Ly kỳ chiến dịch ám sát Tổng thống Afghanistan chấn động thế giới

Trong giai đoạn Chiến tranh Lạnh, lực lượng đặc nhiệm Liên Xô từng thực hiện nhiệm vụ ám sát táo bạo, nhằm tiêu diệt tân Tổng thống Afghnistan, một người bị cho là có chính sách cai trị hà khắc và tàn bạo.

Đội Alpha là đơn vị đặc nhiệm nổi tiếng từ thời Liên Xô. Ảnh minh họa.

Đội Alpha là đơn vị đặc nhiệm nổi tiếng từ thời Liên Xô. Ảnh minh họa.

Những câu chuyện về đặc nhiệm Nga với năng lực phi thường đáng kinh ngạc có khi là sự thật, có khi đáng nghi ngờ, luôn là chủ đề thu hút sự chú ý đặc biệt. Loạt bài dài kỳ này sẽ điểm lại chiến công và cả thất bại của các đơn vị đặc nhiệm Liên Xô cũ và Nga ngày nay.

Tổng thống Afghanistan Hafizullah Amin nằm bất tỉnh trên giường. Một điệp viên KGB cải trang thành đầu bếp đã xâm nhập vào trong dinh tổng thống ở thủ đô Kabul để bỏ thuốc độc. Đó là thời điểm ngày 27.12.1979.

Hai bác sĩ Liên Xô không biết về kế hoạch của KGB, cố gắng tìm cách cứu Amin. Trong khi đó, các bộ trưởng khác trong chính phủ Afghanistan được đưa đến bệnh viện quân đội.

“Bác sĩ đưa ống từ mũi và miệng vào sâu bên trong để rửa dạ dày cho Amin”, Mohammad Faqir, người khi đó là Bộ trưởng Nội vụ, kể lại trên tờ Đài châu Âu Tự do (RFE/RL). “Sau khi rửa dạ dày xong, Amin được đưa vào phòng tắm, dội nước lạnh trong 30 phút”.

4 giờ sau, Tổng thống Afghanistan tỉnh lại, nghe thấy những tiếng súng nổ chát chúa. Đó là khi các đặc nhiệm Liên Xô được lệnh tấn công dinh thự.

Các lực lượng khác cũng tỏa đi chiếm các tòa nhà chính phủ, cơ sở quân sự ở thủ đô Kabul.

Moscow coi Amin, người từng theo học ở Mỹ, là một đồng minh không đáng tin cậy. Quan chức Điện Kremlin còn cho rằng Amin đang muốn ngả về phía Mỹ, theo các tài liệu giải mật của Nga sau này.

Amin gây mất lòng lãnh đạo Liên Xô khi là người đứng sau âm mưu ám sát Tổng thống Afghanistan Nur Muhammad Taraki vào ngày 14.9.1979.

Bên cạnh đó, Liên Xô cũng không hài lòng khi Amin dùng vũ lực lật đổ người tiền nhiệm Nur Muhammad Taraki. Chính sách cai trị tàn bạo của Amin càng làm gia tăng làn sóng phản đối Liên Xô ở Afghanistan.

Chiến dịch đầy táo bạo

Tổng thống Afhganistan Hafizullah Amin trước khi bị ám sát.

Tổng thống Afhganistan Hafizullah Amin trước khi bị ám sát.

Trước nguy cơ đánh mất ảnh hưởng ở Afghanistan, giới lãnh đạo Liên Xô quyết định mở chiến dịch ám sát khét tiếng mang mật danh “Bão tố 333”.

Mục tiêu của chiến dịch là loại bỏ Tổng thống Afghanistan Amin, vô hiệu hóa các lực lượng quân sự Afghanistan ở Kabul.

Để chuẩn bị cho chiến dịch này, một nhóm điệp viên KGB của Liên Xô đã được điều động đến Kabul để nghiên cứu tình hình. Họ lấy vỏ bọc là các nhân viên ngoại giao Liên Xô.

Các điệp viên KGB phân tích kỹ dinh tổng thống Afghanistan. Đó là một pháo đài kiến trúc theo phong cách phương Đông. Nó được bao bọc bởi những bức tường dày, chống chịu được hỏa lực của vũ khí hạng nặng.

Pháo đài được xây dựng nằm trên cao điểm, dễ dàng khống chế tất cả các hướng. Cổng vào pháo đài là một con đường núi ngoằn ngoèo ở trong tầm quan sát liên tục của đối phương.

Pháo đài có lực lượng cận vệ quốc gia Afghanistan canh gác, xung quanh còn có quân đội làm nhiệm vụ bảo vệ vòng ngoài.

Lực lượng đặc nhiệm Liên Xô tham gia chiến dịch bao gồm 25 người thuộc đội Alpha, 30 người đến từ đội Vympel và Grom của KGB. 87 người thuộc đơn vị lính dù và 520 người là đặc nhiệm Spetsnaz thuộc biên chế Bộ Quốc phòng.

Khi nhận thấy phương án đầu độc Amin thất bại, dinh thổng thống Afghanistan không có dấu hiệu khác thường, ban lãnh đạo Liên Xô yêu cầu lực lượng đặc nhiệm đánh thẳng vào dinh thự để thu thập thông và đảm bảo rằng Amin đã chết.

