Lực lượng "ẩn mặt" của TQ âm thầm bành trướng trên biển
Trung Quốc đang sử dụng một lực lượng không phải quân sự nhưng đông đảo, tinh nhuệ, xâm nhập các vùng biển tranh chấp với ý đồ rõ ràng: chiếm đảo mà không phải tham chiến.
Tàu cá Trung Quốc đang trở thành lực lượng hùng hậu cho tham vọng bành trướng trên biển.
Ngày 6.8, chính quyền Trung Quốc cử một lực lượng gồm 250 tàu xâm nhập bí mật vào vùng biển Hoa Đông đang tranh chấp với Nhật Bản, cách Nhật Bản 400km về phía tây nam. Tuy nhiên, trong số 250 tàu tới quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp, không có bất kì tàu chiến nào. Thay vào đó, là 13 tàu tuần duyên, một số ít trang bị vũ khí và 230 tàu cá.
Trung Quốc từng cử tàu cá tới những vùng biển tranh chấp nhưng số lượng thế này là điều chưa từng có tiền lệ. “Động thái này là sự leo thang nghiêm trọng trong khu vực”, Christoper Hughes, giáo sư chuyên ngành chính trị quốc tế ở đại học Warwich, Anh, trả lời Japan Times.
Sự “dựa dẫm” của Bắc Kinh vào lực lượng dân sự là điểm rất đáng chú ý trong chính sách của nước này và khiến nhiều nước khác phải dè chừng. Những ngư dân được mệnh danh là “người xanh bé nhỏ” là lực lượng chính, "ẩn mặt" của hải quân Trung Quốc trong chiến dịch bành trướng và mở rộng trái phép ở các vùng biển Hoa Đông hay Biển Đông.
Mỗi tàu ngư dân ra đánh cá trái phép ở khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam được chính phủ Trung Quốc trả 400 triệu đồng/lần.
Tên gọi “người xanh bé nhỏ” được phó giáo sư Andrew Ericksons từ Học viện Chiến tranh Hải quân Mỹ đặt.
Rõ ràng Trung Quốc đã cân nhắc rất kĩ trước khi điều động lực lượng bán quân sự tham gia các chiến dịch quân sự trên biển, phó giáo sư Ericksons nói. Khi đưa lực lượng ngư dân vào vùng biển tranh chấp, Bắc Kinh “chỉ được mà không mất” khi tìm cách chiếm cứ trái phép khu vực biển giàu tài nguyên ở phía tây Thái Bình Dương.
Nếu Trung Quốc cử tàu chiến trang bị hạng nặng tới vùng biển tranh chấp, chắc chắn các nước khác sẽ cử hạm đội hùng hậu của mình nghênh chiến. Khi đó, thế giới sẽ chú ý và Trung Quốc sẽ rất bẽ mặt. Tuy nhiên, khi cử lực lượng nhỏ lẻ, Trung Quốc có đủ lí do để phản bác tham vọng thực sự và trắng trợn “tuyên bố ngược” nếu cần đàm phán.
Lực lượng “người xanh bé nhỏ” đã có mặt ở khắp Biển Đông và Hoa Đông và tại nơi mà nhiều quốc gia khác tranh chấp. Năm 2014, Indonesia bắt giữ và cho nổ tung rất nhiều tàu cá Trung Quốc vi phạm chủ quyền. Cùng năm này, lực lượng 100 tàu cá Trung Quốc đã xâm phạm trái phép vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia.
Hiện nay, Malaysia và Indonesia vẫn đang làm hết sức để ngăn chặn nhiều lớp tàu cá Trung Quốc liên tiếp xâm nhập trái phép. Ở khu vực khác, Trung Quốc vẫn tiếp tục lợi dụng lực lượng ngư dân của mình để hiện diện ngày một dày đặc ở vùng biển tranh chấp.
Cuối năm 2014, Trung Quốc cử một hạm đội tàu hút cát tới quần đảo Trường Sa của Việt Nam, nằm ở phía tây Philippines. Tại đây, đội tàu hùng hậu này đã bồi lấp trái phép đảo nhân tạo, giết hại rạn san hô lâu đời tại đây. Trong vòng một năm, Trung Quốc đã ngang nhiên xây dựng đường băng, âu tàu, bến cảng trên 7 đảo nhân tạo mới.
Tàu Trung Quốc đi thành "bầy", thách thức lực lượng bảo vệ bờ biển các quốc gia.
Thậm chí khi tàu khu trục USS Lassen Mỹ vào vùng biển quốc tế gần quần đảo Trường Sa hồi tháng 10.2015, lực lượng “người xanh bé nhỏ” đã tiến rất sát tàu chiến Mỹ. Nguy cơ va chạm là rất lớn khi tàu cá Trung Quốc chạy ngang trước mặt khu trục hạm.
Hồi tháng 5 và tháng 6 vừa qua, máy bay chiến đấu Trung Quốc còn cản trở máy bay do thám Mỹ bay ở không phận quốc tế thuộc vùng biển Hoa Đông và Biển Đông. Sĩ quan Mỹ cho biết phi công Trung Quốc bay rất sát máy bay nước này khiến va chạm có thể xảy ra bất kì lúc nào.
Khi Lầu Năm Góc lên tiếng, Bộ Ngoại giao Trung Quốc lại lớn tiếng phản bác. Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hồng Lỗi nói máy bay do thám Mỹ “ gây ảnh hưởng nghiêm trọng an ninh hàng hải Trung Quốc”.
Gần đây, sau phán quyết vụ kiện Biển Đông, Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn còn lớn tiếng kêu gọi “chiến tranh nhân dân trên biển” để bảo vệ cái gọi là “chủ quyền lãnh thổ” phi pháp.
Nhật Bản lo ngại Bắc Kinh sẽ dùng kế sách tương tự với chuỗi đảo Senkaku mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư. Hiện giờ đảo Senkaku không có người sinh sống nhưng Nhật Bản đã chính thức quốc hữu hóa từ năm 2012.
Mới đây, 230 tàu cá Trung Quốc đã tràn sang đảo Senkaku của Nhật Bản.
Giới chức Nhật Bản dù sao vẫn lo lắng. Đầu tháng 8, quân đội nước này phát hiện Trung Quốc lén đặt một radar trên giàn khoan dầu gần biển Hoa Đông. Truyền thông Nhật Bản cho rằng giàn khoan này là một căn cứ quân sự trá hình.
Một ngày sau khi hạm đội tàu cá và tàu tuần duyên Trung Quốc xâm phạm ở đảo Senkaku, thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nhật Bản Shinsuke Sugiyama đã gửi công hàm phản đối lên Trình Vĩnh Hoa, Đại sứ Trung Quốc ở Nhật Bản.
“Trung Quốc đang đơn phương thực hiện các hoạt động làm gia tăng căng thẳng khu vực”. Bộ Ngoại giao Nhật khẳng định “mọi hành động xâm phạm là không thể chấp nhận”.
Dù vậy, Tokyo không hề cử tàu chiến tới xua đuổi tàu Trung Quốc. Nếu lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản va chạm với tàu cá Trung Quốc thì phiền phức lớn sẽ xảy ra. Tham vọng chiếm đảo Senkaku của Trung Quốc hoàn toàn có thể trở thành hiện thực.
Indonesia phá hủy tàu cá Trung Quốc xâm nhập trái phép vùng biển nước này.
Bắc Kinh cũng thể hiện rõ ràng tham vọng bành trướng của mình thông qua các tuyên truyền quân sự. Ngày 8.8, Trung Quốc đã đăng tải bức ảnh tàu sân bay đầu tiên của nước này đang được đóng ở nhà máy miền bắc Trung Quốc.
Một khi hoàn thành, tàu sân bay này sẽ là thế lực mạnh nhất ở Thái Bình Dương không thuộc sở hữu của Hải quân Mỹ. Bức ảnh cảnh báo rằng Trung Quốc đang lớn mạnh trong khu vực và việc xây dựng hạm đội tàu chiến hùng hậu là bước tiếp theo hiện thực hóa tham vọng này.
Dù vậy, để chiếm đảo mà không phải gây chiến tranh, Trung Quốc hoàn toàn có thể dựa vào lực lượng “người xanh bé nhỏ” của mình.