Lực lượng có thể đánh bại IS: Mỹ vừa hợp tác vừa e ngại
Không phải các cuộc không kích, hay lực lượng liên quân là chìa khóa giúp Mỹ tiêu diệt tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) mà là một lực lượng từng bị Thổ Nhĩ Kỳ - đồng minh của Washington - xếp vào hàng khủng bố.
Đó là Đảng Liên minh Dân chủ của người Kurd tại Syria (PYD), lực lượng hiện được xem là chiến đấu với phiến quân IS quyết liệt nhất, nhiều hơn cả quân đội Syria.
Sau chiến thắng ấn tượng, chiếm lại thị trấn Kobani từ tay IS hồi tháng 1.2015, lực lượng người Kurd trong tháng 11 lại thu được thắng lợi lớn khi tiếp tục giành lại được thị trấn Sinjar. Đây là một bước đi quan trọng nhằm đập tan mưu đồ của IS bởi tại Sinjar có tuyến đường huyết mạch nối thành phố Mosul (nơi đang bị IS chiếm đóng) với các thành phố ở Syria.
Lực lượng người Kurd đang là nhóm chiến đấu chống IS quyết liệt nhất tại Syria.
Có lẽ ý thức được vai trò của lực lượng này tại Syria và Iraq mà Washington thay vì đặt niềm tin vào Quân đội Syria Tự do (FSA) đã chuyển sang "gửi vàng" vào lực lượng người Kurd mà cụ thể ở đây là PYD. Hồi tháng 10.2015, theo kênh truyền hình Saudi Arabia, Mỹ chính thức bảo trợ và giám sát việc thành lập liên minh giữa các nhóm Ả Rập và PYD lấy tên là Các lực lượng Dân chủ Syra (SDS) nhằm chống lại IS.
Kênh truyền hình RIA TAZA (chuyên thông tin về Kurdistan - khu vực lãnh thổ người Kurd) nhận định: “Mục đích của Mỹ khi thành lập liên minh quân sự này là để đưa lực lượng này thực hiện chiến dịch quân sự trên bộ dưới sự yểm trợ của không quân Mỹ”.
Từ khi cuộc khủng hoảng Syria nổ ra, người Kurd đã thành lập ra một loạt tổ chức nổi dậy, nổi bật trong số đó là Các đội quân tự vệ dân tộc” người Kurd (YPG) và “Các đội nữ phòng vệ” (YPJ). Cả hai tổ chức này đều trực thuộc PYD, đứng đầu là thủ lĩnh Saleh Muslim, người luôn chống lại các lực lượng khủng bố, trong đó có IS, để bảo vệ lãnh thổ của người Kurd.
Trên thực tế, nếu như nhóm này tiếp tục giành được những thắng lợi trước IS thì vai trò của nó càng trở nên quan trọng với Washington. Giới chức tại Quốc hội Mỹ gần như nhất trí với quyết định ủng hộ và chuyển thêm vũ khí tới lực lượng người Kurd trong cuộc chiến chống IS. Ngay cả một số thành phần chỉ trích cách tiếp cận của chính quyền Obama về vấn đề Syria cũng muốn nhìn thấy nhiều hợp tác hơn nữa giữa Mỹ và người Kurd.
Thủ lĩnh dẫn dắt PYD, ông Saleh Muslim (người đứng giữa).
Nghị sĩ đảng Cộng hòa Adam Schiff nhận xét, "Lực lượng người Kurd ở Syria đang là một trong những lực lượng chiến đấu hiệu quả nhất hiện nay và nước Mỹ không nên bỏ lỡ cơ hội hợp tác này".
Cựu đại sứ Mỹ Peter Galbraith, người từng soạn thảo nhiều chính sách liên quan đến người Kurd cho rằng, "Đánh bại được IS và chiếm giữ được các thị trấn quan trọng như Kobani, PYD đang tạo ấn tượng mạnh mẽ để trở thành một đồng minh tin cậy với Mỹ trong cuộc chiến chống IS".
Nhiều nhà phân tích nhận định, việc Mỹ hợp tác với người Kurd sẽ có nhiều thuận lợi bởi một mặt, Mỹ sẽ không phải triển khai quân trên bộ mà "mượn tay" các tay súng người Kurd đối chọi lại với IS. Mặt khác, đội quân người Kurd vốn dĩ coi IS là kẻ thù số một bởi các bất đồng sắc tộc nên cùng với sự giúp sức của Mỹ, cuộc chiến chống lại tổ chức khủng bố Hồi giáo sẽ sớm ngã ngũ.
Tuy được lòng Washington nhưng PYD lại là cái "gai" trong mắt người Thổ Nhĩ Kỳ. PYD bị chính quyền Tổng thống Erdogan cho rằng có quan hệ thân cận với Đảng Công nhân người Kurd (PKK), một tổ chức đòi quyền tự trị cho người Kurd tại Thổ Nhĩ Kỳ.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan từng tuyên bố thẳng thừng: “Với Thổ Nhĩ Kỳ, PKK, PYD và IS chẳng khác gì nhau. Chúng đều là các nhóm khủng bố tay nhuốm máu”. Bởi vậy mà sau khi quân đội Thổ Nhĩ Kỳ chính thức tham gia liên minh chống IS do Mỹ lãnh đạo, phần lớn các cuộc không kích của quân đội nước này ở Syria thay vì nhắm vào IS lại giáng vào các mục tiêu là PYD.
Washington đang muốn "mượn tay" người Kurd để chiến thắng trong cuộc chiến với khủng bố IS.
Bản thân Washington cũng xếp PKK vào nhóm tổ chức khủng bố và mặc dù có nhiều hợp tác với PYD nhưng thủ lĩnh của tổ chức này là Saleh Muslim "5 lần 7 lượt" xin visa vào Mỹ đều bị từ chối. Tờ Huffington Post bình luận, "rõ ràng mối quan hệ giữa Mỹ và người Kurd tưởng chừng như quan trọng nhất trong cuộc chiến IS hóa ra lại rất mong manh".
Tuy nhiên, các quan chức Mỹ cũng ý thức được rằng, PYD nói riêng và người Kurd nói chung đang chiến đấu với IS vì lợi ích của chính họ chứ không phải là vì Mỹ. Vấn đề người Kurd vốn là rất phức tạp, không chỉ ở Syria mà còn trong toàn khu vực bởi họ sinh sống trong lãnh thổ 4 quốc gia Trung Đông là Iraq, Iran, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ.
Tại Syria, lực lượng này đã lợi dụng cuộc nội chiến, thông qua việc bảo vệ vùng đất của mình khỏi IS và các nhóm khủng bố khác để giành thêm quyền tự trị và tăng cường vị thế của mình trong các cuộc đàm phán với chính phủ của ông Assad. Giấc mộng của người Kurd về một nhà nước dành cho nhóm dân tộc thiểu số lớn nhất Trung Đông này sẽ là mối đe dọa đối với bất cứ hy vọng nào của Mỹ về một Iraq thống nhất, cũng như với Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.
Tuy nhiên, có thể nói, cho tới nay, người Kurd vẫn là một trong số ít các lực lượng đoàn kết và vững mạnh trong cuộc xung đột tại Syria - điều này giúp cho họ trở thành nhân tố quan trọng trên mặt trận tiêu diệt các phần tử Hồi giáo cực đoan như IS.