Theo kế hoạch đặc nhiệm Spetsnaz và đơn vị lính dù sẽ phong tỏa vòng ngoài dinh tổng thống, chỉ đặc nhiệm KGB mới tiến vào bên trong.

“Nhiệm vụ của chúng tôi là vô hiệu hóa bất cứ lực lượng nào đến hỗ trợ Amin”, Vytas Luksys, cựu lính dù Liên Xô, kể lại với RFE/RL. “Trời khi đó rất tối. Không có nhiều thời gian để suy nghĩ về những gì đang diễn ra. Chúng tôi chỉ tập trung làm nhiệm vụ của mình”.

Liên Xô siết chặt vòng vây cung điện Tajbeg ngày 27.12.1979.

Liên Xô siết chặt vòng vây cung điện Tajbeg ngày 27.12.1979.

Đặc nhiệm KGB tiến vào bên trong dinh thự chỉ với bộ quần áo thể thao hoặc quần áo thông thường. Họ tiêu diệt tất cả các mục tiêu xuất hiện trong tầm ngắm vì bên trong dinh thực đều là lực lượng cận vệ tinh nhuệ.

Đặc nhiệm Alpha có nhiệm vụ tiêu diệt Amin cùng các cận, nhóm Vympel thu thập tài liệu và bằng chứng về việc Amin hợp tác với Mỹ, theo tài liệu giải mật đăng tải trên tờ báo Nga vpk-news.ru năm 2004.

Đối phương chống trả quyết liệt

Mới hồi tỉnh lại sau khi được các bác sĩ Liên Xô cứu sống, Amin vẫn nghĩ rằng mình được Liên Xô hỗ trợ. Khi các cận vệ nói rằng chính đặc nhiệm Liên Xô đang tấn công dinh thự, Amin vẫn không tin.

“Liên Xô sẽ giúp chúng ta”, Amin nói. Ông ta còn cho rằng lời nói của các trợ thủ là “một sự giả dối”. Chỉ đến khi không thể liên lạc được với người đứng đầu Bộ Tổng tham mưu, Amin mới nghĩ đến những điều tồi tệ nhất.

Victor Carpukhin, Anh hùng Liên Xô, thành viên đội Grom, kể lại rằng cuộc đụng độ bên trong dinh thự rất khốc liệt. Lực lượng bảo vệ dinh thự được bố trí rất mạnh, đông gấp 4 lần bên tấn công và được vũ trang tốt.

Trong số 30 người của đội Grom, 13 người bị thương ở các mức độ khác nhau.

Các đặc nhiệm Liên Xô tham gia chiến dịch. Ảnh: Topwar.ru.

Các đặc nhiệm Liên Xô tham gia chiến dịch. Ảnh: Topwar.ru.

Theo lời kể của Carpukhin, khi các đặc nhiệm tấn công vào cửa dinh thự, phía trên tiền sảnh có một cầu thang xoáy trôn ốc dẫn lên tầng trên. Đối phương quăng lựu đạn, nã đạn súng máy tới tấp.

Bất chấp sự chống trả quyết liệt, các đặc nhiệm Liên Xô đẩy lùi đối phương lên tầng 2. Họ đạp tung các cửa phòng và ném lựu đạn vào. Đến cuối hành lang, các đặc nhiệm phát hiện Amin trong bộ đồ thể thao lao ra ngoài, bị trúng đạn và tử vong.

Quay trở lại dinh tổng thống vào sáng ngày hôm sau, Luksys mô tả cung điện bị tàn phá nặng nề. “Đó là một cung điện tuyệt đẹp, nhưng nay đã trở thành mớ hỗn độn”.

Thi thể của Amin và các thành viên trong gia đình không may thiệt mạng được đặc nhiệm Liên Xô cuốn trong những tấm thảm, đem chôn tại ngôi mộ không tên.

Thương vong của đặc nhiệm Liên Xô trong chiến dịch Bão tố 333 cho đến nay vẫn còn là bí ẩn. Có nguồn tin nói rằng 100 người thiệt mạng trước khi đặc nhiệm KGB mở đường vào bên trong cung điện.

Liên Xô chỉ xác nhận có 20 đặc nhiệm thiệt mạng, 5 người thuộc KGB, 7 người thuộc đặc nhiệm Spetsnaz và 2 người là lính dù. Tư lệnh đặc nhiệm KGB, đại tá Boyarinov nằm trong số những người thiệt mạng.

Những cựu binh của đội Alpha thuộc lực lượng đặc nhiệm KGB mô tả đây là “chiến dịch thành công nhất lịch sử của đội”.

______________________

Tiếp nối thành công, đội đặc nhiệm Alpha trứ danh còn được gửi đến Liban trong sứ mệnh giải cứu các nhà ngoại giao Liên Xô bị khủng bố bắt cóc. Đội đặc nhiệm Alpha đã làm cách nào khiến khủng bố khuất phục, bài kỳ sau xuất bản 19h ngày 28.9 trên mục Thế giới sẽ kể về câu chuyện này.

Nguồn: [Link nguồn]

Đặc nhiệm Anh cải trang, đột kích diệt 20 tay súng IS ở Afghanistan

Đặc nhiệm SAS của Anh mới đây đã tấn công một trại huấn luyện của IS ở Afghanistan, tiêu diệt 20 tay súng khủng bố...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - Tổng hợp ([Tên nguồn])
Bí ẩn lịch sử thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN