Lực lượng Iran bị gọi là khủng bố từng bắt 10 binh sĩ Mỹ quỳ gối thế nào?
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 8.4 đã liệt lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran (IRGC) vào danh sách tổ chức khủng bố, động thái bị Iran phản đối mạnh mẽ.
10 thủy thủ Mỹ bị phía Iran bắt giữ cùng hai tàu cao tốc.
Ít người biết rằng chính IRGC là lực lượng đã bắt giữ 10 binh sĩ Mỹ đi trên hai tàu tuần tra ở vịnh Ba Tư. Sự việc xảy ra vào ngày 12.1.2016, khi hai tàu cao tốc chở 10 binh sĩ Mỹ bị tàu tuần tra của IRGC ngăn chặn ở vùng biển của Iran.
Đây được coi là một trong những sự cố ê chề của quân đội Mỹ, khi chính các thủy thủ trên tàu thừa nhận họ đã “đi lạc” vào vùng lãnh hải Iran.
10 thủy thủ Mỹ và hai tàu cao tốc sau đó bị giam giữ tại căn cứ quân sự trên đảo Farsi, cách không xa nơi Iran phát hiện hai tàu Mỹ.
Theo các nguồn tin quân sự, hai tàu cao tốc ban đầu thực hiện chuyến hành trình bình thường từ Kuwait đến Bahrain, là nơi đặt căn cứ của đội đặc nhiệm 56 thuộc Hạm đội 5, hải quân Mỹ.
Thủy thủ Mỹ đầu hàng lực lượng Iran.
Hai tàu rời Kuwait lúc 12 giờ 23 phút (giờ địa phương) và kế hoạch tiếp nhiên liệu với tàu chở dầu lúc 5 giờ chiều. Trong quá trình di chuyển, một tàu cao tốc gặp sự cố về động cơ.
Cả hai tàu Mỹ dừng lại để sửa chữa và bị trôi dạt vào lãnh hải Iran. 5 giờ 10 phút chiều, hai tàu tuần tra của lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran áp sát tàu Mỹ và gọi thêm 2 tàu nữa đến yểm trợ.
Sau một hồi đàm phán, chỉ huy tàu Mỹ cho phép thủ thủ Iran lên tàu. Binh sĩ Iran sau đó buộc các thủy thủ Mỹ phải quỳ gối, hai tay để lên đầu.
Thông điệp cuối cùng mà tàu Mỹ gửi về trụ sở là thông báo về tình trạng sự cố với động cơ.
Hải quân Mỹ sau đó đã mở chiến dịch tìm kiếm cứu nạn quy mô nhưng không kịp vì các binh sĩ đã bị đưa lên đảo Farsi.
Tàu của lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran tập trận trên biển.
Ngoại trưởng Mỹ khi đó là John Kerry đã lập tức điện đàm với người đồng cấp Iran Mohammad Javad Zarif, yêu cầu phía Iran trả tự do “ngay lập tức cho các thủy thủ Mỹ nếu không sẽ có chuyện xảy ra”.
Zarif gọi điện lại sau 20 phút, khẳng định “các thủy thủ Mỹ sẽ sớm được trả tự do và họ đang được chăm sóc tốt”.
Đáng chú ý, vụ việc xảy ra khi tàu sân bay Mỹ USS Harry S. Truman và Charles de Gaulle của Pháp tuần tra ở vùng biển quốc tế gần đảo Farsi. Theo thiếu tướng Iran Farzad Esma, 3 chiến đấu cơ F-18 cất cánh từ tàu sân bay Mỹ cùng một máy bay trinh sát và máy bay radar, không ngừng “hành động gây hấn” xung quanh hòn đảo.
Phía Iran nói các máy bay này đã rời đi khi được Iran thông báo rằng “chỉ 30 giây nữa tên lửa sẽ được khai hỏa”.
Đến sáng ngày hôm sau, tức là sau 15 giờ từ khi vụ việc xảy ra, phía Iran đã thả binh sĩ Mỹ với đầy đủ các trang thiết bị. Binh sĩ Mỹ lái tàu cao tốc trở về trước sự giám sát chặt chẽ của Lầu Năm Góc.
Các thủy thủ hải quân Mỹ bị giam trong 15 giờ và được tự do vào ngày hôm sau.
Lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran công bố kết luận của cuộc điều tra, nói rằng “hai tàu Mỹ xâm phạm lãnh hải Iran không phải do cố ý”. Nhưng không rõ vì sao một trong hai tàu cao tốc được cho là bị hỏng vẫn có thể trở về bình thường.
Bộ Tư lệnh Mỹ sau đó phát hiện dấu hiệu 2 sim card kết nối với điện thoại vệ tinh bị rút ra kiểm tra, còn lại vũ khí và đạn dược còn nguyên vẹn.
Cùng ngày, Iran công bố hình ảnh và video cho thấy thủy thủ Mỹ đầu hàng. Một video khác cho thấy cảnh binh sĩ Mỹ nói lời xin lỗi: “Đó là sai lầm của chúng tôi, chúng tôi xin lỗi… Hành động của Iran thật tuyệt vời và chúng tôi rất biết ơn sự hỗ trợ của các bạn”.
Sau sự cố trên, hải quân Mỹ kỷ luật 9 thủy thủ Mỹ liên quan đến vụ việc, từ cấp cao cho đến cả thủy thủ. Đây được coi là thắng lợi lớn của Iran về mặt truyền thông vì chưa từng có quốc gia nào bắt giữ binh sĩ Mỹ từ thời Thế chiến 2.
Mỹ coi lực lượng quân đội của một quốc gia khác là tổ chức khủng bố là điều chưa từng có tiền lệ trong quá khứ.