Lý do Trung Quốc lần lữa xử lý căng thẳng biên giới với Ấn Độ
Căng thẳng biên giới Trung - Ấn có dấu hiệu hạ nhiệt, tuy nhiên có ý kiến cho rằng Bắc Kinh không muốn tìm giải pháp thật sự để giải quyết tình trạng này.
Căng thẳng biên giới gay gắt giữa hàng chục ngàn binh sĩ Ấn Độ và Trung Quốc (TQ) ở vùng Ladakh thuộc dãy Himalaya vừa cho thấy thêm dấu hiệu hạ nhiệt. Sau chín tháng căng thẳng, tình hình biên giới hai nước có chuyển biến. Sau cuộc gặp giữa quan chức quân đội hai bên ngày 10-2, từ tuần trước, hai bên đã bắt đầu rút quân và xe tăng đóng ở khu vực hồ Pangong ở dãy Himalaya. Quá trình rút quân có thể kéo dài vài tuần tới vài tháng, theo báo South China Morning Post.
Bước đi nhỏ giọt của Trung Quốc
Truyền thông Ấn Độ hoan nghênh đây là chiến thắng của chính quyền Thủ tướng Narenda Modi, khác với cái nhìn thận trọng của nhiều nhà phân tích và tướng lĩnh quân đội Ấn Độ.
Dọc 3.488 km đường kiểm soát thực tế (LAC) chưa được phân chia giữa hai nước là hàng loạt điểm nóng: Thung lũng sông Galwan, các khu vực Hot Springs, Gogra, đồng bằng Depsang, hồ Pangong. Hồi tháng 7-2020 hai bên đã đồng ý rút quân khỏi thung lũng Galwan sau vụ đụng độ khiến hàng chục binh sĩ hai bên thiệt mạng. Ngoài điểm nóng này thì theo chuẩn tướng về hưu Deepak Sinha vốn dành phần lớn trong 30 năm binh nghiệp phục vụ ở vùng Jammu&Kashmir và dọc biên giới với TQ, thỏa thuận rút quân mới nhất ở khu vực hồ Pangong “đã lái sự chú ý khỏi Hot Springs, Gogra và Depsang”. Trong các điểm nóng này, theo ông Sinha, đồng bằng Depsang nằm ở tây bắc hồ Pangong là khu vực đáng lo nhất của Ấn Độ khi có vị trí chiến lược giáp không chỉ TQ mà cả Pakistan.
Nhiều lãnh đạo đối lập Ấn Độ, thậm chí cựu bộ trưởng Quốc phòng nước này là ông A.K. Antony cũng không hài lòng về bước đi nhỏ giọt của TQ.
Nhớ lại các sự cố đụng độ hai bên ở biên giới thời gian qua, trong khi phía Ấn Độ luôn công khai thiệt hại, thương vong thì TQ chọn cách im lặng và không tô đậm sự việc. Chẳng hạn, trong cuộc xung đột tối 20-1 tại Naku La - khu vực tranh chấp nằm ở phía đông dãy Himalaya thuộc biên giới của cả hai nước, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao TQ Trịnh Lập Kiên nói “không có thông tin gì để cung cấp”. Trong cuộc đụng độ ở thung lũng sông Galwan ngày 15-6-2020, trong khi Ấn Độ công khai mình mất 20 binh sĩ thì TQ không tiết lộ số thương vong.
Tiêu điểm Ấn Độ không có sức mạnh nào để kiểm soát việc TQ sẽ làm gì ở Depsang, Hot Springs và Gogra. Chuẩn tướng về hưu DEEPAK SINHA |
Theo học giả Manoj Joshi tại Quỹ nghiên cứu các nhà quan sát ở New Delhi, TQ “có thể không muốn tìm ra giải pháp” cho tình trạng căng thẳng biên giới với Ấn Độ vì nhiều lý do.
Xe tăng hai bên rút khỏi khu vực hồ Pangong ngày 10-2. Ảnh: AP
Trước hết, theo ông, so với Ấn Độ phải chịu tốn chi phí nhiều hơn để duy trì binh sĩ ở biên giới để đối phó với TQ thì chi phí này với TQ nhẹ hơn. Theo phân tích của ông Joshi, TQ đã đưa Ấn Độ vào một “quá trình chiến đấu dài hạn và rất tốn kém”, đồng thời tình thế khó khăn như vậy cũng buộc Ấn Độ phải tập trung nhiều binh lính vào đất liền hơn là chia lực lượng bảo đảm an ninh hàng hải và Ấn Độ Dương. Đây cũng là một tình huống có lợi khác cho Bắc Kinh trong nỗ lực lan tỏa sức ảnh hưởng của mình ở khu vực này.
Nguyên nhân thứ hai đằng sau sự lần lữa của TQ là Bắc Kinh muốn chờ xem chính sách của chính phủ tân Tổng thống Mỹ Joe Biden với mình thế nào rồi mới đưa ra bước đi phù hợp với Ấn Độ. Các nhà phân tích Ấn Độ tin rằng Bắc Kinh đang tạm thời chuyển mối quan tâm sang việc tìm hiểu rõ hơn về chính sách sắp tới của ông Biden đối với nước này. Theo ông Uday Bhaskar, Giám đốc Hiệp hội nghiên cứu chính sách Ấn Độ, nếu chính sách của ông Biden cũng cứng rắn như của người tiền nhiệm ông và nếu TQ nhận thấy mức độ đe dọa cao hơn từ Mỹ, nước này sẽ xem xét tránh một cuộc xung đột khác với Ấn Độ.
Các sự kiện vừa diễn ra cũng có thể đã định hình những gì Bắc Kinh chờ đợi từ chính sách của Mỹ. Hôm 8-1, Đại sứ Mỹ tại Ấn Độ Kenneth Juster tiết lộ New Delhi đang cùng Mỹ "phối hợp chặt chẽ" với nhau về vấn đề biên giới. Theo đó, Mỹ sẽ giúp Ấn Độ chống lại những gì ông Juster gọi là “hành vi hung hăng của TQ ở biên giới”. Nhiều hãng truyền thông Ấn Độ cũng đưa tin New Delhi đang hợp tác với chính quyền Washington để được cung cấp hình ảnh vệ tinh, cũng như mua sắm các thiết bị chống rét của Mỹ cho binh lính trên dãy Himalaya. Ngày 25-1, một tài liệu từ năm 2018 của Mỹ về chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương được công bố cho thấy quan điểm của Washington về việc Mỹ xem Ấn Độ là “ưu thế ở khu vực Nam Á” và sẽ là “đối trọng với TQ”. Ngoài ra, tài liệu cũng cho rằng Mỹ nên hành động để “đẩy nhanh sự trỗi dậy của Ấn Độ dưới vai trò là nhà đối tác an ninh và quốc phòng lớn”. Động thái “gần gũi” giữa hai đối thủ đã khiến Đại sứ TQ tại Ấn Độ Sun Weidong phản hồi lại và cho biết chính quyền Bắc Kinh kiên quyết phản đối bất kỳ bên thứ ba nào can thiệp vào vấn đề biên giới Trung - Ấn. |
Nguồn: [Link nguồn]
Dưới chân núi của dãy Himalaya từng là nơi hình thành đế quốc Thổ Phồn, sau này trở thành một phần của Trung Quốc. Chính...