Lực lượng xe bọc thép từ trên trời đánh xuống của Nga
Chiếc xe bọc thép trang bị “tận răng” từ súng máy, súng chống tăng tới pháo và chỉ nặng chưa đầy 8 tấn.
Xe bọc thép hạng nhẹ BMD-1 trong lễ duyệt binh.
Kể từ năm 1970, quân đội Nga đã sở hữu một lực lượng xe bọc thép chiến đấu đặc biệt tinh nhuệ và có khả năng độc đáo: biết nhảy dù. Để “bay” được như vậy, mỗi xe bọc thép sẽ nối với một chiếc dù khổng lồ và thả từ máy bay vận tải.
Các dòng xe bọc thép BMD của Nga được trang bị tới “tận răng” với súng tự động, súng máy và tên lửa chống tăng. Mặc dù là sản phẩm của Chiến tranh Lạnh nhưng tới nay, Nga vẫn sở hữu một số lượng đáng kể BMD trong biên chế. Thế hệ bọc thép BMD-4 sẽ được trang bị pháo 100mm.
Loại xe bọc thép “biết bay” này được Liên Xô phát triển mạnh sau Thế chiến 2, nhất là khi họ cần một lực lượng chiến đấu nhảy dù tinh nhuệ. Các nhà hoạch định chiến lược quân sự Xô Viết thấy rằng nếu có thể đưa xe chiến đấu vào sâu trong lòng địch, đó sẽ là lợi thế quá lớn. Học thuyết quân sự mới nhanh chóng được giới chức quân sự đứng đầu Liên Xô chấp thuận.
Kịch bản đặt ra là một sư đoàn hoặc trung đoàn máy bay sẽ thả xe bọc thép vào vùng chiến đấu, cách tiền tuyến 100 tới 300 km. Sau khi vào sâu trong chiến trường, quân Liên Xô sẽ tấn công, tiêu diệt sở chỉ huy đối phương, cơ sở hậu cần và vũ khí hạt nhân.
Tốc độ tấn công 65 km/giờ, trang bị pháo chống tăng và súng máy.
Các nhà lý thuyết quân sự Liên Xô nhận ra các đội lính nhảy dù sẽ phải đối mặt nhiều vấn đề khi tiếp đất. Trong trận chiến Overlord và Market Garden, Sư đoàn không quân số 1 Anh đã vấp phải sự khản kháng mạnh mẽ từ mặt đất khi vừa nhảy dù đổ bộ.
Khi vừa chạm đất, lực lượng lính dù sẽ thường phân tán, rải rác và không có vũ khí chống tăng. Lúc này, xe tăng đối phương có thể nã đạn và nướng chín lượng lớn quân chủ lực đối phương. Bộ binh cũng không tiến sâu vào trong các mục tiêu cần phá hủy vì họ thiếu phương tiện di chuyển.
Giải pháp của Liên Xô được ra đời năm 1966, với BMP-1 là xe chiến đấu bộ binh hạng nhẹ, trang bị bọc thép, chở quân và có vũ khí để hạ gục xe tăng đối phương. Chiếc bọc thép “bay” nặng gần 15 tấn có một khẩu súng máy, dàn tên lửa chống tăng tầm xa và pháo 73mm. Sau đó, không quân Nga sẽ thả BMP-1 từ máy bay xuống đất.
Phiên bản BMD-1 thậm chí còn làm được nhiều hơn thế khi các kĩ sư Liên Xô “nhét” 2 súng máy vào thân trước. Cỗ máy chiến tranh này chỉ nặng 8 tấn và cực kì linh hoạt so với phiên bản BMP-1.
BMD- 1 có thể đạt tốc độ 65km/giờ, nhanh hơn mẫu tiền nhiệm 25%. Năm 1982, mỗi 6.500 lính không quân Liên Xô có 330 chiếc BMD-1 hậu thuẫn. Điều này tạo sức mạnh rất lớn trong các trận chiến then chốt.
Có thể bơi trên mặt nước với vận tốc 12km/giờ.
Thiết giáp nhẹ BMD rất “vừa cân”, đủ để trực thăng Mi-6 hay Mi-26 chuyên chở. Nếu dùng máy bay cỡ lớn như Il-76, quân Nga có thể thả 3 chiếc BMD một lúc. Kết cấu vỏ giúp BMD chịu được cú rơi từ độ cao vài trăm mét xuống đất với độ chính xác cao.
Một điểm đáng chú ý là BMD có thể nổi và bơi trên mặt nước như thuyền chiến, với tốc độ từ 9-12 km/giờ. Thả dù, tấn công từ mặt nước, đổ bộ lên bờ sẽ khiến đối phương hết sức bất ngờ.
Xe tăng được xem là “vua chiến trường” và là át chủ bài cho bất kì quân đội nào nếu muốn giành thắng lợi cuối cùng.