Lý do thúc đẩy TQ can thiệp quân sự ở Syria
Việc Trung Quốc tăng cường hiện diện quân sự ở Syria còn phụ thuộc vào mức độ hoạt động của Mỹ ở Biển Đông cũng như bất cứ hành động nào của Washington và các đồng minh trong khu vực.
Binh sĩ quân đội Trung Quốc.
Hồi đầu tháng này, Chuẩn Đô đốc Trung Quốc Guan Youfei đã đến thăm Syria. Hợp tác giữa Trung Quốc và Syria đánh dấu sự thay đổi mang tính bước ngoặt cả trong lĩnh vực quân sự và địa chính trị quốc tế, nhà phân tích chính trị Pháp Thierry Meyssan nhận định.
Trong khi chi tiết thỏa thuận hợp tác quân sự Trung Quốc-Syria vẫn khá mờ mịt, Bắc Kinh hoàn toàn có động lực để gia tăng sự hiện diện quân sự trong cuộc nội chiến Syria.
Chuẩn Đô đốc Guan Youfei đến Syria trong vai trò là Giám đốc Văn phòng Hợp tác Quân sự Quốc tế, dưới sự chỉ đạo của Quân ủy Trung ương Trung Quốc. Chuyến thăm nằm trong nỗ lực của Bắc Kinh nhằm mở rộng liên lạc quân sự với các quốc gia ở Trung Đông.
Gặp gỡ Bộ trưởng Quốc phòng Syria Fahd Jassem al-Freij trong tháng 8 vừa qua, ông Guan nói quân đội Trung Quốc và Syria đã có “mối quan hệ truyền thống thân thiện” và nhấn mạnh Bắc Kinh “sẵn sàng tăng cường trao đổi và phối hợp” với Syria.
Tuần trước, Bắc Kinh xác nhận rằng các nhân viên y tế Syria sẽ được huấn luyện tại Trung Quốc. Ông Meyssan nhận định, thỏa thuận hợp tác Trung Quốc-Syria còn mang những ý nghĩa khác bởi trên thực tế, một nửa số lượng bác sĩ quân y Syria đã được đào tạo ở Trung Quốc trong 4 năm qua.
Trước đây, Trung Quốc luôn cảnh giác trước các hành động đáp trả từ Washington, né tránh hoạt động hợp tác với chính quyền Damascus vốn có thể được Washington coi là “hỗ trợ quân sự”.
Trung Quốc không chỉ từ chối chuyển giao vũ khí cho Syria mà cả các phương tiện dân sự cần thiết cho chiến tranh như máy dò đường hầm. Nhưng Chuẩn Đô đốc Guan Youfei đến thăm Syria lại đề cập tới khả năng tăng cường hợp tác quân sự. “Rõ ràng mọi thứ đã thay đổi rất nhiều”, ông Meyssan nhận định.
Chuẩn Đô đốc Trung Quốc Guan Youfei (giữa).
Trước khi điều chiến đấu cơ không kích khủng bố ở Syria từ tháng 9.2015, Nga đã tiến hành nhiều cuộc đàm phán và ký kết thỏa thuận với chính quyền Damascus. Do đó, nhà phân tích chính trị Pháp tin rằng, “Trung Quốc cũng đang tích cực chuẩn các bước đi cần thiết”.
“Trung Quốc có điều binh sĩ hoặc các chiến đấu cơ đến Syria hay không còn phụ thuộc vào mức độ hoạt động của Mỹ ở Biển Đông cũng như bất cứ hành động nào của Washington và các đồng minh trong khu vực”, ông Meyssan nhận định.
Trung Quốc cũng có lý do riêng để tăng cường sự hiện diện quân sự trong cuộc khủng hoảng Syria. “Lợi ích của Trung Quốc ở Syria đã xuất hiện từ thời cổ xưa và Trung Cổ. Con đường tơ lụa nổi tiếng trải dài qua Trung Á, cắt ngang qua Palmyra và Damascus trước khi chuyển hướng tới Tyre and Antioch (ngày nay là Liban và Thổ Nhĩ Kỳ)”.
Hiện tại, dấu vết của con đường hợp tác thương mại cổ xưa hầu như biến mất. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đặt mục tiêu chính nhằm phục hồi lại tuyến đường liên kết này cũng như tạo ra con đường giao thương thứ hai qua Siberia và châu Âu.
Ngoài ra, Bắc Kinh quan tâm đến cuộc chiến chống một nhóm người Duy Ngô Nhĩ. Những người này nằm trong nhóm khủng bố Jaish al-Fatah, hoạt động ở Raqqa, Syria.
Những tổ chức khủng bố và nhóm ly khai ở phía tây Trung Quốc đã tiến hành nhiều vụ tấn công ở phía tây bắc tỉnh Tân Cương. Các nhóm này cũng hoạt động ở Syria cùng với Mặt trận Al-Nusra (gần đây mới đổi tên thành Jabhat Fateh al-Sham) và Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS).