Lý do Mỹ không dồn Huawei đến đường cùng

Mặc dù có một số chính khách ở Washington muốn dồn Huawei vào đường cùng nhưng việc này hoàn toàn không mang lại lợi ích cho Mỹ.

Lý do Mỹ không dồn Huawei đến đường cùng - 1

Hình ảnh logo của Tập đoàn Huawei trên nền cờ Mỹ. Ảnh: REUTERS

Trong tháng qua, Washington và một số tập đoàn khổng lồ của Mỹ đã đưa ra những cú đánh gây choáng váng cho nhà sản xuất điện thoại thông minh lớn thứ hai thế giới là Huawei của Trung Quốc (TQ). Nếu các lệnh cấm tiếp tục được mở rộng đối với nhiều công ty TQ khác, việc kiểm soát xuất khẩu sẽ gây thiệt hại không những cho doanh nghiệp hai nước mà còn cả quốc tế. Về lâu dài, họ có thể chia thế giới thành hai khối công nghệ không tương thích với những hậu quả khôn lường cho mối quan hệ toàn cầu trong tương lai.

Lệnh cấm và bản án tử

Tổng thống Mỹ Donald Trump ban sắc lệnh cấm sản phẩm của Huawei vào Mỹ và Bộ Thương mại Mỹ đưa Huawei vào danh sách đen thương mại. Sau đó, công ty công nghệ Google thuộc Tập đoàn Alphabet Inc (Mỹ) tuyên bố loại Huawei khỏi danh sách cập nhật hệ điều hành Android. Sau bước đi của Google, hàng loạt nhà sản xuất vi mạch xử lý (chip) của Mỹ - Intel Corp., Qualcomm Inc., Xilinx Inc., Broadcom Inc. - cũng ngưng hợp tác với Huawei, theo hãng tin Bloomberg. Mới đây, đại gia bán hàng trực tuyến khổng lồ Amazon (Mỹ) chi nhánh tại Nhật Bản quyết định ngừng phân phối trực tiếp các sản phẩm của Huawei.

Theo tờ South China Morning Post, nếu Washington thực hiện và duy trì nghiêm ngặt việc cấm các công ty công nghệ Mỹ giao thương với Huawei, đó sẽ là một bản án tử dành cho nhà cung cấp viễn thông lớn nhất thế giới này.

Thiết bị và điện thoại thông minh Huawei phụ thuộc rất nhiều vào thành phần nhập từ Mỹ, đáng chú ý là chất bán dẫn và phần mềm. Một số thành phần này không thể dễ dàng được thay thế bởi các bộ phận từ nước khác. Ở những nước như Hàn Quốc và Nhật Bản, các sản phẩm có thể thay thế thường được sản xuất sử dụng sáng chế của Mỹ. Điều này có nghĩa là những doanh nghiệp đó sẽ chịu các hình phạt của Mỹ nếu họ giao dịch với Huawei. Vì thế, hai tập đoàn điện tử Panasonic và Hitachi đã tạm dừng giao các lô hàng linh kiện chính cho công ty TQ tuần qua.

Có thông tin cho rằng Huawei sẽ sống sót”nhờ vào công ty bán dẫn của riêng mình là HiSilicon để không phụ thuộc vào linh kiện của Mỹ. Tuy nhiên, các sản phẩm của HiSilicon lại phụ thuộc vào thiết kế nước ngoài. Ví dụ, hệ thống chip của HiSilicon sử dụng bộ xử lý được thiết kế bởi hãng ARM, một công ty Anh nhưng quan hệ rất chặt chẽ với Apple (Mỹ). Các thiết kế của ARM chứa tài sản trí tuệ của Mỹ nên công ty này cũng đã ngừng các giao dịch với Huawei.

Trong khi đó, các phương tiện truyền thông TQ liên tục đưa tin Huawei vẫn có thể thịnh vượng bất chấp lệnh cấm của Mỹ. Bắc Kinh đang lên kế hoạch rót các nguồn lực khổng lồ để phát triển các sản phẩm công nghệ thay thế có lợi cho chính nền kinh tế của họ.

Theo nhà báo Tom Holland, TQ hiện vẫn chưa ghi nhận những thành công trong việc phát triển phần mềm để cạnh tranh với sản phẩm của các tập đoàn khổng lồ khác. Sau gần 20 năm nỗ lực của nhà nước, TQ vẫn chưa giới thiệu bất cứ hệ điều hành nào của riêng mình dành cho máy tính cá nhân có thể thách thức với Windows của Tập đoàn Microsoft.

Ông Nhậm Chính Phi, nhà sáng lập Huawei, cũng thừa nhận tuần trước rằng TQ không thể thành công nếu chỉ phụ thuộc vào phát minh của người bản địa và điều đó sẽ tốn rất nhiều thời gian.

Tại sao Huawei sẽ không chết?

Mặc dù có một số chính khách ở Washington muốn dồn Huawei vào đường cùng nhưng việc này hoàn toàn không mang lại lợi ích cho Mỹ. Tờ nhật báo Hong Kong cho biết lệnh cấm đối với Huawei không những ảnh hưởng TQ mà còn tác động nền kinh tế của Mỹ do Huawei và nhiều công ty công nghệ TQ khác là những khách hàng lớn của doanh nghiệp nước này.

Trong khi các lệnh cấm của ông Trump có vẻ không liên quan đến vùng nông thôn Mỹ, phần lớn người dân và doanh nghiệp ở những vùng này đang chịu nhiều ảnh hưởng vì các nhà cung cấp dịch vụ di động ở đó gần như phụ thuộc hoàn toàn vào Huawei với các thiết bị liên lạc không dây rẻ tiền, theo hãng tin NBC. Theo đó, các công ty viễn thông nhỏ này hiện phải đối mặt với tổn thất hàng tỉ USD hoặc phải lựa chọn đóng cửa doanh nghiệp.

Quan trọng hơn là Washington vẫn muốn có một thỏa thuận với Bắc Kinh để chấm dứt chiến tranh thương mại. “Giết” Huawei chẳng khác nào nói lời tạm biệt một cường quốc, cũng là đối tác lớn ở châu Á. Washington được cho là sử dụng các lệnh cấm để khiến công ty TQ mất năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế và dần dần yếu đi. Điều này đủ mạnh là một đòn đánh trước mối đe dọa an ninh quốc gia Mỹ mà chính quyền luôn lo ngại.

Bên cạnh đó, bằng cách yêu cầu Huawei nhận tội các cáo buộc hình sự từ Mỹ liên quan đến liên kết kinh doanh với Iran, Washington có thể sắp xếp các giám sát viên trong công ty TQ để đảm bảo việc tuân thủ hình phạt và xóa tan mối lo ngại bấy lâu.

Cái cớ thật sự của Mỹ đằng sau vụ bắt giám đốc tài chính Huawei

Bà Wanzhou Meng, giám đốc tài chính của hãng công nghệ Huawei (Trung Quốc) vừa bị bắt tại Canada vì nghi vi phạm các biện...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trường Vũ ([Tên nguồn])
Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN