Lý do Mỹ bằng mọi cách hỗ trợ Israel

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tới thăm Israel vào ngày 18/10 bất chấp những lo ngại về an ninh khi xung đột Israel - Hamas diễn biến phức tạp. Sự xuất hiện của ông Biden ở Israel cũng như những cam kết hỗ trợ quân sự và sự hiện diện của tàu sân bay Mỹ ở ngoài khơi chứng minh Mỹ và Israel vẫn gắn bó rất chặt chẽ.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) đã xây dựng mối quan hệ lâu dài hàng thập kỷ với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.

Tổng thống Mỹ Joe Biden (phải) đã xây dựng mối quan hệ lâu dài hàng thập kỷ với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.

Theo CNN, Tổng thống Joe Biden đã có chuyến thăm tới Israel khi quốc gia đồng minh đang ở trong tình trạng chiến tranh để khẳng định sự ủng hộ của Mỹ đối với Israel, cũng như tìm cách giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Dải Gaza.

Rủi ro an ninh của chuyến thăm phần nào được báo trước trong chuyến trở lại Israel của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 16/10. Trong cuộc gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, ông Blinken đã phải xuống hầm trú ẩn khi còi báo động vang lên.

Nhà Trắng khẳng định đã cân nhắc kỹ lưỡng những rủi ro của chuyến thăm và cho rằng có đủ an toàn để ông Biden tới Israel và để chuyến thăm được thông báo công khai.

Không có quốc gia nào trên thế giới hiện nay được Mỹ liên tục viện trợ vô điều kiện như Israel. Kể từ Thế chiến 2, Mỹ đã hỗ trợ Israel với tổng trị giá 158 tỷ USD (chưa điều chỉnh theo lạm phát).

Trong khi Mỹ tuyên bố sẽ không gửi quân tham gia chiến đấu ở tới Israel, Washington vẫn tích cực tham gia hỗ trợ hoạch định quân sự cho đồng minh.

Sau cuộc tấn công của Hamas vào ngày 7/10, Mỹ đã triển khai một nhóm tác chiến tàu sân bay ở ngoài khơi Israel và đang huy động thêm một tàu sân bay nữa cùng với hơn 2.000 lính thủy đánh bộ tới khu vực. Mỹ đã gấp rút vận chuyển đạn dược và hệ thống phòng không cho Israel. Quốc hội Mỹ nhiều khả năng cũng sẽ sớm phê chuẩn gói hỗ trợ bổ sung cho Israel.

Lịch sử viện trợ quân sự lâu dài của Mỹ cho Israel đã giúp đồng minh phát triển sức mạnh quân sự. Theo thời gian, khoản viện trợ trở nên ít quan trọng hơn do Israel đã có thể tự sản xuất vũ khí. Nhưng Mỹ vẫn tiếp tục viện trợ hàng năm như một minh chứng cho sự ủng hộ kiên định với đồng minh.

Yếu tố lịch sử

Mối quan hệ Mỹ - Israel vươn lên một tầm cao mới kể từ Cuộc chiến Sáu ngày năm 1967.

Mối quan hệ Mỹ - Israel vươn lên một tầm cao mới kể từ Cuộc chiến Sáu ngày năm 1967.

Mối quan hệ gắn bó giữa Mỹ và Israel được bắt đầu kể từ sau Thế chiến 2. Đó là giai đoạn Mỹ ủng hộ việc thành lập một nhà nước Do Thái. Nhưng trong vài thập kỷ đầu, mối quan hệ này không có gì đặc biệt.

Trong giai đoạn nhiệm kỳ năm 1961 - 1963, Tổng thống Mỹ John F. Kennedy đã nhấn mạnh hơn đến mối quan hệ với Israel, gọi đó là “mối quan hệ đặc biệt”. Mối quan hệ Mỹ - Israel chỉ thực sự bắt đầu phát triển sau cuộc Chiến tranh Sáu ngày năm 1967, theo trang Vox.

Đó là cuộc chiến gây chấn động khi Israel đánh bại liên minh các quốc gia Ả Rập mà chỉ hứng chịu tổn thất khiêm tốn. Đây cũng là cuộc chiến mà gần như Israel tự lực hoàn toàn, không có sự hỗ trợ từ bên ngoài. Sau cuộc Chiến tranh Sáu ngày, Israel đã kiểm soát thêm nhiều khu vực lãnh thổ, bao gồm Dải Gaza và khu Bờ Tây.

Mỹ từ lâu đã lo ngại ảnh hưởng gia tăng của Liên Xô ở Trung Đông và thậm chí lo ngại chiến tranh Ả Rập - Israel có thể mở rộng thành một cuộc chiến ủy nhiệm thời Chiến tranh Lạnh. Nhưng Israel đã nhanh chóng kết thúc cuộc chiến, trở thành quốc gia được Mỹ quan tâm đặc biệt. Đó là thời điểm Mỹ đang tập trung cho xung đột ở các khu vực khác mà không có khả năng can dự vào Trung Đông.

"Điều quan trọng trong cuộc chiến năm 1967 là Israel đánh bại liên quân Ả Rập trong 6 ngày mà không có sự trợ giúp của Mỹ", Joel Beinin, giáo sư lịch sử Trung Đông tại Đại học Stanford (Mỹ), nói. "Mỹ khi đó cảm thấy ấn tượng vì Israel vô tình giúp giải bài toán khó ở Trung Đông. Mỹ chủ động ngỏ ý kết nối sâu rộng hơn. Mọi thứ sau đó phát triển dần theo thời gian".

Ban đầu, Mỹ chủ yếu viện trợ không hoàn lại, nhưng cũng có lúc bán vũ khí cho Israel, cũng như cho phép Israel vay vốn từ các ngân hàng Mỹ với lãi suất thấp.

Israel quốc gia đồng minh duy nhất được Mỹ chế tạo phiên bản tiêm kích tàng hình F-35I riêng.

Israel quốc gia đồng minh duy nhất được Mỹ chế tạo phiên bản tiêm kích tàng hình F-35I riêng.

Trong giai đoạn những năm 1980 và 1990, Mỹ và Israel bắt đầu hợp tác nghiên cứu, phát triển và sản xuất vũ khí. Năm 1999, dưới thời Tổng thống Bill Clinton, Mỹ thúc đẩy hòa bình lâu dài giữa Israel và các nước láng giềng Ả Rập. Đó là thời điểm Mỹ ký bản ghi nhớ đầu tiên trong số ba bản ghi nhớ có thời hạn 10 năm, cam kết cung cấp hàng tỷ USD viện trợ quân sự hàng năm cho Israel.

Các khoản hỗ trợ của Mỹ đã giúp thúc đẩy những tiến bộ trong công nghệ giám sát và tình báo Israel. "Mạng lưới tình báo của Israel khi đó tỏ ra ưu việt thậm chí có lúc còn vượt trội so với Mỹ", ông Beinin nói.

Năm 2011, Israel ra mắt Vòm Sắt (Iron Dome) - hệ thống phòng không tầm ngắn sử dụng công nghệ radar để đối phó các vật thể do Hamas phóng từ Dải Gaza. Hệ thống này sử dụng các thành phần do Mỹ sản xuất và được Mỹ tài trợ một phần ngân sách.

Hiện tại, Israel nhận được 3,8 tỷ USD viện trợ quân sự hàng năm từ Mỹ, theo bản ghi nhớ được ký vào năm 2019. Con số này chiếm khoảng 16% tổng ngân sách quân sự của Israel, tính đến năm 2022.

"Hợp tác quân sự với Mỹ giúp quân đội Israel sở hữu vũ khí hiện đại, đảm bảo Israel có lực lượng chiến đấu mạnh nhất ở Trung Đông", Michael Hanna, chuyên gia đến từ Nhóm Khủng hoảng Quốc tế (ICG) ở Mỹ, tổ chức phi lợi nhuận tập trung vào các nỗ lực ngăn ngừa xung đột, nhận định.

Nhưng Israel không chỉ đơn thuần mua vũ khí Mỹ mà còn xây dựng dây chuyền sản xuất trong nước, không ngừng cải tiến để chế tạo các vũ khí ưu việt hơn. Không ít các bộ phận trong chiến đấu cơ F-16 và F-35 đều được Israel sản xuất nội địa. Hiện tại, Israel là nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ 10 trên thế giới, thậm chí còn khiến Mỹ phải phụ thuộc ngược lại vào vũ khí Israel sản xuất.

"Các tổ hợp công nghiệp - quân sự của Mỹ và Israel có mối liên hệ rất chặt chẽ với nhau. Ở một mức độ nào đó, Mỹ còn phụ thuộc quân sự vào Israel", chuyên gia Beinin nói.

Lợi ích quốc gia Mỹ ở Trung Đông nhờ vào Israel

Một Israel vững mạnh sẽ đáp ứng lợi ích quốc gia của Mỹ ở Trung Đông.

Một Israel vững mạnh sẽ đáp ứng lợi ích quốc gia của Mỹ ở Trung Đông.

Ngoài yếu tố lịch sử và quân sự, Mỹ còn có mối quan hệ kinh tế chặt chẽ với Israel. Mỹ là đối tác thương mại hàng đầu của Israel với kim ngạch thương mại song phương mỗi năm đạt 50 tỷ USD.

Ngoài ra, Mỹ từ lâu đã khẳng định Israel giống như quốc gia đại diện cho Mỹ ở Trung Đông, ngăn chặn những bất ổn có thể ảnh hưởng đến các nguồn cung dầu trong khu vực mà Mỹ vẫn phụ thuộc.

Ban đầu, Israel đóng vai trò là lực lượng đại diện cho Mỹ, đối trọng với ảnh hưởng của Liên Xô ở Trung Đông. Ngày nay, Mỹ vẫn ưu tiên xây dựng mối quan hệ với Israel hơn là các đồng minh như Ả Rập Saudi, đặc biệt sau khi một số thủ phạm đứng sau vụ khủng bố ngày 11/9/2001 là công dân Ả Rập Saudi.

Tuy vậy, mối quan hệ Mỹ - Israel cũng có những rạn nứt trong những cam kết chung về dân chủ, khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu có động thái hạn chế quyền lực của cơ quan tư pháp.

Nhưng dù thế nào, sự ổn định và phát triển của Israel cũng đóng góp vào lợi ích chiến lược của Mỹ. "Sự hỗ trợ của Mỹ cho Israel không chỉ là cam kết đơn thuần, đó là cam kết chiến lược", ông Biden nói khi còn là Phó Tổng thống Mỹ vào năm 2013. "Một Israel độc lập, đảm bảo an ninh cũng đóng góp vào lợi ích quốc gia của Mỹ. Tôi từng nói… nếu không có Israel, chúng ta sẽ phải phát minh ra một nước như vậy".

Trong tương lai, Israel vẫn là trụ cột chính trong mục tiêu mà Mỹ đề ra là xây dựng "khu vực Trung Đông hội nhập, thịnh vượng và an toàn”.

Tuy nhiên, có những mối lo ngại về việc các quốc gia Ả Rập không tiếp tục xu hướng bình thường hóa quan hệ với Israel mà xây dựng quan hệ gần gũi hơn với Iran - quốc gia đối thủ của Israel.

"Những bất ổn hiện nay là lý do Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken trong một tuần qua đã phải tích cực công du các quốc gia Trung Đông", chuyên gia Beinin nói.

Cuối cùng, cuộc xung đột với Hamas có thể đe dọa vị thế của Israel trong việc đóng vai trò là quốc gia giúp Mỹ kiến tạo hòa bình và duy trì ảnh hưởng trong khu vực. Đó là lý do Mỹ tích cực hỗ trợ và sát cánh bên cạnh Israel.

Nguồn: [Link nguồn]

Hezbollah mạnh cỡ nào mà khiến Israel dè chừng?

Sau khi Hamas tấn công Israel, lực lượng Hezbollah của Li-băng xung đột với Israel ở khu vực biên giới trong mấy ngày qua, đánh dấu sự leo thang nguy hiểm nhất kể từ khi hai bên tham...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhật Minh - CNN, Vox ([Tên nguồn])
Xung đột Israel - Hamas Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN