Lý do Serbia mua hệ thống tên lửa Trung Quốc thay vì của Nga

Sự kiện: Tin tức Trung Quốc

Việc Serbia mua hệ thống tên lửa FK-3 của Trung Quốc cho thấy nước này đang xích lại gần Bắc Kinh hơn và trong tương lai gần có thể tự tạo khoảng cách với Nga hơn nữa.

Hôm 10-4, Trung Quốc chuyển giao hệ thống tên lửa đất đối không HQ-22 (FK-3) cho quân đội Serbia – quốc gia liên tục được truyền thông phương Tây mô tả là đồng minh của Nga.

Serbia - quốc gia châu Âu đầu tiên vận hành tên lửa Trung Quốc

FK-3 là phiên bản xuất khẩu của HQ-22 được so sánh với hệ thống tên lửa đất đối không S-300 của Nga và hệ thống phòng không Patriot của Mỹ.

Việc Serbia mua hệ thống phòng không tinh vi FK-3 của Trung Quốc cũng như mua các máy bay không người lái của Trung Quốc năm 2020 cho thấy Belgrade muốn thắt chặt quan hệ với Bắc Kinh.

Giờ đây Serbia sẽ là quốc gia đầu tiên tại châu Âu vận hành tên lửa Trung Quốc. Điều này có lẽ cũng không quá ngạc nhiên vì đây cũng là quốc gia châu Âu đầu tiên mua vaccine COVID-19 của Trung Quốc vào năm 2021.

Hệ thống tên lửa HQ-22/FK-3 của Trung Quốc. Ảnh: China's Ministry of National Defense

Hệ thống tên lửa HQ-22/FK-3 của Trung Quốc. Ảnh: China's Ministry of National Defense

Mỹ sẽ phản ứng thế nào trước việc Serbia hợp tác quân sự với Trung Quốc?

Serbia ban đầu có kế hoạch mua hệ thống phòng không của Nga.

Năm 2019, Mỹ cảnh báo Serbia về khả năng mua hệ thống phòng không của Nga.

“Chúng tôi hy vọng các đối tác Serbia của chúng tôi sẽ cẩn trọng và cẩn thận về bất kỳ giao dịch nào như vậy” – ông Matthew Palmer, đặc phái viên Mỹ tại khu vực Balkan nói.

Serbia dĩ nhiên hiểu được thông điệp đó. Kết quả nước này đã chọn mua hệ thống phòng không của Trung Quốc thay vì của Nga.

Năm 2020, sau khi Trung Quốc và Serbia thỏa thuận về việc chuyển giao FK-3, Đại sứ quán Mỹ tại Belgrade nhấn mạnh rằng việc mua thiết bị quân sự là quyết định mang tính chủ quyền của mỗi quốc gia nhưng các chính phủ cần lưu ý về các rủi ro ngắn hạn và dài hạn cũng như cái giá của việc làm ăn với các công ty Trung Quốc.

Việc các máy bay Trung Quốc chở vũ khí tới Serbia được phép bay qua không phận các nước NATO như Thổ Nhĩ Kỳ và Bulgaria cho thấy việc Serbia mua tên lửa FK-3 ít nhất đã được Mỹ ngầm chấp thuận.

Hiện Nga đang tìm cách mua UAV Bayraktar của Thổ Nhĩ Kỳ cũng như mua tiêm kích đa nhiệm Rafale của Pháp.

Chính sách đối ngoại “đa vector” của Serbia

Serbia, từng tuyên bố trung lập về quân sự năm 2017, đang cố gắng tăng cường khả năng quân sự bởi vì không như các nước láng giềng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nước này không thể dựa vào sự hỗ trợ từ khối liên minh do Mỹ dẫn đầu này.

Đồng thời, Các lực lượng vũ trang Serbia vẫn liên hệ chặt chẽ với Vệ binh quốc gia Ohio, trong khi đó các báo cáo cho hay Mỹ là nước tài trợ quân sự lớn nhất của Serbia.

Điều quan trọng hơn là quân đội Serbia đã tiến hành tập trận quân sự với các quốc gia thành viên NATO nhiều hơn là với quân đội Nga. Thậm chí ông Palmer còn cho rằng mối quan hệ của quân đội Mỹ với Serbia quan trọng hơn quan hệ Nga-Serbia.

Năm 2019, Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic nói rằng vì là một quốc gia nhỏ bé vây quanh là các nước thành viên NATO, nước này sẽ không bao giờ cho phép để xảy ra tình trạng vô trách nhiệm như trong những năm 1990.

