Lý do Nga khôi phục “đoàn tàu ma” khiến phương Tây lo sợ
Việc Nga gần đây thử nghiệm thành công hệ thống đoàn tàu tên lửa Barguzin dường như đang khiến phương Tây hết sức lo ngại, về viễn cảnh Chiến tranh Lạnh có thể lặp lại.
Theo Sputnik, thử nghiệm diễn ra ở sân bay vũ trụ Plesetsk hồi đầu tháng 11, mở đường cho các cuộc phóng thử tên lửa toàn diện hơn trong tương lai.
“Vụ thử tên lửa được tiến hành để kiểm tra xem hệ thống có hoạt động hay không. Việc phát triển tên lửa và đặt ống phóng trong container đã diễn ra từ nhiều năm trước”, nhà phân tích quốc phòng Nga Victor Murakhovsky nói trên Sputnik.
Thử nghiệm đánh dấu việc Nga chính thức khôi phục dự án đoàn tàu hạt nhân từ thời Liên Xô. Năm 1987, Liên Xô đã quyết định đặt các tên lửa hạt nhân trên mạng lưới đường sắt, tận dụng ưu thế để che dấu vũ khí chiến lược khỏi vệ tinh trinh sát đối phương.
Mỗi đoàn tàu hạt nhân Liên Xô được trang bị 3 tên tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) RT-23 Molodets (SS-24 Scalpel), với khả năng mang theo 10 đầu đạn. Nhìn từ vũ trụ, đoàn tàu trông giống như chiếc xe đông lạnh thông thường.
Theo hiệp ước START II, Nga loại bỏ hoàn toàn đoàn tàu này vào năm 2007. Dự án mới mang tên “Barguzin” không vi phạm thỏa thuận này hay vượt qua sức mạnh của hệ thống đoàn tàu hạt nhân từ thời Liên xô.
Các tên lửa RS-22 được lắp đặt vào bệ phóng.
Trong khi đó, mỗi đoàn tàu hạt nhân Barguzin được trang bị 6 ICBM RS-24 Yars(phiên bản phóng đi từ mặt đất của tên lửa Bulava).
Cách hoạt động của đoàn tàu hạt nhân về cơ bản giống như tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân. Hệ thống được chế tạo vững chắc đến mức chịu được sóng xung kích từ vụ nổ hạt nhân cách đó vài trăm mét.
Đoàn tàu có thể vận hành tự động trong nhiều tháng, di chuyển tới 1.000 km mỗi ngày. Hệ thống dự kiến chính thức được biên chế trong quân đội vào năm 2018. 5 trung đoàn Barguzin sẽ có mặt trong Lực lượng Tên lửa Chiến lược Nga vào năm 2020.
Bình luận về vụ thử tên lửa, trang mạng Đức Welt.de và tạp chí Stern gọi đây là cơn “ác mộng”. Báo Đức cho rằng, việc nga khôi phục “đoàn tàu ma” là để đáp trả cái mà Moscow coi là “phương Tây vượt giới hạn đỏ” ở Đông Âu, sát biên giới Nga. NATO hiện đang tăng cường năng lực quân sự ở Đông Âu và các quốc gia vùng Baltic.
Đoàn tàu hạt nhân từ thời Liên xô nay được trưng bày tại bảo tàng ở St. Petersburg, Nga.
Nhà phân tích quân sự Nga Vasily Sychev nhận định, hệ thống Barguzin xuất hiện nhằm đáp trả dự án “Đòn tấn công chớp nhoáng toàn cầu” (PGS). Mỹ có thể tấn công phủ đầu đối phương bằng vũ khí siêu thanh một cách chính xác trong vòng 1 giờ.
Năm 2014, ông Putin đề cập đến PGS là một trong những mối đe dọa mới mà Nga phải đối mặt, cùng với hệ thống phòng thủ mặt đất của Mỹ ở Alaska, hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis ở châu Âu và việc NATO tăng cường hoạt động ở Đông Âu.
Với tầm bắn của các tên lửa RS-24 Yars lên tới 10.000 km, mang đầu đạn 250 kT, đoàn tàu hạt nhân Barguzin có thể tấn công mọi mục tiêu chiến lược ở phương Tây. Tuy nhiên, đoàn tàu sẽ chỉ hoạt động được trong lãnh thổ Nga vì hệ thống đường ray Nga lớn hơn so với châu Âu.
Đối với Nga, việc xây dựng đường ray có kích thước khác biệt cũng mang yếu tố quân sự chiến lược. Đối phương sẽ không thể tận dụng cơ hội để nhanh chóng đưa quân và trang thiết bị quân sự vào lãnh thổ Nga qua mạng lưới đường sắt.