Lý do Trung Quốc sẽ không ủng hộ Nga tấn công Ukraine
Tác động tiêu cực tới danh tiếng - cả trên trường quốc tế và với người dân Trung Quốc - sẽ rất lớn nếu Bắc Kinh ủng hộ động thái quân sự của Nga đối với Ukraine.
Trước tình hình bế tắc liên quan Ukraine, Mỹ được cho là đang lo ngại về sự tương tác giữa Nga và Trung Quốc.
Ví dụ, Thư ký báo chí Lầu Năm Góc John Kirby đã gọi “sự ủng hộ ngầm” của Bắc Kinh đối với Moscow là “đáng báo động sâu sắc”. Ông Kirby dường như ngụ ý rằng Trung Quốc ủng hộ việc Nga có thể tấn công Ukraine.
Theo tạp chí The Diplomat ngày 17-2, mối quan tâm của Mỹ là điều dễ hiểu, nhưng một số quan chức Mỹ dường như đang đánh giá sai về cả quan hệ Trung Quốc-Nga và chính sách đối ngoại rộng lớn hơn của Bắc Kinh.
Lý do Trung Quốc sẽ không ủng hộ Nga tấn công Ukraine. Ảnh: AP
Về quan hệ quân sự Trung Quốc-Nga
The Diplomat nhận định Trung Quốc và Nga không phải là đồng minh quân sự. Nói cách khác, khi một bên xảy ra chiến tranh, bên kia không có hiệp ước hoặc nghĩa vụ pháp lý nào để giúp đỡ. Điều này hoàn toàn khác với các liên minh quân sự giữa Mỹ và các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Do đó, ngay cả khi Nga và Ukraine xảy ra chiến tranh, Trung Quốc cũng không có nghĩa vụ hỗ trợ Nga. Thật vậy, trong cuộc khủng hoảng Crimea bảy năm trước, Trung Quốc đã không công khai ủng hộ quan điểm của Nga.
Ngày 4-2, Trung Quốc và Nga đã đưa ra tuyên bố chung, trong đó Bắc Kinh đã đề cập sự ủng hộ đối với Nga.
Tuy nhiên, sự ủng hộ của Trung Quốc dành cho Nga tập trung vào việc nhấn mạnh rằng các mối quan tâm về an ninh của Moscow phải được phương Tây đảm bảo và chống lại các mối đe dọa đối với an ninh của Nga từ NATO và các nước phương Tây khác.
Theo The Diplomat, Trung Quốc cũng phải đối mặt sức ép từ Mỹ ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, vì vậy không ngạc nhiên khi Bắc Kinh sẽ hỗ trợ Nga khi đối mặt sức ép tương tự. Tuy nhiên, điều này không giống như việc Trung Quốc ngỏ ý chấp thuận một cuộc tấn công của Nga đối với Ukraine.
Một so sánh có thể giúp làm rõ sự ủng hộ của Trung Quốc trong trường hợp này: Thái độ của Trung Quốc đối với Nga tương đương sự ủng hộ của nước này đối với Triều Tiên hoặc Iran khi yêu cầu Mỹ dỡ bỏ các lệnh trừng phạt. Sự ủng hộ của Trung Quốc không có nghĩa là Bắc Kinh sẽ ủng hộ Triều Tiên kích hoạt cuộc chiến trên bán đảo Triều Tiên hay Iran tấn công Israel.
Quan điểm của Trung Quốc đối với Ukraine
Trung Quốc đã duy trì quan hệ hữu nghị với cả Nga và Ukraine trong một thời gian dài, đây được xem là một chính sách cơ bản và cân bằng. Trong cuộc khủng hoảng Ukraine, Trung Quốc không bao giờ chỉ trích Ukraine, chỉ lên án Mỹ và NATO. Ukraine nhận thức rõ về điều đó.
Năm 2022 đánh dấu kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Ukraine.
