Lý do thực sự khiến đại quân hùng mạnh của Napoleon đại bại ở Nga
Trong cuộc chinh phạt Nga của hoàng đế Napoleon năm 1812, người Nga và người Pháp đều trải qua giá rét tương đương nhau. Tuy nhiên, không phải nhiệt độ thấp là nguyên nhân khiến đội quân hùng mạnh của Napoelon đại bại như theo quan niệm thông thường.
Phương Tây quan niệm rằng mùa đông lạnh giá là nguyên nhân khiến Napoleon chinh phạt Nga thất bại.
Cuộc chinh phạt Nga năm 1812 là một trong những chiến dịch quân sự lớn nhất và có tác động mạnh nhất đến hoàng đế Pháp Napoleon.
Quan niệm về thất bại của Napoleon ở Nga
Ước tính có hơn 600.000 quân Pháp và binh sĩ đến từ các quốc gia châu Âu khác tham gia chiến dịch. Sau trận đánh cuối cùng vào tháng 11.1812, ước tính đội quân hùng mạnh của Napoleon chỉ còn 20.000 – 30.000 người rút khỏi Nga. Khoảng 90% quân số chết và bị thương trong chiến dịch quân sự kéo dài hơn 5 tháng này.
Tuy nhiên, các tờ báo phương Tây khi đó phác họa thất bại của Napoleon không phải do sức mạnh quân sự Nga, mà là do điều kiện thời tiết giá lạnh khắc nghiệt, theo báo Nga RBTH.
Trong chiến dịch năm 1812, báo Pháp “Le Monitor universel” là tờ báo tích cực đưa tin nhất, đôi khi đăng các bài báo do chính Napoleon viết, thông báo với người Pháp về tình hình cuộc chiến.
Hoàng đế Pháp biết rằng các binh sĩ cũng đọc tờ báo này, nên luôn đưa ra những tuyên bố nhằm khích lệ tinh thần quân sĩ.
Một trong những chủ đề mà báo Pháp thường xuyên nhắc đến là yếu tố thời tiết, theo RBTH.
Hôm 26.10.1812, trong bản tin số 24, báo Pháp viết: “Thời tiết rất tốt. Tuyết mới rơi lần đầu hôm qua. Trong 20 ngày tới, cần sẵn sàng cho tiết trời mùa đông”.
Tuy nhiên, trong bản tin cuối cùng số 29, chính thức công bố thất bại của quân Pháp, tờ Le Monitor mô tả thời tiết giá rét là cơn ác mộng tồi tệ nhất.
“Hôm 14, 15 và 16.11, nhiệt độ đột ngột giảm xuống dưới mức 0 độ C. Các con đường phủ đầy băng tuyết. Người và ngựa chết rét rất nhiều. Kỵ binh Pháp thiếu ngựa chiến, pháo binh không có phương tiện di chuyển. Chúng ta buộc phải bỏ lại vũ khí, đạn dược”, báo Pháp viết, theo RBTH.
Nhưng không phải là quân Pháp chưa từng chiến đấu với Nga trong điều kiện giá rét.
Trong trận Eylau diễn ra vào ngày 7 – 8.2.1807, nhiệt độ ở mức đóng băng, quân Pháp vẫn di chuyển qua sông và hồ đóng băng như bình thường.
Thất bại ở Nga là nguyên nhân chính khiến Napoleon sau này bị buộc phải thoái vị.
Theo báo Nga, phương Tây sau này quan niệm thời tiết là một trong những nguyên nhân chính khiến Napoleon thất bại. Anh là một trong những quốc gia châu Âu lan truyền thông tin kiểu như vậy, vì không muốn công nhận chiến thắng của người Nga.
“Đổ lỗi cho thời tiết tạo cảm giác rằng đế quốc Nga khi đó không quá mạnh, không phải là mối lo ngại”, báo Nga nhận định.
Chuyện gì thực sự xảy ra?
Denis Davydov (1784 – 1839), một thủ lĩnh lực lượng dân quân Nga, không cho rằng đội quân hùng mạnh của Napoleon thảm bại hoàn toàn do giá rét.
Davydov dẫn lời Georges de Chambray, tướng chỉ huy lực lượng pháo binh bên phía Pháp, từng bị Nga bắt làm tù binh. “Thời tiết khô, lạnh khi quân Pháp tiến đến Mocsow thực ra có lợi nhiều hơn hại, giúp đoàn quân di chuyển dễ dàng hơn", tướng Georges de Chambray, nói.
Sau ngày 12 và 13.11, nhiệt độ tăng dần, băng tan khiến các cuộc vượt sông gặp khó khăn, hàng ngàn binh sĩ Pháp bỏ mạng trên sông Berezina do chết đuối.
Tướng Antoine-Henri Jomini (1779 – 1869), người từng phục vụ trong hàng ngũ quân Pháp, sau đó đổi phe sang đế quốc Nga năm 1813, cũng bác bỏ quan niệm về giá rét. “Điều đó hoàn toàn sai. Làm sao người ta nghĩ tôi có thể không biết về hiện tượng thời tiết thường niên ở Nga”, tướng Jomini nói, theo RBTH.
“Mùa đông không hề đến sớm hơn bình thường, đợt giá rét đầu tiên đến vào ngày 7.11, thậm chí còn muộn hơn mọi năm”, tướng Jomini viết. “Quân Pháp do tôi từng chỉ huy không gặp phải cảnh tượng như vậy vì được trang bị đầy đủ. Năm 1812, mọi chuyện hoàn toàn trái ngược, thiếu lương thực, thiếu thốn rất nhiều thứ là nguyên nhân dẫn đến thất bại”.
Napoleon phạm sai lầm?
Napoleon đã chủ quan, nghĩ rằng có thể đánh nhanh thắng nhanh, sớm kết thúc chiến dịch ở Moscow.
Tổng tư lệnh quân đội đế quốc Nga, Barclay de Tolly là người đề ra chiến lược “vườn không nhà trống” xuyên suốt chiến dịch quân sự, dụ đội quân do Napoleon thống lĩnh tiến vào Moscow và chôn chân tại đó.
Theo RBTH, nguyên nhân chính khiến Napoleon thất bại hoàn toàn do chiến lược quân sự, không liên quan đến thời tiết hay điều kiện giá rét.
Quân Pháp đông đảo và rất thiện chiến, nhưng để duy trì sức chiến đấu của đội quân này không đơn giản. Napoleon đã không tính tới khả năng cuộc chiến kéo dài, vội vàng đưa quân tiến vào Moscow với suy nghĩ rằng Sa hoàng Alexander I sẽ chấp nhận hòa hoãn.
Nhưng quân Pháp vừa thiếu lương thực, lại vừa bị dân quân Nga đánh du kích, tiêu hao sinh lực, dần dần bị phân tán và mất nhuệ khí chiến đấu. Đến khi quân Pháp rút lui, quân Nga mới tổ chức phản công, khiến đội quân đông đảo đại bại.
Sử gia người Scotland, Walter Scott từng viết trong cuốn sách “Cuộc đời của Napoleon Bonaparte”: “Nếu giá rét và tuyết rơi khiến cả đội quân hùng mạnh tan rã, vậy tại sao Napoleon không tính tới điều này? Lẽ nào chưa từng có tuyết rơi ở Nga? Hay tuyết rơi tháng 11 là điều bất thường?”
“Napoleon biết”, sử gia Scott nói. “Hoàng đế Pháp biết là mùa đông bắt đầu đến vào tháng 10. Từ tháng 7, Napoleon đã biết rằng cần phải tích trữ lương thực. Nhưng sự nôn nóng, vội vàng muốn gặt hái thành quả, khiến một trong những nhà lãnh đạo quân sự vĩ đại nhất trong lịch sử thế giới cũng mắc phải sai lầm sơ đẳng”.
________________________
Trước khi rời khỏi Moscow, Napoleon đã để lại một mệnh lệnh gây chấn động, thể hiện ý đồ rằng mình không rút lui một cách đơn giản. Chuyện gì đã xảy ra sau đó? Mời độc giả đón đọc bài kỳ 3 xuất bản ngày 23.5 trên mục Thế giới.
Hoàng đế Pháp Napoleon, với tham vọng kiểm soát hoàn toàn châu Âu, đã thống lĩnh 600.000 quân chinh phạt đế quốc Nga năm 1812. Cuộc chiến chỉ kéo dài chưa đầy 6 tháng, nhưng gây...
Nguồn: [Link nguồn]