“Lửa thây ma” bùng cháy ở ngôi làng lạnh nhất thế giới, âm 60 độ C ở Nga
Hiện tượng “lửa thây ma” được ghi nhận bùng cháy ở ngôi làng lạnh nhất thế giới, dù nhiệt độ giảm xuống dưới mức đóng băng.
Theo Daily Mail, Oymyakon, ngôi làng Siberia, phía đông bắc nước Nga, là nơi lạnh nhất thế giới có người sinh sống. Nhiệt độ gần đây đo được ở Oymyakon là âm 60 độ C, chỉ cao hơn 7,7 độ C so với mức nhiệt thấp nhất từng ghi nhận ở khu vực này.
Bất chấp giá lạnh cực độ, một đám cháy bùng phát từ mùa hè năm nay, vẫn tiếp tục cháy bên dưới lớp tuyết dày. Hiện tượng này được gọi là “lửa thây ma”, xảy ra do lượng than bùn và khí metan dồi dào bên dưới lòng đất.
Ngọn lửa có thể bị dập tắt trên mặt đất, nhưng nó vẫn cháy bên dưới suốt nhiều tháng, thậm chí hàng năm. Video do tờ The Siberian Times gần đây đăng tải, cho thấy khói bốc lên từ lửa cháy dưới lòng đất, cách làng Oymyakon khoảng 3km.
Lửa vẫn cháy âm ỉ dưới lòng đất dù nhiệt độ xuống tới âm 60 độ C ở Siberia, Nga.
Một khi tuyết tan nhường chỗ cho mùa xuân đến, “lửa thây ma” được cho là sẽ lại tái xuất trên mặt đất.
“Lửa thây ma” là hiện tượng hiếm gặp, chỉ được ghi nhận ở những nơi cực kỳ lạnh giá thuộc Nga, Canada, hay Alaska (Mỹ). Các chuyên gia nhận định, hiện tượng này đang ngày càng xuất hiện nhiều hơn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và cháy rừng.
Khi nhiệt độ Trái đất không ngừng tăng, lớp băng vĩnh cửu bắt đầu tan dần, giải phóng khí metan, làm gia tăng nguy cơ cháy âm ỉ suốt mùa đông.
“Video được quay cách làng Oymyakon không xa, gần nơi có đồng cỏ vào mùa hè. Cháy rừng xuất phát từ đó và đến nay vẫn cháy âm ỉ dưới lòng đất”, Semyon Sivtsev, một người dân địa phương, nói.
Sivtsev kể rằng có trường hợp “lửa thây ma” cháy liên tục suốt nhiều năm ở vùng Mundullakh, cách Oymyakon không xa.
Nhiệt độ thấp nhất từng được ghi nhận chính thức ở Oymyakov là âm 67,7 độ C vào năm 1933. Cuối tháng 6 vừa qua, nhiệt độ ở Oymyakon tăng vọt lên 31,6 độ C, đây là mức nhiệt cao nhất được ghi nhận từ trước đến nay ở vùng này.
Nguồn: [Link nguồn]
Các nhà khoa học mới đây đã lý giải nguyên nhân khiến hàng chục chiếc hố hình phễu khổng lồ hình thành tại Siberia.