhất là chúng tôi đã thi đua để trở thành nước xanh và sạch nhất châu Á. Tôi có thể nghĩ về nhiều khu vực nơi mà cuộc thi đua sẽ trở nên có hại, thậm chí chết.
Vào chủ nhật đầu tiên của tháng 11 năm 1971, chúng tôi khai mạc liên kết trồng cây hàng năm có mặt tất cả các nghị sĩ, các khu cộng đồng, và các nhà lãnh đạo của họ. Từ đó trở đi chúng tôi không hề bỏ lỡ một dịp tốt trồng cây nào. Trồng cây non vào tháng 11 cần rất ít nước tưới bởi vì mùa mưa sẽ bắt đầu ngay sau đó.
Mặc cho những hạn chế về khí hậu và thổ nhưỡng, cựu Thủ tướng Singapore Lý Quang Diệu vẫn quyết tâm cải thiện các điều kiện tự nhiên để xây dựng nên thành phố vườn Singpore
Bởi vì các loại cây, cây bụi, và dây leo phù hợp với thổ nhưỡng của chúng tôi rất hạn chế, nên tôi đã gửi nhiều đội nghiên cứu đến thăm vườn bách thảo, các công viên, và vườn cây gỗ trong các khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới để chọn nhiều loại mới từ các nước có cùng khí hậu trong khu vực châu Á, châu Phi, Caribê và Trung Mỹ. Họ đã mang về rất nhiều loại hoa và cây để trồng thử nghiệm trên đất và khí hậu của chúng tôi.
Nhưng thật không may những cây hoa thật đẹp từ Caribê không nở hoa ở Singapore bởi vì chúng tôi không có những mùa đông lạnh. Những cây đến từ Ấn Độ và Myanmar (trước đây là Burma) hiếm khi ra hoa ở Singapore bởi vì chúng cần một khoảng mùa khô dài giữa các mùa mưa hàng năm trong môi trường sống tự nhiên của chúng. Các nhà thực vật học của chúng tôi mang về 8.000 loại cây khác nhau nhưng chỉ có 2.000 loại sống được ở Singapore. Họ nhân giống thành công một loại cây và bổ sung nó vào nhà kính.
Nhân vật chủ chốt nhất trong chính sách làm xanh thành phố của tôi là một nhân viên có năng lực, Wong Yew Kwan. Là một người Malaysia, anh ta học lâm nghiệp và dự định làm cho các đồn điền cao su và dầu cọ ở Malaysia. Anh ta đã mang nhận thức và cả những kiến thức của mình áp dụng vào công việc trồng các loại cây, cây bụi, và nhiều loại cây cỏ khác trồng bên đường và các công viên nhân tạo tại Singapore.
Singapore xanh đẹp lung linh về đêm
Tôi đưa cho anh ta những cuốn sổ ghi nhớ, những danh sách yêu cầu vô tận và anh ta cần mẫn đáp lại, thực thi thành công nhiều điều trong số đó. Người kế vị của anh ta, Chua Sian Eng, là một nhà nông học, người đã tự biến mình thành một nhà nghiên cứu cây trồng và tiếp tục công việc một cách thành công.
Mỗi khi tôi trở về Singapore sau một vài tuần vắng mặt, và thấy các cây, cây cọ, những thảm cỏ xanh, và những bụi hoa khi tôi đi dọc theo đại lộ Bờ Tây từ sân bay vào thành phố, tinh thần tôi phấn chấn hẳn lên. Việc làm xanh là dự án mang lại kết quả nhiều nhất mà tôi đã từng phát động.”
* Tiêu đề bài viết và các tít phụ do chúng tôi đặt
_______________
Mời độc giả đón đọc phần ba: “Lý Quang Diệu "cứu sống" nguồn nước Singapore thế nào?” xuất bản sáng 18.4.2017
Di dời người bán hàng rong, cấm ăn kẹo cao su và cấm hút thuốc nơi công cộng là những chính sách đã giúp hình thành nên...