Lý do Ấn Độ và Trung Quốc không xích lại gần nhau
Việc Ấn Độ gần đây đưa ra cam kết an ninh với Mỹ cho thấy những hạn chế của Bắc Kinh trong nỗ lực thu hẹp bất đồng với New Delhi, dù hai bên có cùng quan điểm trong cuộc xung đột Ukraine, các nhà quan sát Trung Quốc nói, theo SCMP.
Mỹ và Ấn Độ ngày 12.4 đã tổ chức đối thoại "2+2" giữa Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Ngoại giao hai nước.
Hôm 12.4, Ấn Độ và Mỹ cam kết thúc đẩy tương tác quân sự, chia sẻ thông tin tình báo để gia tăng ảnh hưởng ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, bất chấp lập trường khác nhau về vấn đề trừng phạt Nga do cuộc xung đột ở Ukraine.
Sau cuộc đối thoại song phương “2+2” ở Washington, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin nói Mỹ và Ấn Độ xích lại gần nhau vì cùng có niềm tin rằng “Trung Quốc tạo ra mối đe dọa với hệ thống quốc tế” mà hai bên cùng xây dựng.
Mỹ từ lâu muốn thúc đẩy Ấn Độ tham gia sâu hơn vào chiến lược ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, nhằm cùng các đồng minh của Mỹ kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc.
Tuy nhiên, lập trường của Ấn Độ về cuộc xung đột Ukraine phần nào tạo ra mâu thuẫn giữa hai bên. Trước đối thoại “2+2”, Tổng thống Mỹ Joe Biden bày tỏ sự thất vọng vì New Delhi không lên án chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, cũng như không áp đặt lệnh cấm vận Nga.
Trung Quốc và Ấn Độ đều có chung lập trường trong vấn đề này, từ chối lên án Nga, nhưng khẳng định ủng hộ giải pháp ngoại giao nhằm chấm dứt xung đột.
Cuối tháng trước, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị có chuyến thăm Ấn Độ, là cuộc trao đổi cấp cao nhất của hai nước kể từ khi đụng độ đẫm máu ở biên giới phủ bóng đen quan hệ Trung Quốc-Ấn Độ vào năm 2020.
“Đây được coi là cơ hội để hai quốc gia điều chỉnh quan hệ, dựa trên quan điểm tương đồng về vấn đề Nga. Trên thực tế, quan hệ song phương giữa hai nước về cơ bản không thay đổi”, Zhao Gancheng, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Quốc tế ở Thượng Hải, nói.
“Ấn Độ và Mỹ có thể không cùng quan điểm trong vấn đề Nga, nhưng lại đồng tình rằng cần kiềm chế Trung Quốc. Mục tiêu của Mỹ hiện nay là trừng phạt Nga, nhưng đến cuối cùng, Mỹ vẫn cần Ấn Độ để đối phó mục tiêu lâu dài là Trung Quốc”, ông Zhao nói.
“Ấn Độ không ngả về phía Mỹ khi nhắc đến Nga, nhưng ủng hộ chiến lược kiềm chế Trung Quốc của Mỹ”, ông Zhao nói thêm.
Lin Minwang, giáo sư nghiên cứu Nam Á tại Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải, nói triển vọng cải thiện quan hệ Trung Quốc-Ấn Độ sau chuyến thăm của Ngoại trưởng Vương Nghị là “hạn chế”.
“Điểm mấu chốt là Ấn Độ có quan hệ hợp tác quốc phòng sâu rộng với Nga nhằm cân bằng cán cân sức mạnh với Trung Quốc trong khu vực và Mỹ phần nào hiểu rõ vấn đề này”, ông Lin nói.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ngày 12.4 thông báo lực lượng an ninh nước này đã bắt giữ lãnh đạo phe đối lập có ảnh hưởng nhất ở đất nước.
Nguồn: [Link nguồn]