Lý do Mỹ-Iran chơi rắn nhưng không đánh ở Hormuz
Với vị trí địa lý hết sức đặc biệt, eo biển Hormuz đang mắc kẹt trong cuộc đối đầu với diễn biến theo chiều hướng ngày càng đáng lo ngại giữa Iran và Mỹ.
Cả Mỹ và Iran đều không muốn chiến tranh ở eo biển Hormuz. Ảnh: CNN
Theo thống kê của Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ, tính riêng năm 2018 đã có khoảng 21 triệu thùng dầu, chiếm gần 21% mức tiêu thụ dầu quốc tế, vận chuyển qua eo biển Hormuz trước khi chảy vào vịnh Ba Tư, châu Âu và châu Á. Đặc biệt, thế giới càng quan tâm nơi đây khi cuộc đối đầu Mỹ-Iran bùng nổ sau sự việc hai tàu chở dầu bị tấn công phá hoại hôm 13-6.
Hôm 20-6, căng thẳng giữa hai bên lại tiếp tục bị đẩy lên cực điểm khi Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo tuyên bố bắn hạ máy bay do thám không người lái RQ-4A Global Hawk của Mỹ với lý do thiết bị này xâm phạm không phận của họ. Tối cùng ngày, tờ The New York Times tiết lộ Tổng thống Donald Trump đã phê chuẩn lệnh tiến hành tấn công quân sự Iran nhưng sau đó đã bất ngờ hủy bỏ quyết định vào phút chót.
Eo biển Hormuz và dầu khí
Với phần phía Bắc của eo biển nằm hoàn toàn trong lãnh hải miền Nam Iran, các tàu thuyền di chuyển qua đây nhất định phải băng qua vùng biển của nước này. Điều đó đã mang lại cho chính quyền Tehran sự kiểm soát rất lớn đối với Hormuz. Bởi lẽ chỉ một lệnh phong tỏa từ Iran cũng có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng với tuyến hàng hải chủ chốt này.
Thêm vào đó, quyền lực của Iran đối với khu vực này phải được đặt trong bối cảnh vịnh Ba Tư là khu vực có trữ lượng dầu khí lớn nhất toàn cầu, thậm chí còn được mệnh danh là vùng biển giàu có bậc nhất thế giới. Những nước xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới như Kuwait, Saudi Arabia, Qatar, Iran, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) đều nằm quanh vịnh Ba Tư. Họ đều phải dùng tuyến đường biển qua eo biển Hormuz để xuất khẩu dầu. Mỗi ngày trung bình có hàng chục tàu chở dầu khổng lồ đi qua tuyến đường hàng hải này.
Hồi tháng 4-2019, Iran đã đe dọa sẽ phong tỏa eo biển Hormuz khi Mỹ tuyên bố bất kỳ quốc gia nào nhập khẩu dầu từ Iran sẽ phải chịu lệnh trừng phạt của Washington. Đây được cho là vũ khí “hạng nặng” của Mỹ bởi dầu chiếm gần 80% doanh thu của Iran; và nước này đã thiệt hại gần 10 tỉ USD kể từ lệnh trừng phạt ban đầu của Mỹ có hiệu lực vào cuối năm 2018.
“Nếu dầu của chúng tôi không thể được vận chuyển qua eo biển Hormuz, dầu của nước khác cũng sẽ chịu chung số phận” - dẫn lời Tham mưu trưởng Lực lượng Vũ trang Iran Mohammad Bagher. Tư lệnh Hải quân Iran thì cảnh báo: “Đóng cửa eo biển Hormuz dễ như trở bàn tay vì Iran có quyền kiểm soát hợp pháp trên tuyến đường này”.
Theo trang tin news.com.au (Úc), việc gây bất ổn khu vực eo biển Hormuz sẽ mang lại cho Iran rất nhiều lợi thế. Điển hình, giá dầu đã tăng gần 3% sau vụ phá hoại tàu chở dầu hồi tháng 6-2019, mang lại cho Tehran nguồn lợi nhuận khổng lồ khi nước này xuất khẩu 2,6 triệu thùng dầu/ngày. Các chuyên gia nhận định những căng thẳng và sự lo ngại xung quanh khu vực này nhiều khả năng sẽ đẩy giá dầu lên đến 100 USD/thùng.
Chiến tranh chỉ gây thiệt hại đôi bên
John Blaxland, giáo sư chuyên ngành an ninh và tình báo thế giới thuộc ĐH Quốc gia Úc, nhận xét rằng những căng thẳng trong thời gian gần đây thực chất là một cuộc tranh giành lợi ích. Một bên là Mỹ cùng các quốc gia vùng Vịnh được Washington chống lưng. Bên còn lại là Iran với mục tiêu giành lấy quyền kiểm soát tuyến hàng hải này.
Hiện tại, theo nhà phân tích Henry Rome thuộc Công ty tư vấn rủi ro chính trị Eurasia Group, khả năng xảy ra xung đột giữa Mỹ và Iran đang ở mức 40% trong giai đoạn sáu tháng tới, tăng 10% so với thời điểm trước khi xảy ra vụ tấn công tàu chở dầu hôm 13-6. |
Tuy nhiên, ông Blaxland cho rằng những cuộc tấn công đang diễn ra tại eo biển Hormuz thật sự chỉ gây nhiều bất lợi hơn là đem lại lợi ích cho các bên trong cuộc, đặc biệt là khi khu vực này bị phong tỏa vì bất kỳ lý do gì.
“Đã có nhiều cuộc nói chuyện về việc phong tỏa hoàn toàn eo biển trong nhiều năm qua nhưng rất may là điều đó chưa bao giờ được thực hiện. Bởi nếu làm vậy thì họ sẽ tạo ra thiệt hại khủng khiếp không chỉ với những nước khác mà cả chính họ nữa” - ông Blaxland cho biết. Trước lo ngại này, Mỹ cùng những đồng minh khác như Úc, vốn là những quốc gia phụ thuộc rất lớn vào dầu, trong nhiều thập niên qua đã tiêu tốn hàng triệu USD nhằm đảm bảo khu vực này luôn được bảo vệ và thông suốt.
Bên cạnh đó, sự hiện diện của Hạm đội 5 Hải quân Mỹ trong vịnh Ba Tư cũng khiến Iran phải chùn tay trong việc làm ảnh hưởng trên quy mô lớn lên tuyến hàng hải Hormuz. Vào tháng 5-2019, không những tăng cường lực lượng ở Trung Đông, Tổng thống Donald Trump cũng cho biết sẽ gửi thêm một tiểu đội tên lửa phòng không Patriot đến khu vực này. Ông Trump tuyên bố Mỹ “nhận được rõ ràng những chỉ dấu” cho thấy Iran và đồng minh đang chuẩn bị tấn công trực tiếp vào lực lượng Mỹ trong khu vực.
Amy Myers Jaffe, chuyên gia về năng lượng và môi trường thuộc Viện nghiên cứu Council on Foreign Relations (Mỹ), cho rằng eo biển Hormuz sẽ không phải là mặt trận duy nhất mà Mỹ cần phải để tâm khi bảo vệ dòng dầu mỏ di chuyển từ Trung Đông. Các đợt tấn công bằng máy bay không người lái gần đây và tấn công mạng vào cơ sở hạ tầng dầu mỏ của Saudi Arabia chính là thách thức mới. Chúng có thể ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường dầu mỏ.
Căng thẳng Mỹ-Iran leo thang hơn 10 ngày qua Ngày 13-6: Hai tàu chở dầu của Na Uy và Nhật Bản bị tấn công bất ngờ bằng mìn và ngư lôi ở vịnh Oman. Ngày 17-6: Lầu Năm Góc thông báo sẽ tăng cường 1.000 binh sĩ đến khu vực Trung Đông sau khi trình ra bằng chứng cáo buộc Iran đứng sau vụ tấn công tàu chở dầu. Iran phủ nhận. Ngày 19-6: Lầu Năm Góc cho biết sẽ gửi thêm một tiểu đội tên lửa phòng không Patriot đến Trung Đông. Ngày 20-6: Iran tuyên bố bắn rơi một máy bay do thám không người lái của Mỹ. Washington xác nhận vụ việc dù cho rằng máy bay không xâm phạm không phận Iran. Ngày 21-6: Tổng thống Donald Trump gửi đi dòng trạng thái trên trang Twitter cho biết ông vừa hủy bỏ một lệnh tấn công quân sự Iran. Lệnh tấn công nhằm trả đũa việc Iran bắn rơi máy bay Mỹ. Ngày 22-6: Truyền thông Mỹ tiết lộ nước này đã tiến hành một cuộc tấn công mạng nhắm vào các máy tính Iran điều khiển tên lửa và được cho là đã vô hiệu hóa thành công hệ thống trên. Ngày 24-6: Iran tuyên bố cuộc tấn công mạng của Mỹ thất bại. |
Iran vừa xác nhận quốc gia này sẽ tăng mức độ làm giàu uranium, nguyên tố cấu thành bom nguyên tử, giữa bối cảnh lo ngại...