Lý do rồng đóng vai trò trung tâm trong lịch sử và tín ngưỡng ở Trung Quốc
Rồng là sinh vật thần thoại được cho là tượng trưng cho sức mạnh, trí tuệ và sự uy nghiêm. Không có nền văn hóa nào mà hình tượng rồng lại có ý nghĩa và có ảnh hưởng sâu sắc suốt ngàn năm như ở Trung Quốc.
Rồng là sinh vật thần thoại theo quan niệm tín ngưỡng Trung Quốc.
Rồng Trung Quốc là sinh vật tương đương với thần thánh, được tôn thờ và được cho là có mối liên hệ mật thiết với thế giới tự nhiên. Trong khi đó, rồng phương Tây chỉ là những con thú to lớn có thể bị con người khuất phục, theo trang History Skills.
Quan niệm về rồng ở Trung Quốc
Nguồn gốc của rồng Trung Quốc cũng cổ xưa như nền văn hóa Trung Hoa, với những mô tả sớm nhất có từ thời kỳ đồ đá mới (10.000 TCN – 2.200 TCN). Các nhà khảo cổ tìm thấy đồ gốm, đồ tạo tác bằng ngọc bích và bình đồng được khắc hình rồng.
Trong thời kỳ đồ đá mới, rồng Trung Quốc được phác họa là một sinh vật huyền thoại kết hợp từ nhiều sinh vật khác, gồm có đầu lạc đà, sừng nai, mắt thỏ, tai trâu, cổ rắn, bụng ếch, vẩy cá chép, móng vuốt chim ưng, lòng bàn chân cọp.
Theo quan niệm ở Trung Quốc, sự kết hợp các đặc điểm của nhiều loài động vật khác nhau cho thấy rồng được coi là biểu tượng cho sức mạnh và sự tổng hợp của thế giới tự nhiên.
Rồng trong văn hóa Trung Quốc là biểu tượng có ý nghĩa sâu sắc, thể hiện nhiều phẩm chất và khái niệm phản ánh các giá trị và thế giới quan của xã hội.
Không giống như những con rồng trong thần thoại phương Tây thường gắn liền với cái ác và sự hỗn loạn, rồng Trung Quốc được tôn sùng như sinh vật uy nghiêm và đại diện cho sự thịnh vượng.
Rồng ở Trung Quốc cũng thường được phác họa với vẻ ngoài cuộn tròn, tượng trưng cho tính chất năng động và không ngừng thay đổi của cuộc sống.
Theo thời gian, hình tượng rồng ngày càng được cách điệu và trở nên chuẩn mực hơn. Vào thời nhà Hán (206 TCN – 220) rồng được gắn liền với biểu tượng của quyền lực.
Rồng trong lịch sử phong kiến Trung Quốc
Là biểu tượng của quyền lực, sức mạnh và uy quyền, rồng gắn liền mật thiết với hoàng đế, người cai trị tối cao trong lịch sử phong kiến Trung Quốc.
Con rồng đã trở thành biểu tượng của hoàng đế kể từ thời nhà Hán và điều này được nối tiếp cho đến triều đại cuối cùng là nhà Thanh.
Các hoàng đế Trung Quốc được gọi một cách ẩn dụ là "long" (rồng). Ngai vàng của hoàng đế được gọi là long ngai (ngai rồng). Áo choàng dát vàng của hoàng đế thường được thêu tinh xảo với họa tiết rồng nên được gọi là long bào (áo rồng).
Trải qua các thời kỳ lịch sử, rồng Trung Quốc được phác họa theo hình thái khác nhau.
Hình ảnh rồng cũng được đưa vào ấn tín của hoàng đế và các phù hiệu khác trong hoàng gia.
Rồng hoàng gia thường được miêu tả là rồng có năm móng, để phân biệt với rồng bốn móng thuộc về giới quý tộc và rồng ba móng thông thường.
Sự khác biệt về số lượng móng vuốt cũng tượng trưng cho thứ bậc của xã hội Trung Quốc thời phong kiến và địa vị tối cao của hoàng đế.
Rồng cũng là hình tượng trung tâm trong kiến trúc hoàng gia. Tử Cấm Thành ở Bắc Kinh, cung điện hoàng gia của triều đại nhà Minh và nhà Thanh, có rất nhiều họa tiết hình rồng.
Rồng tô điểm cho cổng, tường, cột và mái nhà, tượng trưng cho uy quyền và sự bảo vệ của triều đình.
Bức tường Cửu Long tại lối vào Tử Cấm Thành - một bức tường lớn có hình chín con rồng khác nhau – là ví dụ điển hình về việc sử dụng hình ảnh rồng trong kiến trúc hoàng gia.
Hoàng hậu Trung Hoa thời phong kiến thường gắn liền với hình tượng của phượng. Rồng và phượng tượng trưng cho sự hòa hợp trong hôn nhân và sự cân bằng giữa âm và dương.
Truyền thuyết nổi tiếng liên quan đến rồng ở Trung Quốc
Rồng giữ một vị trí nổi bật trong văn hóa dân gian và truyền thuyết Trung Quốc, thường đóng vai trò là trung tâm hoặc biểu tượng quyền lực.
Những câu chuyện này, được truyền qua nhiều thế hệ, minh họa rõ hơn về tầm quan trọng của rồng trong văn hóa Trung Quốc.
Trong suốt thời kỳ phong kiến, rồng được coi là đại diện cho sự thống trị, là hình tượng của hoàng đế Trung Hoa.
Một trong những truyền thuyết về rồng nổi tiếng nhất là câu chuyện về Ngọc Hoàng, là chủ của vạn vật trong quan niệm tín ngưỡng Trung Quốc và một số quốc gia khác. Theo ghi chép trong cuốn “cao thượng Ngọc Hoàng bản hành tập kinh”, thời xa xưa có một quốc gia là Quang Nghiêm Diệu Lạc, quốc vương là Tịnh Đức.
Hai vợ chồng nhà vua mãi không có con nối dõi. Vua Tịnh Đức trong lòng thầm nghĩ: “Ta ngày một già yếu, lại không có thái tử kế thừa vương vị, sau này xã tắc không có người có thể phó thác, làm thế nào đây?”
Thế là nhà vua mời đạo sĩ vào cung, suốt nửa năm thành kính cầu nguyện. Một đêm nọ, vương hậu Bảo Nguyệt Quang bỗng nhiên mơ thấy Thái Thượng Lão Quân bế một đứa trẻ, ngồi xe rồng, thân phát ánh hào quang, từ trên trời giáng hạ. Vương hậu cung kính lễ bái, nói với Thái Thượng Lão Quân rằng: “Đức vua mãi không có con trai nối dõi, xin ban cho đứa trẻ này để làm chủ xã tắc”. Thái Thượng Lão Quân nói: “Như nguyện vọng của vương hậu”.
Sau khi tỉnh dậy, vương hậu thấy mình có thai và đúng ngày sinh hạ thái tử. Thái tử từ nhỏ đã thông tuệ hơn người. Sau khi trưởng thành, Thái tử đã phò tá nhà vua trị quốc. Sau khi vua cha băng hà, thái tử cảm thấy đời người khổ và ngắn ngủi, bèn nhường ngôi rồi hành nghề y chữa bệnh, xả thân cứu người. Trải qua 3.200 kiếp, thái tử được thăng trở thành tiên. Sau này, để cứu độ chúng sinh, ông lại trải qua vô số kiếp nạn, được mọi người và thần tiên kính mến, tôn làm Ngọc Hoàng Thượng đế, cai quản Tam giới.
Truyền thuyết nổi tiếng khác liên quan đến rồng là Long Vương - tên gọi chung cho các vị thần cai quản các vùng biển và đại dương trong thần thoại Trung Hoa và một số quốc gia khác. Người Trung Hoa cho rằng có Tứ hải Long Vương, bao gồm: Đông Hải Long Vương - Ngao Quảng; Tây Hải Long Vương - Ngao Nhuận; Nam Hải Long Vương - Ngao Khâm; Bắc Hải Long Vương - Ngao Thuận.
Long Vương có thể điều khiển thời tiết và thường được con người cầu mong mưa thuận gió hòa mưa trong thời kỳ hạn hán.
Rồng cũng xuất hiện trong truyền thuyết về Tôn Ngộ Không - nhân vật nổi tiếng trong thần thoại Trung Quốc.
Trong một câu chuyện, Ngộ Không đã đánh cắp cây trượng ma thuật của Long Vương. Điều này làm rõ hơn mối liên hệ của rồng với sức mạnh và phép thuật.
Trong câu chuyện về Bạch Xà, con rắn biến thành một thiếu nữ xinh đẹp. Nó yêu một người đàn ông phàm trần, nhưng mối quan hệ nà bị một nhà sư phản đối. Trong trận chiến, Bạch Xà gọi Long Vương tới giúp sức, gây ra lũ lụt.
Rồng cũng xuất hiện trong nhiều câu tục ngữ và thành ngữ Trung Quốc Ví dụ câu “mong con sau này trở thành rồng” thể hiện sự kỳ vọng cao độ của cha mẹ vào sự thành công của con con cái.
Nguồn: [Link nguồn]
Năm 1996 và 2024 đều là năm nhuận và bắt đầu vào thứ Hai, khiến lịch của hai năm này hoàn toàn trùng khớp. Nhưng đây không phải là lý do duy nhất khiến một bộ phận người Trung Quốc đổ xô đi mua lịch sản xuất cho năm 1996.