Luật hôn nhân đồng giới của Thái Lan gây chú ý
Luật mới về hôn nhân đồng giới của Thái Lan sẽ chính thức có hiệu lực sau 120 ngày.
Gọi Dự luật Bình đẳng hôn nhân vừa được Vua Thái Lan Maha Vajiralongkorn phê chuẩn thành luật hôm 24-9 là "mang tính bước ngoặt", đài ABC News cho biết các cuộc hôn nhân đồng giới được hợp pháp hóa đầu tiên - tức có thể đăng ký kết hôn - sẽ bắt đầu vào tháng 1 năm sau tại Thái Lan.
Dự luật này, trao đầy đủ các quyền pháp lý, tài chính và y tế cho những người kết hôn ở bất kỳ giới tính nào, đã được cả Hạ viện và Thượng viện Thái Lan lần lượt thông qua vào tháng 4 và tháng 6.
Các cặp đôi ủng hộ hôn nhân đồng giới mang theo cờ lục sắc biểu tượng của cộng đồng LGBTQ+ trong một sự kiện ủng hộ việc Quốc hội Thái Lan thông qua dự luật bước ngoặt hồi tháng 6 - Ảnh: REUTERS
Theo Công báo Hoàng gia Thái Lan hôm 24-9, Vua Thái Lan đã chính thức ký dự luật này thành luật, đồng nghĩa với việc bắt đầu thời gian 120 ngày để luật này có hiệu lực.
“Xin chúc mừng tình yêu của mọi người” - Thủ tướng Thái Lan Paetongtarn Shinawatra viết trên X, đồng thời thêm hashtag #Love Wins (tam dịch: Tình yêu chiến thắng).
Bà Paetongtarn cũng cảm ơn sự ủng hộ của mọi thành phần để dự luật này chính thức thành luật và mô tả đó là "cuộc chiến chung của tất cả mọi người”.
Trong khi đó, tờ South China Morning Post cho biết Thái Lan đã "làm nên lịch sử" với luật mới.
Với quyết định này, Thái Lan đã trở thành quốc gia/vùng lãnh thổ đầu tiên ở Đông Nam Á và thứ 3 ở châu Á công nhận hôn nhân đồng giới. Trước đó, Nepal và Đài Loan (Trung Quốc) cũng đã cho phép điều tương tự.
Luật hôn nhân Thái Lan hiện nay sử dụng các thuật ngữ trung lập về giới như từ "cá nhân" thay cho “đàn ông”, “phụ nữ”, “chồng” và “vợ”, đồng thời cũng trao quyền nhận con nuôi và quyền thừa kế cho các cặp đôi đồng giới.
Sự chấp thuận chính thức của nhà vua Thái Lan đánh dấu đỉnh cao của nhiều năm vận động và những nỗ lực bị cản trở nhằm thông qua luật hôn nhân bình đẳng.
Theo ABC News, dù nổi tiếng về sự chấp nhận và hòa nhập đối với cộng đồng LGBTQ+ nhưng chính phủ Thái Lan vẫn phải mất nhiều thập kỷ để thông qua luật bình đẳng hôn nhân.
Sự bảo thủ vẫn còn phổ biến trong xã hội và các thành viên của cộng đồng LGBTQ+ cho biết họ phải đối mặt với sự phân biệt đối xử trong cuộc sống hàng ngày.
Tuần trước, Phó Thống đốc Bangkok Sanon Wangsrangboon cho biết các quan chức thành phố sẽ sẵn sàng thực hiện đăng ký kết hôn đồng giới ngay khi luật được ban hành.
Chính phủ Thái Lan hiện tại, do liên minh của Đảng Pheu Thai lãnh đạo, đã đưa bình đẳng hôn nhân trở thành một trong những mục tiêu chính của mình.
Nguồn: [Link nguồn]
Thái Lan thực hiện chế độ quân dịch bắt buộc 2 năm với mọi thanh niên khi đủ 18 tuổi, ưu tiên những người tình nguyện nhập ngũ. Tuy nhiên số này rất ít, vì vậy họ có cách tuyển binh không giống ai. Đó là bốc thăm may rủi.