Lý giải thuyết phục về quả cầu lạ giống ở Tuyên Quang
Khối cầu lạ có hình thù giống như 2 vật thể rơi ở Yên Bái và Tuyên Quang ngày 2.1.2016 cũng từng rơi xuống Namibia cách đây 5 năm và đã được các nhà khoa học giải mã.
Quả cầu lạ rơi xuống Namibia năm 2011.
Khối cầu lạ từng rơi xuống Namibia được nhiều người cho là dấu hiệu của ngày tận thế, một phần của bóng thám không hoặc bằng chứng cho thấy có người ngoài hành tinh tồn tại.
Khi quả cầu dài 35cm, nặng 6kg rơi xuống Namibia hồi tháng 11.2011, quốc gia châu Phi này đã vô cùng sợ hãi vì lo sợ an ninh bị đe dọa. Các nhà chức trách Namibia đã cầu viện NASA trợ giúp.
Quả cầu sắt gây ra một hố sâu 30cm ở nơi nó rơi xuống. Nhà báo Adrian Chen của tờ Gawker khẳng định đây là quả cầu chứa nhiên liệu trong các tên lửa không người lái. Bên trong quả cầu thường đựng hydrazine lỏng.
Quả cầu lạ được các nhà khoa học khẳng định là thùng chứa nhiên liệu hydrazine cho động cơ tên lửa đẩy tàu vũ trụ.
Một người ẩn danh bình luận trên blog cá nhân của Adrian Chen khẳng định: “Đây là thùng nhiên liệu 39 lít chứa hydrazine. Chúng được sử dụng trên các tên lửa không người lái khi phóng vệ tinh lên quỹ đạo và rơi xuống trái đất sau khi hoàn thành nhiệm vụ”.
Cư dân trong vùng cho biết nghe thấy vài tiếng nổ lớn trước khi quả cầu được một nông dân Namibia tìm thấy trong vườn. Cảnh sát nước này khẳng định quả cầu rơi cách thủ đô Windhoek 772km và không gây hại gì. Nó không chứa vật liệu nổ, bên trong rỗng.
Trong hai thập kỷ qua, những quả cầu tương tự như ở Namibia đã từng được tìm thấy ở châu Phi, Australia và Trung Mỹ.
Theo trang Tarrdaniel và Daily Mail, các nhà khoa học đã có câu trả lời về quả cầu sắt rơi xuống miền bắc Namibia. Đây là một cầu sắt chứa chất lỏng hydrazine từ một tên lửa không người lái, thường được sử dụng khi phóng các vệ tinh lên quỹ đạo.
Mô hình tên lửa Delta với "quả cầu lạ" trong phần động cơ đẩy.
Quả cầu lạ được các nhà khoa học gọi tên là “bóng vũ trụ” (Space Ball), thường là rác thải trên không gian rơi xuống bề mặt trái đất. Nhiều người khẳng định đây là vật thể lạ của người ngoài hành tinh nhưng câu trả lời thực sự đơn giản hơn rất nhiều: Công nghệ tên lửa của chính con người.
Bóng vũ trụ là loại rác thải đặc biệt tồn tại và rơi vào khí quyển trái đất. Bóng vũ trụ có nhiều loại, nhưng phổ biến nhất là làm bằng titan dùng trong động cơ tên lửa đẩy một số tàu vũ trụ hiện nay.
Tháng 9.2014, Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia từng cảnh báo NASA về rác vũ trụ đã vượt quá “điểm bùng phát”. Hiện nay có hơn 22.000 vật thể lạ trong quỹ đạo. NASA tính toán có hàng trăm ngàn, thậm chí là hàng triệu vật thể nhỏ không xác định đang lơ lửng trong không gian.
Hội đồng Nghiên cứu Quốc gia (Mỹ) cho biết có 22.000 vật thể lạ bay ngoài quỹ đạo.
Đầu năm 2011, nhiều người bày tỏ lo ngại khi vệ tinh nhân tạo của NASA phóng lên vũ trụ bị vỡ tan tành và rơi xuống trái đất. Vệ tinh Roentgen của Đức cũng từng vỡ vụn và phân nhỏ thành 30 mảnh rơi vào khí quyển trái đất. Mảnh vỡ lớn nhất lên tới 400kg.
Tuy nhiên, con người không cần phải lo lắng. Trên trái đất có rất nhiều vùng đất hẻo lánh và phần lớn là đại dương. Khả năng một mảnh vỡ vũ trụ hoặc bóng vũ trụ đâm vào trái đất, trúng một người nào đó chỉ là 1/3200. Như vụ ở Namibia, không ai bị thương sau khi quả cầu lạ rơi xuống đất.