Lưu Bị, Quan Vũ và Trương Phi có đại chiến Lã Bố oanh liệt như phim?
Ba anh em kết nghĩa Lưu Bị, Quan Vũ và Trương Phi hợp sức đánh Lã Bố ở Hổ Lao quan là một trong những trận chiến kịch tính nhất trong tác phẩm Tam quốc diễn nghĩa cũng như trên màn ảnh. Thực hư diễn biến trận chiến này đến nay vẫn là điều nhiều người thắc mắc.
Một mình địch cả Lưu Bị, Quan Vũ và Trương Phi, Lã Bố xứng danh "chiến thần" trong Tam quốc diễn nghĩa (ảnh: Sohu)
Trong hồi 5 Tam quốc diễn nghĩa, La Quán Trung viết, Tào Tháo sau khi giết cả nhà Lã Bá Sa thì bỏ trốn, đem hết tài sản trong nhà ra chiêu binh mãi mã. Tào Tháo viết hịch tuyên bố ý định đánh Đổng Trác, phò tá nhà Hán, các lộ binh mã từ khắp nơi theo về rất đông.
Bấy giờ Viên Thiệu đang ở Ký Châu, nhận được tờ hịch của Tào Tháo liền đem 3 vạn quân đến hội binh. Ngoài Viên Thiệu là thế lực lớn nhất, Tào Tháo còn nhận được sự ủng hộ của các sứ quân khác, với những cái tên nổi bật như Viên Thuật (em Viên Thiệu), Khổng Du, Công Tôn Toản, Tôn Kiên, Đào Khiêm… Tổng cộng có 17 sứ quân tụ họp dưới lá cờ “trung nghĩa” của Tào Tháo.
Theo Tam quốc diễn nghĩa, trong 17 sứ quân, Công Tôn Toản là người nhận được sự góp sức của 3 anh em kết nghĩa là Lưu Bị, Quan Vũ và Trương Phi. Khi Lưu Bị giới thiệu tên họ và dòng dõi hoàng tộc nhà Hán, ông được Viên Thiệu (thủ lĩnh các sứ quân) coi trọng và dành cho một ghế, tính là sứ quân thứ 18. Lưu Bị đến góp sức đánh Đổng Trác nhưng không có binh mã, chỉ dẫn theo 2 em là Quan Vũ và Trương Phi. Trong Tam quốc diễn nghĩa, có nhiều đoạn Lưu Bị được gọi là “Lưu sứ quân”.
3 huynh đệ kết nghĩa Lưu Bị, Trương Phi, Quan Vũ (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)
Viên tướng đầu tiên được Đổng Trác cử ra ứng chiến với liên minh Viên Thiệu là Hoa Hùng. Hoa Hùng đánh đâu thắng đó, liên tiếp trảm các tướng Viên Thiệu phái đi. Chỉ đến khi Quan Vũ ra trận, Hoa Hùng mới bị hạ.
Tam quốc diễn nghĩa không miêu tả kỹ trận đánh của Quan Vũ với Hoa Hùng nhưng nhấn mạnh rằng, Quan Vũ chém đầu Hoa Hùng khi bát rượu Tào Tháo rót còn chưa kịp nguội. Chi tiết này cho thấy sức mạnh kinh người của Quan Vũ.
Tuy nhiên, theo Tam quốc chí (bộ chính sử thời Hán, Tấn) của sử gia Trần Thọ, người đánh bại Hoa Hùng không phải Quan Vũ mà là Tôn Kiên. Nói chính xác hơn, công lao của Tôn Kiên đã bị La Quán Trung “cướp đoạt”, gán cho Quan Vũ.
Tam quốc chí chép, năm 191, Tôn Kiên dẫn quân đánh Đổng Trác, bị Trác vây khốn. Kiên cùng mấy chục kỵ binh phá vòng vây thoát được. Kiên ra trận thường đội khăn đỏ, quân Đổng Trác biết vậy cứ nhằm người đội khăn đỏ đuổi giết. Kiên tháo khăn đỏ lệnh cho tướng dưới quyền là Tổ Mậu đội vào. Tổ Mậu bị truy giết, tháo khăn ra treo lên cây cột mà trốn được.
Tôn Kiên sau đó thu nhặt tàn quân, mai phục đánh úp quân Đổng Trác một trận và thắng lớn, bêu đầu viên tiểu tướng là Hoa Hùng. Có người nói xấu Tôn Kiên với Viên Thuật. Viên Thuật ghen tỵ công lao của Tôn Kiên, cố tình vận lương chậm chạp khiến quân của Tôn Kiên mất sức chiến đấu.
Như vậy, Tam quốc chí khẳng định Quan Vũ không phải người đánh bại Hoa Hùng mà là Tôn Kiên. Thêm vào đó, Hoa Hùng cũng chỉ là “tiểu tướng” dưới quyền Đổng Trác, không phải viên đại tướng “thân cao chín thước, mình hổ lưng lang, đầu báo tay vượn” như La Quán Trung miêu tả.
Trong Tam quốc diễn nghĩa, để tôn lên sức mạnh của Hoa Hùng, La Quán Trung còn viết Tôn Kiên dẫn quân đi tiên phong bị Hoa Hùng đánh bại. Tôn Kiên bị Hoa Hùng đuổi giết, may mắn trốn được. Tình tiết này càng khiến công lao của Tôn Kiên – người có vai trò rất lớn trong cuộc chiến chống Đổng Trác – bị lu mờ.
Lã Bố - viên tướng mạnh bậc nhất thời Tam quốc (ảnh từ phim truyền hình Trung Quốc)
Theo Tam quốc diễn nghĩa, sau khi đánh bại Hoa Hùng, liên quân của Viên Thiệu thẳng tiến tới Hổ Lao quan – thành trì là cửa ngõ dẫn đến Lạc Dương, nơi Đổng Trác đóng quân. Bấy giờ, Đổng Trác cử Lã Bố, nhân vật được ca tụng là “chiến thần thời Tam quốc”, ra ứng chiến.
Tam quốc diễn nghĩa miêu tả rất kỹ trận chiến kịch tính giữa 3 anh em kết nghĩa Lưu Bị với Lã Bố. Theo đó, khi Công Tôn Toản ra trận bị Lã Bố ép vào đường chết, Trương Phi lập tức phi ngựa đón đánh.
Trương Phi và Lã Bổ đánh nhau hơn 50 hiệp, chưa rõ bên nào được thua. Quan Vũ thấy vậy xông vào giúp Trương Phi, 2 người đánh với Lã Bố thêm 30 hiệp nữa vẫn không thắng nổi. Chỉ đến khi Lưu Bị tiếp ứng, Lã Bố mới chịu rút lui.
Theo Tam quốc diễn nghĩa, trận chiến giữa 3 Trương Phi, Quan Vũ và Lưu Bị với Lã Bố dữ dội đến mức quân sĩ 2 bên “ngây mặt ra trông”. Dân gian gọi trận chiến này là “Tam anh chiến Lã Bố” và thường xuyên dựng lại trong các vở kịch. Trong các bộ phim truyền hình lấy đề tài Tam quốc, trận chiến giữa 3 anh em kết nghĩa Lưu Bị với Lã Bố cũng được miêu tả rất sinh động, hoành tráng.
Tuy nhiên, Tam quốc chí của sử gia Trần Thọ khẳng định, Lưu Bị, Quan Vũ và Trương Phi không hề xuất hiện trong sự kiện sứ quân các nơi họp mặt cùng đánh Đổng Trác. Càng không có chuyện 3 người này cùng đánh Lã Bố.
Lưu Bị, Trương Phi và Quan Vũ cùng hợp sức đánh Lã Bố là tình tiết rất nổi tiếng trong Tam quốc diễn nghĩa (ảnh: Sina)
Tam quốc chí chép, năm 190, Thái Tổ (Tào Tháo) về quê, đem gia sản mộ binh đánh Đổng Trác. Cùng khởi binh đánh Đổng Trác với Tào Tháo còn có Viên Thiệu, Viên Thuật, Khổng Du, Trương Mạc… Trong đó, Viên Thiệu là thế lực lớn mạnh nhất nên được tôn làm thủ lĩnh các sứ quân, Tào Tháo xếp vị trí thứ 2.