Trong những năm 1990, Serbia đã chống lại cả NATO lẫn các đồng minh của nước này trong khu vực. Cho đến hiện nay, nhiều thập niên sau cuộc xung đột đó, khả năng điều động chiến lược của quốc gia vùng Balkan này vẫn còn khá hạn chế.

Phụ thuộc nhiều vào phương Tây trong nhiều khía cạnh khác nhau và có mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với Liên minh châu Âu (EU), Serbia vẫn chưa thể đạt được thế cân bằng giữa Nga và phương Tây. Đó là lý do trước áp lực của các cường quốc phương Tây gần đây Serbia đã bỏ phiếu ủng hộ việc trục xuất Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc.

Dù thế truyền thông phương Tây tiếp tục mô tả Serbia là đồng minh của Nga.

Phản ứng của Điện Kremlin trước việc Serbia bỏ phiếu ủng hộ trục xuất Nga khỏi Hội đồng nhân quyền Liên Hợp Quốc khá yếu ớt.

“Đó không phải là vấn đề hiểu và tha thứ cho các quốc gia thân thiện đã bỏ phiếu “đồng ý”. Đó là vấn đề về sức ép chưa từng có nhằm kích động thái độ bài Nga. Tất cả quốc gia đang cố gắng chịu áp lực như vậy bằng mọi cách để theo đuổi chính sách cân bằng. Chúng tôi hiểu điều đó” – người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói.

Có thể thấy trước tuyên bố như vậy từ phía Nga, Serbia ít có khả năng chịu bất cứ hậu quả nào từ quyết định đứng về phương Tây chống lại Nga.

14 năm qua, Nga đã bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Serbia bằng việc ngăn Kosovo gia nhập Liên Hợp Quốc.

Kosovo là vùng lãnh thổ đơn phương tuyên bố độc lập khỏi Serbia năm 2008 và được hầu hết các nước phương Tây công nhận.

Truyền thông phương Tây cho rằng Serbia, được Nga và Trung Quốc cấp vũ khí, có thể phát động một cuộc chiến tranh mới chống lại Kosovo.

Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic (bên trái, ở giữa) tham dự lễ động thổ một tuyến đường do Trung Quốc xây dựng ở Pozarevac (Serbia) tháng 11-2021. Ảnh: Wang Wei/Tân Hoa Xã

Tổng thống Serbia Aleksandar Vucic (bên trái, ở giữa) tham dự lễ động thổ một tuyến đường do Trung Quốc xây dựng ở Pozarevac (Serbia) tháng 11-2021. Ảnh: Wang Wei/Tân Hoa Xã

Tuy nhiên việc phát động chiến tranh chống lại Kosovo là điều khó xảy ra, đặc biệt là trong bối cảnh Kosovo có một căn cứ rộng lớn của Mỹ và khoảng 3.600 binh sĩ NATO vẫn đồn trú ở đó.

Theo các nhà quan sát, Serbia sẽ không vội vã tham gia các lệnh trừng phạt chống Nga, dù khả năng trong tương lai gần Belgrade có thể sẽ xa rời Moscow hơn.

Tuy nhiên, điều đó không hoàn toàn đồng nghĩa rằng Serbia sẽ xích lại gần phương Tây, ít nhất là không phải ở giai đoạn đầu của một cuộc Chiến tranh Lạnh mới.

Về phần mình, Trung Quốc có ý định tăng cường hiện diện tại quốc gia Balkan này, nơi Bắc Kinh tham gia nhiều vào các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng khác nhau. Đồng thời Trung Quốc dường như muốn tăng cường ảnh hưởng chính trị ở Serbia.

Sau khi chuyển giao vũ khí cho Serbia, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị nhấn mạnh rằng Trung Quốc ủng hộ Serbia trong việc bảo vệ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lòng tự tôn quốc gia.

Theo Asia Times, cần phải xem liệu Serbia có bắt đầu chủ động hơn với Trung Quốc trong nỗ lực duy trì chính sách đối ngoại “đa vector” của mình hay không thì mới có thể nhận định rõ hơn về lập trường của quốc gia vùng Balkan này.

Nguồn: [Link nguồn]

Sự nguy hiểm của tên lửa TQ mới thử nghiệm

Các nhà quan sát quân sự cho rằng, tên lửa mới của Trung Quốc có thể được sử dụng để đối phó với Đài Loan, Mỹ và Nhật Bản. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tri Túc ([Tên nguồn])
Tin tức Trung Quốc Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN