Lý do Trung Quốc liên tục gây sức ép với Đài Loan
Lãnh thổ Đài Loan có vị trí địa lý chiến lược trong chiến lược mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc. Mặt khác, việc hòn đảo này chống COVID-19 thành công cũng đã làm Bắc Kinh “nóng mặt”.
Ngày 9-6 (giờ địa phương), Cơ quan phòng vệ Đài Loan ra tuyên bố cáo buộc Trung Quốc (TQ) điều nhiều tiêm kích Su-30 bay vào vùng nhận dạng phòng không phía Tây Nam hòn đảo này. Tuyên bố cũng cho biết phía Đài Loan đã phát loa cảnh báo, chủ động xua đuổi và theo dõi hành trình cho đến khi các máy bay TQ rời khỏi không phận, theo hãng tin Reuters.
Nhiều tháng qua, Đài Bắc liên tục chỉ trích TQ lợi dụng bối cảnh cả thế giới đang tập trung đối phó đại dịch COVID-19 để đẩy mạnh các hoạt động quân sự thách thức Đài Loan. Đáp trả, lãnh đạo Bắc Kinh khẳng định không ngại sử dụng vũ lực để thu hồi vùng lãnh thổ này.
Đài Loan trong chiến lược của Trung Quốc
Trong bài viết đăng ngày 10-6 cho tạp chí The National Interest, chuyên gia J. Michael Cole thuộc Viện Chính sách TQ của ĐH Nottingham (Canada) nhận định chiến lược gây sức ép lên Đài Loan của TQ hiện nay trên thực tế là một chuỗi các hành động được Bắc Kinh tính toán và lên kế hoạch từ sớm nhất là vào tháng 12-2019. Ông Cole lưu ý là vào thời điểm đó đã xuất hiện hàng loạt động thái tương tự ngày 9-6 như tàu chiến, chiến đấu cơ TQ tiến sát Đài Loan hay khu vực eo biển Ba Sĩ với tần suất thường xuyên hơn những năm trước.
Lý giải ý đồ của lãnh đạo TQ, chuyên gia này cho rằng có hai nguyên nhân chính. Đầu tiên, Đài Loan là một trong năm khu vực thuộc chuỗi đảo thứ nhất Tây Thái Bình Dương (bên cạnh Nhật Bản, Hàn Quốc, Philippines và quần đảo Sunda lớn). Kiểm soát chuỗi đảo thứ nhất sẽ giúp TQ tạo được thế vây quanh Biển Đông, rộng đường tiến ra toàn bộ Tây Thái Bình Dương cũng như hạn chế được hiện diện quân sự của Mỹ và đồng minh.
Thứ hai, TQ muốn thông qua các động thái quân sự này triển khai một cuộc tâm lý chiến đối với người đứng đầu Đài Loan - bà Thái Anh Văn. Theo chuyên gia J. Michael Cole, quan hệ Đài Loan và TQ chỉ trở nên căng thẳng sau khi bà Thái nắm quyền vào năm 2016. Trước đó, chính quyền Đài Bắc dưới hai nhiệm kỳ của ông Mã Anh Cửu vẫn duy trì chính sách hòa hoãn với Bắc Kinh và hai bên cũng ký kết nhiều thỏa thuận hợp tác. Tuy nhiên, chính lập trường này lại khiến người dân Đài Loan lo ngại ảnh hưởng ngày càng tăng của đại lục, dẫn tới sự ra đời của phong trào biểu tình Hoa Hướng Dương đưa bà Thái Anh Văn lên đỉnh cao quyền lực.
Đài Loan hiện phải đối mặt với sức ép lớn từ một Trung Quốc đang trỗi dậy. Ảnh: THE NIKKEI
Lúc đó, Bắc Kinh lập tức phản ứng lại bằng một loạt hành động cứng rắn để cô lập Đài Loan như cản trở vùng lãnh thổ này gia nhập các tổ chức quốc tế và thuyết phục các nước khác cắt quan hệ ngoại giao với Đài Loan. Song song với đó là hỗ trợ các đảng phái thân TQ ở Đài Loan tấn công đảng Dân Tiến của bà Thái. Tình trạng đối đầu này kéo dài tới nay và dưới thời Chủ tịch TQ Tập Cận Bình còn trở nên nghiêm trọng hơn do ông chủ trương không nhân nhượng với Đài Loan về vấn đề độc lập.
Đến năm 2020, nhiều dấu hiệu cho thấy TQ dường như đã cạn kiệt kiên nhẫn với Đài Bắc và muốn áp dụng một chiến lược mạnh tay hơn. Đơn cử, trong tuyên bố khai mạc kỳ họp Quốc hội TQ vào tháng 5, Thủ tướng Lý Khắc Cường lần đầu tiên không sử dụng cụm từ “hòa bình” khi đề cập đến việc thu hồi Đài Loan. “Chúng ta sẽ khuyến khích người dân Đài Loan cùng phản đối nỗ lực đòi độc lập của hòn đảo và thúc đẩy sự thống nhất TQ. Với những nỗ lực này, chúng ta chắc chắn sẽ mang đến tương lai tươi đẹp cho hòa giải đất nước” - ông Lý khẳng định.