Tháng 2/191, Đổng Trác hay tin binh mã các nơi nổi dậy, bèn ép vua dời đô từ Lạc Dương đến Trường An. Tào Tháo thúc giục các sứ quân đuổi đánh, nhưng ai cũng ngại Đổng Trác quân đông nên không dám tiến. Tào Tháo một mình cất quân đi đánh Đổng Trác liền gặp tổn thất rất lớn. Cũng từ sau lần liên minh này, Tào Tháo sinh ra căm ghét Viên Thiệu.
Tháng 5/192, Đổng Trác mâu thuẫn với Lã Bố, bị quan Tư đồ nhà Hán là Vương Doãn và Lã Bố lập mưu giết chết. Liên quân chống Đổng Trác vì thế cũng tan vỡ, ai cũng mưu cầu lợi ích riêng, từ đó dần định ra cục diện cát cứ phân tranh thời Tam quốc.
Theo Tam quốc chí, Lưu Bị cũng khởi binh đánh Đổng Trác nhưng sớm thất bại. Thế lực của Lưu Bị nhỏ yếu, phải nương nhờ Công Tôn Toản. Sau khi Đổng Trác bị diệt, Công Tôn Toản dâng tấu xin cho Lưu Bị chức Biệt bộ Tư mã, đem quân đến Thanh Châu chống lại Viên Thiệu.
Tam quốc chí không ghi nhận Lưu Bị là một cánh quân trong liên minh chống Đổng Trác do Tào Tháo và Viên Thiệu dẫn đầu. Có thể nói, thời điểm binh mã các nơi tụ họp đối phó với Đổng Trác, Lưu Bị chỉ là một nhân vật tầm thường. Không có chuyện Lưu Bị được trọng vọng, cho ngồi ngang hàng với các thủ lĩnh như Tào Tháo, Viên Thiệu như Tam quốc diễn nghĩa mô tả.
Như vậy, trận Hổ Lao quan và trận kịch chiến giữa 3 anh em kết nghĩa Lưu Bị với Lã Bố hoàn toàn là sự hư cấu của La Quán Trung.
Mạnh mẽ như "chiến thần", Lã Bố cũng phải bại dưới tay Tào Tháo (ảnh: Sohu)
Theo Tam quốc chí, Lã Bố cùng Đổng Trác dời đô đến Trường An, không có nhiều vai trò trong sự kiện liên quân do Viên Thiệu dẫn đầu đánh Đổng Trác. Ở Trường An, Lã Bố giết Đổng Trác, bị 2 tướng dưới quyền Đổng Trác là Lý Thôi, Quách Dĩ đánh báo thù. Lã Bố bỏ chạy khỏi Trường An, nương nhờ nhiều thế lực như Viên Thuật, Viên Thiệu, Trương Mạc cùng đối phó với Tào Tháo.
Năm 194, lợi dụng lúc Tào Tháo đem quân chủ lực đánh Từ Châu, Lã Bố liên kết với Trương Mạc tấn công Duyện Châu. Tào Tháo sau đó quay về đánh bại Lã Bố, tiêu diệt thế lực của Trương Mạc.
Năm 196, Lã Bố tới Từ Châu nương nhờ Lưu Bị, được Lưu Bị thu nhận cho đóng quân ở thành Tiểu Bái. Lã Bố sau đó phản lại Lưu Bị, chiếm Từ Châu và Hạ Bì, ép Lưu Bị ra thành Tiểu Bái. Năm 199, Lưu Bị liên minh với Tào Tháo, đánh bại Lã Bố ở Hạ Bì. Lã Bố bị Tào Tháo ra lệnh giết chết.
____________
Cưỡi ngựa Xích Thố vượt 5 ải, chém 6 tướng của Tào Tháo là một trong những chiến tích oai hùng nhất của Quan Vũ được miêu tả trong Tam quốc diễn nghĩa. Trong lịch sử, Quan Vũ đã làm gì để trốn khỏi đất Tào? Mời bạn đón đọc chi tiết trong bài kỳ sau trên mục Thế giới, xuất bản vào lúc 19h ngày 3.9.2022.
Tác phẩm Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung nhiều lần mô tả Tào Tháo là nhân vật gian hùng, độc ác đến mức giết cả người từng có ơn với mình để đạt được mục đích....
Nguồn: [Link nguồn]