Hồi tháng 1, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã trao đổi điện mừng, trong đó ông Tập đã đề cập rõ rằng ông luôn cam kết tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác với Ukraine. Trung Quốc không thể thay đổi quan điểm của mình sau một tháng, The Diplomat nhận định.
Ngoài ra, Đại sứ Trung Quốc tại Kiev đã đăng một bài báo trên các phương tiện truyền thông Ukraine, công khai nhấn mạnh rằng Bắc Kinh luôn ủng hộ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine.
Đây là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy Trung Quốc không thể ủng hộ việc Nga tấn công Ukraine - đặc biệt là vì Trung Quốc chưa bao giờ công khai quan điểm rằng Crimea thuộc về Nga, theo The Diplomat.
Nếu phản đối Nga tấn công Ukraine, vì sao Trung Quốc không chỉ trích Moscow, như phương Tây đã làm?
Theo The Diplomat, có hai lý do chính.
Thứ nhất, việc Trung Quốc công khai chất vấn Nga có thể làm tổn hại tình hữu nghị song phương Trung Quốc-Nga.
Chủ tịch TQ Tập Cận Bình (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: REUTERS / NIKKEI
Vào thời điểm này, Bắc Kinh được cho là cần thể hiện sự đoàn kết, thay vì nhấn mạnh sự khác biệt - đây là một câu hỏi về cả thể diện và kỹ năng ngoại giao. Trung Quốc sẽ bày tỏ thái độ thực sự của mình sau những cánh cửa đóng kín.
Thứ hai, Nga có thể đã đảm bảo riêng với Trung Quốc rằng họ sẽ không tiến hành một cuộc tấn công trực tiếp vào Ukraine.
Điều đó sẽ lý giải vì sao Trung Quốc cáo buộc Mỹ và NATO thổi phồng cuộc khủng hoảng, và tại sao Bắc Kinh vẫn thờ ơ trong khi phương Tây rút cả nhân viên ngoại giao và công dân khỏi Ukraine.
Ngoài việc cùng đương đầu trước sức ép của phương Tây, có một logic cơ bản trong quá trình phát triển quan hệ Trung-Nga: Đó là hai nước láng giềng phải hữu nghị, và tình hữu nghị này sẽ có lợi cho cả hai bên.
Chẳng hạn, an ninh năng lượng của Trung Quốc có thể được đáp ứng thông qua các đường ống dẫn dầu và khí đốt trên bộ của Nga, điều này làm giảm nguy cơ vận chuyển năng lượng ở Vịnh Ba Tư và eo biển Malacca.
Về phần mình, Nga cũng sẽ thu được những lợi ích kinh tế to lớn từ việc trao đổi với Trung Quốc. Với tư cách là láng giềng, việc Trung Quốc và Nga thiết lập quan hệ đối tác là một quá trình tự nhiên.
Theo The Diplomat, một số quan chức Lầu Năm Góc chỉ nghĩ về vấn đề hợp tác Trung - Nga từ góc độ các nước cùng đối mặt sức ép của phương Tây, mà không coi đây là trường hợp của cả nhận thức chung quốc tế và kỹ năng ngoại giao của Trung Quốc.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: FT
Thứ ba, liên quan dư luận tại Trung Quốc, The Diplomat cho rằng nhiều người dân nước này có quan điểm tương tự một số quan chức Mỹ khi tin rằng chính phủ Trung Quốc thực sự hỗ trợ Nga nếu một cuộc chiến nổ ra.
Tuy nhiên, đây hầu hết là những người trẻ tuổi và những người theo chủ nghĩa dân tộc còn ít kinh nghiệm.
Logic của họ là chiến tranh ở Đông Âu sẽ bao gồm sự hỗ trợ của Mỹ đối với Đài Loan, và Trung Quốc có thể sử dụng cơ hội này để có động thái quân sự đối với Đài Loan.
Do đó, khi nghe tin Tổng thống Vladimir Putin sẽ đàm phán nhiều hơn với phương Tây, và thậm chí rút một phần quân khỏi các cuộc tập trận, một số người dân Trung Quốc cảm thấy thất vọng. Họ cho rằng Trung Quốc đã mất cơ hội tốt để giải quyết vấn đề Đài Loan.
Theo tạp chí, cũng giống như Nga không xem xét vấn đề Đài Loan khi có tranh chấp với Ukraine, Trung Quốc sẽ không xem xét mối quan hệ giữa Nga và Ukraine để giải quyết vấn đề Đài Loan. Nếu một ngày nào đó ông Putin quyết định tấn công Ukraine, Trung Quốc sẽ không thể ngăn cản được. Nếu một ngày nào đó Trung Quốc tấn công Đài Loan, ông Putin cũng sẽ không thể ngăn cản điều đó.
Trung Quốc sẽ suy nghĩ nhiều hơn về đạo đức và danh tiếng khi nói đến cuộc khủng hoảng Ukraine, phần lớn là để tính đến dư luận và thái độ của người dân trong nước, hai yếu tố cũng có ảnh hưởng trong chính sách đối ngoại của Bắc Kinh.
Điều gì sẽ xảy ra nếu Trung Quốc ủng hộ việc Nga tấn công Ukraine?
Thứ nhất, việc ủng hộ có thể khiến Trung Quốc rơi vào tình thế khó xử trong cộng đồng quốc tế.
Theo The Diplomat, Trung Quốc đã và đang định hình một hình ảnh quốc tế về công lý trong nhiều thập niên.
Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ảnh: HUFFPOST
Năm nguyên tắc chung sống hòa bình là chính sách đối ngoại của Trung Quốc trong những năm 1950, và dưới thời Chủ tịch Tập Cận Bình, Bắc Kinh vẫn lấy những nguyên tắc này làm cơ sở cho giao lưu quốc tế. Cốt lõi của Năm nguyên tắc là tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của mỗi quốc gia và không xâm phạm lẫn nhau.
Nếu ủng hộ việc Nga tấn công Ukraine, Trung Quốc có thể sẽ đánh mất nền tảng đạo đức quốc tế, cũng như làm tổn hại đến uy tín và hình ảnh quốc tế của mình. Điều này sẽ khiến Trung Quốc gặp khó khăn trong việc thúc đẩy Chính sách láng giềng tốt và hữu nghị cũng như Năm nguyên tắc.
Thứ hai, về dư luận của người dân trong nước.
Theo The Diplomat, Trung Quốc khi hoạch định chính sách sẽ xem xét thái độ của càng nhiều người dân càng tốt và thỏa mãn lợi ích của nhiều người nhất có thể, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc quản lý xã hội trong nước.
Một điều đáng lưu ý là hầu hết người dân Trung Quốc có quan điểm trái chiều về Nga, liên quan quan điểm rằng Nga từng là một trong những cường quốc châu Âu đã lấn át Trung Quốc trong “thế kỷ bị sỉ nhục” (bách niên quốc sỉ).
Theo tạp chí, đối với nhiều người Trung Quốc, khi nhìn thấy cuộc khủng hoảng Ukraine, họ nghĩ đến sự bành trướng lãnh thổ của Nga vào Trung Quốc hơn 100 năm trước. Quan điểm này sẽ khó được nêu trên các phương tiện truyền thông nhà nước, song có thể dễ dàng tìm thấy trên mạng xã hội Trung Quốc, The Diplomat thông tin.
Trong bối cảnh đó, việc chính phủ Trung Quốc hỗ trợ Nga tấn công Ukraine sẽ khiến nhiều người Trung Quốc nghi ngờ tính công bằng và hợp pháp của chính phủ nước này, vốn là điều không tốt cho việc duy trì ổn định xã hội.
Nguồn: [Link nguồn]
Trong khi tình hình biên giới Nga – Ukraine được cho là vẫn “sóng yên biển lặng” vào ngày 16.2, Trung Quốc bày tỏ sự thất vọng về những phát ngôn của Mỹ và phương Tây.