Hãng tin Reuters ngày 11-6 cho hay Đài Loan vừa cho phóng thử nhiều tên lửa ở bờ biển phía Nam và phía Đông hòn đảo này. Nhiều chuyên gia nhận định đây là tên lửa đất đối không Skybow-3 có tầm bắn 200 km, dùng để đánh chặn các tên lửa dẫn đường từ đại lục. |
Đài Loan, Trung Quốc thêm chia rẽ vì COVID-19
Chuyên gia J. Michael Cole nhận định giai đoạn bùng phát đại dịch COVID-19 vừa qua cũng đã góp phần khoét sâu thêm chia rẽ giữa Đài Loan và TQ do hai bên có hai cách hành xử khác nhau trong công tác xử lý dịch. Về phía Đài Loan, ông Cole cho rằng chính quyền bà Thái Anh Văn đã tiến hành một chiến dịch phòng, chống COVID-19 hiệu quả, giữ được số người bệnh và các ca tử vong ở mức thấp (hơn 400 ca nhiễm và bảy người thiệt mạng tính đến chiều 12-6) kết hợp tăng cường viện trợ y tế cho các quốc gia khác. Vị thế và ảnh hưởng của Đài Loan qua đó gia tăng đáng kể. Bà Thái Anh Văn cũng giành được sự ủng hộ của đông đảo người dân Đài Loan với mức tín nhiệm lên đến 73%, cao nhất từ trước đến nay.
Trong khi đó, TQ lại liên tục vướng phải các cáo buộc che giấu thông tin tình hình dịch, khiến COVID-19 lây lan ra toàn cầu bên cạnh việc trang thiết bị y tế nước này viện trợ gặp vấn đề về chất lượng. Bắc Kinh thời gian qua cũng đẩy mạnh ngoại giao “chiến lang” - hung hăng chỉ trích bất kỳ nước nào đe dọa lợi ích quốc gia của TQ. Tất cả diễn biến này, không ngoài dự đoán, làm tổn hại đến hình ảnh cường quốc có trách nhiệm mà TQ đang nỗ lực xây dựng. Chưa kể, nền kinh tế TQ thiệt hại nghiêm trọng do phong tỏa trên diện rộng, đối lập với Đài Loan chống dịch hiệu quả mà không cần các biện pháp tương tự.
“Là chủ tịch trọn đời đầu tiên của TQ, nhiều khả năng ông Tập Cận Bình sẽ cảm thấy bị áp lực trước các lãnh đạo tiền nhiệm cũng như từ toàn bộ máy Bắc Kinh sau màn thể hiện vừa qua. Do đó, ông Tập buộc lòng phải có giải pháp “chuyển lửa ra ngoài” qua việc gây sức ép với Đài Loan để khôi phục sự ủng hộ trong nước” - chuyên gia J. Michael Cole kết luận.
Giải pháp nào cho Đài Loan? Ông Cole cho rằng dù đang gặp nhiều khó khăn trong nước, giới lãnh đạo Bắc Kinh vẫn cho thấy không để sự mất kiên nhẫn ảnh hưởng đến tiến trình hoạch định đối sách Đài Loan. Trước mắt, nước này vẫn sẽ sử dụng chiến thuật “lát cắt salami”, tức thực hiện các hành động gây hấn nhỏ và tăng dần. Các hành động này quá nhỏ để có thể khơi mào chiến tranh, song tích lũy theo thời gian có thể đạt được thay đổi chiến lược đáng kể. Để đối phó, ngoài việc củng cố khả năng quốc phòng, Đài Bắc cũng nên tăng cường hợp tác mở rộng phạm vi đối tác, đồng minh trong khu vực. Tuy nhiều nước ngại đối đầu với Bắc Kinh về vấn đề Đài Loan, mối đe dọa chung của TQ với toàn khu vực sẽ là rủi ro lớn hơn khiến các nước này phải suy nghĩ lại. Dù vậy, trên thực tế, các lựa chọn cho Đài Loan lúc này khá hạn chế vì hòn đảo này không có khả năng triển khai lực lượng quân sự đáp trả. “Hiện chỉ hy vọng là cả hai bên nhận ra là không bên nào đủ khả năng chiếm đóng hoàn toàn bên còn lại và tự kiềm chế” - chuyên gia J. Michael Cole cho hay. |
Ngày 9.6, không quân Đài Loan cho biết, một số chiến đấu cơ Trung Quốc đã xâm nhập vùng nhận diện phòng không của Đài...
Nguồn: [Link nguồn]