Lý do Brazil sắp đánh chìm tàu sân bay 34.000 tấn
Tàu sân bay có lượng giãn nước 34.000 tấn, dài 265 của Brazil hiện đang trôi dạt ở phía Nam Đại Tây Dương và sẽ bị đánh chìm ở vùng biển quốc tế, dự kiến trong tháng này.
Brazil nhận tàu sân bay 34.000 tấn từ Pháp vào năm 2000.
Tàu sân bay 34.000 tấn này từng do Hải quân Pháp vận hành vào giai đoạn 1963 - 2000. Tàu sau đó được trở thành soái hạm của hải quân Brazil với tên gọi mới là tàu sân bay Sao Paulo.
Trong quãng thời gian này, tàu được cho là liên tục gặp trục trặc. Hải quân Brazil không thể duy trì con tàu hoạt động liên tục ngoài khơi quá 3 tháng. Năm 2017, tàu bị loại khỏi biên chế hải quân Brazil.
Con tàu 60 năm tuổi bị bán cho một xưởng đóng tàu ở Thổ Nhĩ Kỳ để rã sắt vụn với giá gần 2 triệu USD vào năm 2021. Tàu khởi hành từ Brazil tới Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 8/2022
Tuy nhiên, khi tàu đang trên hành trình, Thổ Nhĩ Kỳ đã hủy hợp đồng, cho rằng phía Brazil đã che giấu việc bên trong thân tàu có chứa amiăng (hay còn gọi là asbestos) - loại khoáng chất độc hại, được dùng để chế tạo các tàu chiến trong thế kỷ 20. Con tàu sau đó buộc phải quay đầu.
Tuy nhiên, Brazil không muốn nhận lại tàu sân bay vướng vào nhiều rắc rối này. Sau khi không thể cập cảng, tàu đã được các thủy thủ thả trôi ở vùng biển Brazil trong 5 tháng qua.
Ngày 20/1, hải quân Brazil nói tàu đã trôi ra vùng biển quốc tế. Hải quân Brazil cho rằng, đánh chìm tàu là cách duy nhất vì không còn có cách nào khắc phục con tàu cũ kỹ và phần thân bị hư hại trong hành trình tới Thổ Nhĩ Kỳ.
Hải quân Brazil tuyên bố sẽ đánh chìm tàu vào tháng 2/2023 bằng thuốc nổ. Tàu dự kiến sẽ bị đánh chìm ở khu vực cách bờ biển Brazil khoảng 350km, nằm ở vùng biển quốc tế nhưng trong vùng đặc quyền kinh tế của Brazil.
Dự kiến đánh chìm tàu đã vấp phải một số chỉ trích của các nhà hoạt động do lo ngại khả năng hơn 9 tấn amiăng trong thân tàu bị rò rỉ ra môi trường tự nhiên. Bộ Môi trường Brazil cũng lo ngại về tác động tiêu cực đến môi trường, đã đưa ra chỉ trích quyết định của hải quân.
Tàu sân bay Sao Paulo là một trong số hai tàu thuộc lớp Clemenceau do Pháp sản xuất. Đây là mẫu tàu sân bay đầu tiên của Pháp kể từ sau Thế chiến 2.
Con tàu trở thành một phần không thể thiếu trong Hạm đội Pháp suốt 40 năm. Năm 2000, Pháp đã loại biên tàu sân bay cuối cùng thuộc lớp Clemenceau này và sau đó chuyển giao cho hải quân Brazil.
Hải quân Pháp đã tiêu tốn 3 tỷ USD để chế tạo và đưa vào biên chế tàu sân bay hạt nhân Charles de Gaulle kể từ năm 2001.
Nguồn: [Link nguồn]
Theo báo Global Times, Hải quân Trung Quốc vừa tiến hành một loạt "cuộc tập trận đối đầu" ở Biển Đông.