Lý do phương Tây "thất thủ" trước dịch Covid-19?
Trong giai đoạn Covid-19 lây lan rộng khắp trên thế giới, người dân phương Tây vẫn bình thản ra đường, tham gia các hoạt động leo núi, đạp xe, tắm biển mà không ý thức được những rủi ro.
Theo CNN, Italia đã phong tỏa toàn quốc từ ngày 12.3 nhưng điều đó không thể ngăn người dân tìm cách ra đường vì những lý do khác nhau. Tuần trước, quân đội đã được huy động để giúp nhà chức trách đảm bảo an ninh. Những người vi phạm ở Italia bị phạt tới 232 USD và có thể ngồi tù 6 tháng.
Cảnh tượng người dân London, New York thoải mái tụ tập ở công viên dịp cuối tuần dù chính quyền khuyên ở nhà cho thấy người dân phương Tây không có ý thức phòng dịch như ở Trung Quốc.
Kết quả là Thủ tướng Anh Boris Johnson sau nhiều ngày cân nhắc đã phải ban hành lệnh phong tỏa toàn quốc. Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock nói những người không tuân thủ khuyến nghị của chính phủ về việc cách ly xã hội là “ích kỷ”.
Người dân ở London vô tư ra công viên tụ tập khiến Thủ tướng phải ban bố lệnh phong tỏa toàn quốc.
Thống đốc bang New York Andrew Cuomo viện dẫn việc ông đến thị sát thành phố New York và thấy người dân vẫn vô tư ra công viên vui chơi. Ông cho rằng hành động này là “sai lầm”, “vô cảm”.
Nick Chater, Giáo sư khoa học hành vi tại trường kinh doanh Warwick, nói trên CNN rằng các nhà lãnh đạo phương Tây đang đưa ra “thông điệp trái chiều”.
“Khi mọi người được khuyên làm điều gì đó, tôi nghĩ rằng không thể coi đó là điều bắt buộc và phải làm”, ông Chater nói. “Thông điệp như vậy khiến mọi người nghĩ rằng vấn đề không quan trọng. Ngược với việc mọi người phải dừng xe trước đèn đỏ, nếu không sẽ vi phạm luật giao thông”.
Ông Chater cho rằng vấn đề nằm ở việc các chính phủ phương Tây không cương quyết ban hành lệnh phong tỏa toàn diện như ở Trung Quốc. Ngay cả ở Italia, Anh hay Pháp, lệnh phong tỏa được ban hành một cách miễn cưỡng, người dân vẫn thoải mái ra ngoài chỉ cần nêu lý do chính đáng.
Ông Chater cho rằng những lời chỉ trích của giới lãnh đạo phương Tây là chưa đủ để thể hiện tầm quan trọng của việc ngăn ngừa Covid-19. “Đây là vấn đề thất bại trong tương tác”, ông nói. “Hãy nhìn Trung Quốc, Hàn Quốc, các biện pháp chống dịch được thực hiện nhanh và quyết liệt và có kết quả ngay lập tức”.
“Ở Trung Quốc, yếu tố chính là phong tỏa toàn diện, đường phố thậm chí còn không một bóng người”, ông Chater nói. “Ở Hàn Quốc, người dân được thoải mái hơn nhưng Hàn Quốc xét nghiệm trên quy mô lớn và rất nhanh. Có lẽ giải pháp hiệu quả với phương Tây là kết hợp cả hai”.
Cuối cùng, giáo sư Chater cho rằng nếu các nhà lãnh đạo phương Tây muốn người dân tuân thủ để kiểm soát dịch càng nhanh càng tốt thì họ phải đưa ra biện pháp “bắt buộc”, trước khi quá muộn.
Bộ Y tế khuyến cáo về việc cách ly, theo dõi sức khỏe trong phòng chống Covid-19: - Đối với những người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Phải cách ly ngay tại cơ sở y tế trong vòng 14 ngày, đồng thời lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Đối với người tiếp xúc với người tiếp xúc gần với bệnh nhân dương tính với Covid-19: Cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú, cư trú trong vòng 14 ngày và thông báo với chính quyền cơ sở (phường, xã, thị trấn) và phải theo dõi chặt chẽ tình hình sức khỏe. Nếu thấy có biểu hiện sốt, ho, hắt hơi, sổ mũi, mệt mỏi, ớn lạnh hoặc khó thở thì lập tức cho cách ly ngay tại cơ sở y tế và lấy mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm. - Thường xuyên đeo khẩu trang, che miệng khi ho, hắt hơi. - Rửa tay bằng xà phòng liên tục để tránh nguy cơ lây truyền bệnh cho những người khác. - Chia sẻ lịch trình di chuyển của bản thân với nhân viên y tế. - Gọi ngay đến đường dây nóng thông báo thông tin: 19003228 và 19009095. |
Một phụ nữ 39 tuổi ở Mỹ đã đột ngột qua đời bởi các triệu chứng của Covid-19, trước cả khi kết quả xét nghiệm...
Nguồn: [Link nguồn]