Lý do Trung Quốc không trừng phạt dù Đài Loan đón đoàn Mỹ
Đài Loan đón phái đoàn Mỹ sang thăm. Trung Quốc có nhiều động thái mạnh nhưng vẫn kiềm chế trừng phạt kinh tế, lý do vì không muốn gây tổn thương cho cả chính mình.
Ngày 15-4, lãnh đạo chính quyền Đài Loan Thái Anh Văn hội đàm với phái đoàn Mỹ được Tổng thống Joe Biden cử sang, gồm cựu thượng nghị sĩ Chris Dodd cùng hai cựu thứ trưởng Ngoại giao Richard Armitage và James Steinberg.
Theo tờ The Taiwan News, hai bên thảo luận về khả năng tăng cường quan hệ song phương và thiết lập các thỏa thuận kinh tế mới. Phía Mỹ cũng bày tỏ lo ngại về việc Trung Quốc (TQ) tăng cường chiếm đóng, cải tạo trái phép nhiều thực thể trên Biển Đông. Dự kiến phái đoàn Mỹ trong vài ngày tới sẽ tiếp tục hội đàm với người đứng đầu nhánh hành pháp Đài Loan Tô Trinh Xương.
Bắc Kinh ngày 15-4 bắt đầu sáu ngày diễn tập hàng hải bắn đạn thật tại khu vực gần bờ biển tây nam của Đài Loan, một động thái được cho là nhằm phản đối chuyến thăm của phái đoàn Mỹ đến Đài Bắc, theo tờ South China Morning Post.
Lựa chọn hạn chế của Trung Quốc về vấn đề Đài Loan
Quan hệ Đài-Trung hiện tuột dốc không phanh khi TQ những ngày gần đây liên tục có nhiều phát ngôn khiêu khích, đe dọa tái chiếm Đài Loan bằng vũ lực và cảnh báo những nước có ý định củng cố quan hệ với Đài Loan như Mỹ. Tuy nhiên, theo bài viết ngày 15-4 của chuyên gia Bonnie Glaser thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược quốc tế (CSIS), chiến thuật đe dọa về ngoại giao và quân sự này thực chất không mới và đã được Bắc Kinh áp dụng hầu như từ nhiều năm nay.
Với các diễn biến hiện tại, một câu hỏi được đặt ra là tại sao TQ không trừng phạt kinh tế Đài Loan như cách nước này từng làm với Mỹ khi hai bên bùng phát thương chiến năm 2018. Bà Glaser cho rằng Bắc Kinh thực chất không phải chưa từng nghĩ đến biện pháp này mà vấn đề ở đây là ban hành và duy trì trừng phạt với Đài Loan thực sự rất khó do tính chất liên kết ngày càng chặt chẽ giữa hai nền kinh tế.
Lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn (trái) và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh minh họa: CPI
Năm 2020 là một cột mốc kỷ lục đối với trao đổi thương mại hai bên khi tổng giá trị xuất khẩu từ Đài Loan sang đại lục đạt hơn 102 tỉ USD, nhiều hơn khoảng 91,8 tỉ USD so với năm 2019. 70% lượng nhập khẩu của hai đặc khu TQ là Hong Kong và Macau cũng từ thị trường Đài Loan. Cũng nhờ thành công này mà tăng trưởng kinh tế Đài Loan trong năm 2020 lần đầu tiên vượt mặt tăng trưởng kinh tế TQ (2,98% so với 2,3%) kể từ năm 1990.
Không chỉ Đài Loan là bên duy nhất hưởng lợi mà ngay cả giới doanh nghiệp và nhà đầu tư nói chung từ đại lục cũng rất muốn làm ăn tại hòn đảo này nhờ các lợi thế về nguồn nhân công ổn định và có trình độ tay nghề cao. Dòng vốn đầu tư từ đại lục sang Đài Loan trong năm 2020 đạt 126 triệu USD, tăng gần 30% so với năm 2019. Không quá khó hiểu khi doanh nghiệp TQ muốn tiến vào thị trường Đài Loan, bởi sau khi bị Mỹ và đồng minh cấm mua linh kiện điện tử hồi năm ngoái, Đài Loan đã trở thành nguồn cung chính, chiếm tới 70% tổng lượng nhập khẩu linh kiện điện tử của doanh nghiệp đại lục, theo thống kê của đài CNBC. Đáng chú ý, trên thế giới Đài Loan và Hàn Quốc được xem là hai thế lực gần như độc quyền sản xuất hai mặt hàng quan trọng trong sản xuất máy tính là chip xử lý và chip nhớ, lần lượt chiếm 83% và 70% thị trường toàn cầu.
Trung Quốc vẫn muốn “thống nhất hòa bình” Đài Loan?
Một lý do khác theo bà Glaser là việc củng cố các hoạt động kinh tế Đài-Trung phù hợp với mong muốn thống nhất Đài Loan của lãnh đạo Bắc Kinh mà không cần phải mở chiến tranh tốn kém nhiều về người và tiền của. Một cuộc tấn công nhanh với mục tiêu đủ khiến Đài Loan khuất phục thì quy mô tấn công và sức mạnh hỏa lực phải rất lớn. Khi đó, hình ảnh dân thường thương vong, nhà cửa đổ nát ở Đài Loan có thể khiến TQ đại lục bị tổn hại về chính trị, kinh tế, ngoại giao.
Do đó, theo bà Glaser, mặc cho lâu nay TQ thường hay cảnh báo mạnh các lực lượng đòi ly khai ở Đài Loan thì cuối cùng nước này vẫn sẽ chọn cách an toàn và hòa bình nhất, dù có thể sẽ mất nhiều thời gian hơn. Mặt khác, người dân đại lục và người dân Đài Loan về cơ bản vẫn có rất nhiều điểm tương đồng về văn hóa và tính cách, điều này sẽ là bàn đạp tốt cho TQ trong công cuộc thống nhất hai bờ eo biển.
Cuối cùng, bà Glaser cho rằng Bắc Kinh có thể đang nghĩ nếu nhân nhượng Đài Loan về kinh tế sẽ gây được thiện cảm ở người Đài Loan. Bằng việc góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Đài Loan, Bắc Kinh có thể khuyến khích người dân ở đây trong các đợt bầu cử lãnh đạo trong tương lai bỏ phiếu cho Quốc dân đảng - vốn là đảng thân Bắc Kinh và đánh bại đảng Dân tiến đối lập của bà Thái - lâu nay có lập trường cứng rắn với TQ hơn.
Trung quốc từng trừng phạt nhưng... thất bại Cuối tháng 2, TQ cũng từng thử trừng phạt kinh tế quy mô nhỏ lên Đài Loan. Cụ thể, TQ cấm Đài Loan xuất khẩu dứa vào đại lục với lý do phát hiện một số vấn đề trong quá trình kiểm dịch, theo hãng tin Reuters. Ước tính Đài Loan mỗi năm xuất khẩu hơn 41.000 tấn dứa, trong đó 97% sang thị trường đại lục.Chưa đầy một tuần sau, Đài Bắc gần như đã thành công “giải cứu” một khối lượng dứa ngang bằng khối lượng dứa xuất khẩu đến TQ đại lục trong một năm, khi kêu gọi người dân tăng cường mua dứa và thương thuyết với các đối tác quốc tế để xuất khẩu. Ngày 3-3, Hội đồng Nông nghiệp Đài Loan thông tin nông dân Đài Loan đã nhận được đơn đặt hàng mua trước 41.687 tấn dứa từ các doanh nghiệp quốc tế. Đến ngày 4-3, Đài Bắc cho biết một nhà phân phối đa quốc gia ở Nhật đã nâng đơn đặt hàng 1.200 tấn dứa trước đó lên thành 6.200 tấn, tức đặt mua thêm 5.000 tấn. Sau đó, Đài Loan tiếp tục đạt được thỏa thuận xuất khẩu 6.000 tấn dứa sang Úc vào tháng 5 tới. Kế hoạch trừng phạt Đài Loan của TQ cuối cùng thất bại hoàn toàn. |
Nguồn: [Link nguồn]
Trung Quốc vẫn kiên quyết phản đối quyết định xả 1 triệu tấn nước nhiễm xạ "đã qua xử lý" ra biển của Nhật...