Lý do thế giới phản ứng kém hiệu quả trước COVID-19

Sự kiện: Tin tức COVID-19

Tâm lý chủ quan, sự bất hợp tác của các nước lớn và vai trò mờ nhạt của WHO là những yếu tố chính khiến thế giới bị chậm đi đáng kể trong nỗ lực đẩy lùi dịch bệnh.

Lục đục giữa các nước lớn khiến thế giới gặp khó khăn trong nỗ lực chống dịch chung. Ảnh minh họa: REUTERS

Lục đục giữa các nước lớn khiến thế giới gặp khó khăn trong nỗ lực chống dịch chung. Ảnh minh họa: REUTERS

Hiện tại, toàn nhân loại nói chung đều đang phải đối mặt với dịch bệnh COVID-19 bởi tốc độ lây nhiễm chóng mặt và khả năng dẫn đến tử vong cho người bệnh. Mặc dù đã quan sát Bắc Kinh vật lộn với đại dịch suốt hai tháng liên tiếp, phần còn lại của thế giới vẫn lúng túng khi COVID-19 không còn giới hạn ở biên giới Trung Quốc (TQ) nữa.

Nhiều nước còn tâm lý chủ quan

Ngay thời điểm dịch bệnh càng lúc càng diễn biến nghiêm trọng ở TQ và tâm dịch Vũ Hán, người dân các nước châu Á đã tỏ ra vô cùng quan ngại. Đến hiện tại, khi dịch đã bùng phát mạnh ở nhiều nước châu Á thì từng ngày, từng giờ thông tin được cập nhật liên tục. Đa phần đều có chung tâm lý hoang mang, lo lắng, sợ sệt trước tình hình nguy cấp của dịch bệnh.

Trong khi đó, nhìn sang khu vực Âu Mỹ, tình cảnh lại hoàn toàn trái ngược. Các quốc gia Âu Mỹ luôn lạc quan và không mấy quan tâm đến sự việc này. Đối với họ, châu Á hay TQ là những khu vực nằm ở bên kia bán cầu và dịch bệnh sẽ không thể tràn đến lãnh thổ của họ.

Ngoài ra, hệ thống y tế phương Tây phát triển mạnh và là một dịch vụ thông thường được sử dụng. Người dân nhiều quốc gia được thăm khám sức khỏe tổng quát định kỳ, được khám chữa bệnh tại các cơ sở y tế một cách miễn phí. Nhờ đó, người dân tin tưởng vào hệ thống khám chữa bệnh tại đây và sẵn sàng đến ngay bệnh viện khi cần.

Trong khi TQ phong tỏa hàng chục tỉnh, thành, tất cả học sinh ở Mỹ vẫn đi học bình thường. Tại Ý, mọi người vẫn tụ tập rất đông đúc mà không đeo khẩu trang. Các nước phương Tây còn đánh giá TQ là quá khác biệt với mình về chính trị, xã hội, thậm chí là cả khía cạnh dân tộc nên họ đã cho rằng virus này không đáng được nhận sự quan tâm tức thời.

Chính tâm lý chủ quan này cuối cùng dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, trước hết là việc lãng phí hàng tháng trời mà không chuẩn bị các cơ sở y tế, bộ xét nghiệm và thiết bị bảo hộ. Khi dịch tiến triển quá nhanh, khu vực Âu Mỹ không còn lựa chọn nào khác mà phải tiến hành phong tỏa nhiều thành phố lớn, điều mà họ đã có thể hoàn toàn tránh được nếu phòng bị từ sớm.

Dù vậy, về phía TQ, chính chủ quan từ  một số cấp chính quyền trung ương lẫn địa phương cũng là nguồn cơn cho COVID-19 bùng phát đến mức không thể kiểm soát được như hiện nay. Cụ thể, từ cuối năm 2019, BS Lý Văn Lượng đã lên tiếng cảnh báo về một loại bệnh viêm phổi đang diễn biến xấu và nếu không ngăn chặn từ sớm sẽ lỡ mất cơ hội vàng. Ngay lập tức, chính quyền tỉnh Hồ Bắc đã buộc tội ông này gây rối trật tự công cộng vì phát tán thông tin trên, theo tờ The New York Times.

The New York Times tiếp tục phỏng vấn gần 20 bác sĩ, quan chức và người dân Vũ Hán rồi đi đến kết luận các quan chức địa phương đã tìm cách trì hoãn, không hành động ngay và cố tình trấn an dư luận bằng thông tin sai về tình hình dịch sau khi ca nhiễm đầu tiên được phát hiện.

Đến khi vụ việc đã vượt quá khả năng của chính quyền địa phương và đến tai cấp trung ương, Bí thư Thành ủy Vũ Hán Mã Quốc Cường đã phải xin lỗi công khai trên truyền hình về công tác yếu kém của lãnh đạo thành phố vào ngày 31-1. Đến đầu tháng 2, Bộ Chính trị TQ cũng đứng ra thừa nhận sai lầm và hứa hẹn đẩy mạnh nỗ lực chống dịch.

Các nước không đoàn kết chống dịch

Trả lời phỏng vấn của đài CNN ngày 29-3, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã lên án việc Mỹ và TQ chơi trò đổ lỗi lẫn nhau về đại dịch COVID-19 trong nhiều tuần qua và nói “như thế sẽ không giúp chúng ta giải quyết vấn đề sớm hơn”.

“Nếu Mỹ và TQ tiếp tục lời qua tiếng lại và đổ lỗi cho nhau về việc ai là bên tạo ra virus này và thả nó ra ngoài thế giới, tôi không nghĩ điều đó có thể giúp chúng ta giải quyết vấn đề sớm hơn” - ông Lý Hiển Long tuyên bố, đồng thời cảnh báo các nước có thể tìm đến nơi khác nếu không có sự lãnh đạo rõ ràng của Mỹ trong cuộc chiến chống virus.

Được biết, mỗi khi các bệnh truyền nhiễm bùng phát, những cơ hội hợp tác quốc tế cũng xuất hiện. Thời kỳ Chiến tranh lạnh, các nhà khoa học của Liên Xô (cũ) và Mỹ đã cùng nhau phát triển và cải tiến một loại vaccine bại liệt. Thế nhưng mối quan hệ Mỹ, Trung dưới thời Tổng thống Donald Trump đã căng thẳng trước COVID-19. Theo tờ The Atlantic, bài học về dịch bệnh lần này không phải là Mỹ nên ngừng hợp tác với TQ, mà đó là Mỹ cần phải xây dựng lại hợp tác y tế vốn đã bị phá hủy trước đó.

Thế nhưng, cuộc khẩu chiến không khoan nhượng giữa Mỹ và TQ về nguyên nhân dẫn đến dịch COVID-19, trong đó đỉnh điểm là việc Tổng thống Donald Trump cùng các quan chức của ông gọi virus Corona chủng mới là virus TQ đã lại làm cho quan hệ ngoại giao vốn dĩ căng thẳng giữa hai nước này lại càng nóng hơn.

Sau khi liên tiếp lời qua tiếng lại, tới ngày 27-3, ông Trump đã nói rằng hai nước đang tiến hành hợp tác chặt chẽ để ứng phó với dịch bệnh. Chủ tịch Tập Cận Bình cũng cho biết TQ sẽ hỗ trợ nước Mỹ nhưng cũng kêu gọi Washington thực hiện các bước cụ thể để thúc đẩy hợp tác. Dù vậy, mối quan hệ căng thẳng giữa hai nước đều khiến người ta hoài nghi về việc liệu hai bên có thực sự duy trì sự phối hợp này trong lâu dài.

Về phía Mỹ, vai trò lãnh đạo thế giới của nước này dưới thời Tổng thống Donald Trump đã suy giảm rõ rệt. Đúng theo tinh thần “nước Mỹ trên hết”, ông Trump liên tục rút Mỹ khỏi hàng loạt tổ chức và thỏa thuận đa phương. Tình hình đại dịch COVID-19 hiện nay là mối đe dọa cho toàn nhân loại và rất cần một cường quốc đứng ra chỉ đạo, phối hợp và thống nhất nỗ lực chống dịch chung. Trong lịch sử, Mỹ trước đây luôn đảm đương vị trí này nhưng nước Mỹ của ông Trump là một câu chuyện hoàn toàn khác.

Tính đến 21 giờ ngày 31-3, trang thống kê Worldometer dẫn nguồn cơ quan y tế các nước ghi nhận toàn cầu có 39.040 người tử vong vì COVID-19, 803.541 ca nhiễm. Đại dịch đã lan ra hơn 201 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đến nay, 172.426 bệnh nhân đã xuất viện sau khi điều trị thành công. 

WHO không phát huy hiệu quả

Trong mắt giới quan sát, đại dịch COVID-19 đã đặt ra câu hỏi về năng lực của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) trong khi phải ứng phó với những cuộc khủng hoảng mang tầm quốc tế. Theo GS Anne-Marie Moulin thuộc ĐH Quốc gia Pháp, vị thế của WHO khiến tổ chức này bị phân tâm giữa một bên là đòi hỏi thận trọng về mặt ngoại giao và bên kia là mục tiêu hướng đến hiệu quả, đưa ra các cảnh báo dịch bệnh mang ý nghĩa biểu tượng. Trong nhiều thập niên chiến đấu với các dịch bệnh đã qua, WHO hiếm khi phải xử lý dịch bệnh liên quan tới một quốc gia có vị thế mạnh cả về kinh tế lẫn chính trị như TQ.

Phải chịu sức ép quá lớn từ phía giới lãnh đạo Bắc Kinh, WHO do đó không thể phát huy hiệu quả vai trò là tổ chức lĩnh xướng một phản ứng toàn cầu với các dịch bệnh, đảm bảo duy trì các nguyên tắc quản lý y tế quốc tế. Các chuyên gia cho rằng bằng việc ca ngợi thái quá phản ứng của TQ với dịch COVID-19, WHO đang làm tổn hại những tiêu chuẩn phản ứng với dịch bệnh của tổ chức này, làm xói mòn vị thế cũng như chức năng mà tổ chức này được giao phó, đồng thời cũng phát đi thông điệp sai lầm đến các nước có thể phải đối mặt với những dịch bệnh khác trong tương lai.

“Thông điệp của WHO là đừng làm ai hoảng sợ, hãy cứ đi lại, hãy cứ mở cửa biên giới và rồi nói rằng chúng tôi ủng hộ chính phủ TQ là một thông điệp lộn xộn” - GS thuộc ĐH Simon Fraser (Canada) Kelley Lee nói.

Tiềm năng hợp tác Mỹ, Trung chống dịch COVID-19

Sự bùng phát COVID-19 đã “tạo ra một cơ hội hoàn hảo” cho Washington và Bắc Kinh để vượt lên trên sự khác biệt của họ và cùng nhau giải quyết một mối đe dọa chung, theo tạp chí Foreign Affairs.

Hai nước có thể đã chung tay hỗ trợ WHO trong việc điều phối phản ứng quốc tế đối với đại dịch. Các chuyên gia từ Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ có thể đã giúp TQ điều tra nguồn gốc và bản chất của virus, tại thời điểm các đối tác TQ của họ cần chuyên môn chuyên sâu hơn trong lĩnh vực này. Là một nhà sản xuất và xuất khẩu hàng đầu về dược phẩm, TQ có thể đã hợp tác chặt chẽ với Mỹ để giảm thiểu sự gián đoạn của chuỗi cung ứng thuốc. Cả hai quốc gia đều có năng lực mạnh mẽ để sản xuất vaccine...

Với những tiềm năng hợp tác như vậy, kết hợp với thỏa thuận thương mại giai đoạn một mà hai nước ký trong tháng 1-2020 sẽ làm dịu căng thẳng và khơi dậy mối quan hệ hợp tác vốn đã bị rạn nứt bởi chiến tranh thương mại và sự cạnh tranh chiến lược trong suốt thời gian qua. 

Nguồn: [Link nguồn]

Vừa khỏi Covid-19, giáo sư Hàn Quốc phải đối mặt ”cuộc chiến mới”

25 ngày kể từ khi có kết quả xét nghiệm âm tính với Covid-19 lần thứ 2, một giáo sư thuộc Đại học quốc gia Busan của...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo VĨ CƯỜNG ([Tên nguồn])
Tin tức COVID-19 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN