Lựa chọn trung lập, Ukraine và 3 nước châu Âu từng "vượt bão" ra sao?
Nằm ở vị trí cạnh tranh ảnh hưởng giữa các cường quốc quân sự, trung lập được cho là lựa chọn khôn ngoan giúp một số nước châu Âu vượt qua khủng hoảng và tập trung phát triển kinh tế.
Từ trái sang phải, Tổng thống Mỹ Bill Clinton, Tổng thống Nga Boris Yeltsin và Tổng thống Ukraine Leonid Kravchuk bắt tay nhau vào năm 1994 sau khi ký thỏa thuận giải trừ vũ khí hạt nhân ở Ukraine (ảnh: DW)
1. Ukraine
Năm 1991, sau khi tách khỏi Liên Xô, Ukraine từng theo đuổi chính sách trung lập và cam kết sẽ không tham gia bất kỳ khối quân sự nào, theo DW.
Trong Bản ghi nhớ Budapest, Kiev đồng ý chuyển toàn bộ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, đầu đạn và các vũ khí hạt nhân khác cho Nga để đổi lấy cam kết từ Mỹ, Anh, Nga rằng, chủ quyền của Ukraine sẽ được tôn trọng. Tháng 12.1991, trong cuộc trưng cầu dân ý để tách khỏi Liên Xô, người dân ở bán đảo Crimea đã bày tỏ quan điểm phản đối.
Hai sự kiện trên khiến Leonid Kravchuk – Tổng thống đầu tiên của Ukraine – hiểu rằng, để tránh tình trạng bất ổn trong nước khi vừa mới độc lập, Kiev không thể xa rời Nga, đồng thời không thể tách mình khỏi xu hướng hội nhập với phương Tây.
Suốt nhiệm kỳ của mình, ông Kravchuk đã cố gắng duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Nga và đẩy mạnh hợp tác với phương Tây ở lĩnh vực kinh tế. Leonid Kuchma – người kế nhiệm ông Kravchuk – cũng tiếp tục thực hiện chính sách trung lập này, nhưng có xu hướng ngày càng nghiêng về phía Moscow, theo DW.
Xa rời đường lối trung lập được cho là một trong những nguyên nhân khiến Ukraine rơi vào bất ổn an ninh (ảnh: AP)
Năm 1997, ông Kuchma ký kết “Hiệp ước hữu nghị” với Tổng thống Nga Yeltsin. Nội dung thỏa thuận nêu rõ Ukraine đồng ý để Nga triển khai một hạm đội ở Crimea. Cảng Sevastopol của Ukraine được hải quân Nga thuê trong vòng 20 năm. Bản hiệp ước năm 1997 đã phần nào làm xấu đi mối quan hệ giữa Ukraine với phương Tây.
Từ năm 1997 – 2014, kinh tế Ukraine ngày càng đi xuống kèm theo tình trạng tham nhũng nghiêm trọng khiến người dân nước này bất mãn với chính phủ. Tháng 2.2014, sau sự kiện Euromaidan (phong trào biểu tình lớn của phe thân phương Tây ở Ukraine), Tổng thống Viktor Yanukovych bị lật đổ, giới lãnh đạo Kiev cho rằng, đã đến lúc từ bỏ con đường trung lập và tách hẳn ảnh hưởng của Nga.
Năm 2019, Ukraine sửa đổi hiến pháp, trong đó quy định gia nhập NATO và Liên minh châu Âu (EU) là mục tiêu chiến lược của nước này. Việc Ukraine có nhiều động thái sẵn sàng gia nhập NATO được cho là nguyên nhân lớn khiến Nga mở chiến dịch quân sự ở nước này.
2. Áo
Vì là đồng minh của phát xít Đức nên sau Thế chiến II, lãnh thổ Áo bị quân Đồng minh bao gồm Mỹ, Liên Xô, Anh, Pháp chia làm 4 phần để dễ kiểm soát. Viên – thủ đô của Áo – cũng rơi vào cảnh tương tự. Trung tâm của Viên được tuyên bố là “khu vực quốc tế”, do 4 lực lượng quân Đồng minh luân phiên kiểm soát mỗi tháng. Để chấm dứt tình trạng quân độit nước ngoài đồn trú trên lãnh thổ, Áo chấp nhận tuyên bố trung lập.
Ngày 15.5.1955, Mỹ, Liên Xô, Anh, Pháp và Áo cùng ký kết Hiệp ước Nhà nước Áo. Theo đó, Áo sẽ thoát khỏi tình trạng bị kiểm soát bởi quân Đồng minh nhưng với điều kiện phải đi theo con đường trung lập.
Theo bản hiệp ước năm 1955, Áo được phép có lực lượng vũ trang riêng, nhưng đường lối chính trị - ngoại giao phải tuân thủ nguyên tắc 3 không: Không tham gia liên minh quân sự, không tham gia chiến tranh, không cho phép quân đội nước ngoài đặt căn cứ quân sự trên lãnh thổ.
Ngày 26.10.1995, sau khi quân đội 4 nước rời đi, Áo tuyên bố “trung lập vĩnh viễn” bằng một quy định trong hiến pháp.
Áo công bố Hiệp ước Nhà nước Áo (ảnh: Vox)
Peter Ruggenthaler – Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu Hệ lụy Chiến tranh Ludwig Boltzmann (Áo) – cho rằng, các đảng phái chính trị ở Áo hiện không mấy mặn mà với ý tưởng gia nhập NATO. Đa số người dân Áo cũng phản đối đề xuất gia nhập tổ chức quân sự này.
Theo AP, từ sau khi tuyên bố trung lập, Áo chỉ chi khoảng 0,7% GDP cho quốc phòng. Tuy nhiên, do nằm ở vị trí trung tâm châu Âu, Áo được đánh giá là có vị trí chiến lược và thường xuyên được NATO “bật đèn xanh” cho kịch bản gia nhập.
3. Phần Lan
Năm 1939, Cuộc chiến Mùa đông bùng nổ, Phần Lan thua trận trước Liên Xô và phải nhượng một phần lãnh thổ tại bán đảo Karelia cho Moscow. Trong cuộc chiến kéo dài hơn 100 ngày, hơn 80.000 binh sĩ Phần Lan đã thiệt mạng, theo History.
Để ngăn chặn nguy cơ tiếp tục xảy ra chiến tranh với “người hàng xóm siêu cường”, Phần Lan lựa chọn trở thành quốc gia trung lập thông qua hiệp ước hữu nghị với Liên Xô năm 1948. Theo thỏa thuận, Liên Xô tôn trọng chủ quyền của Phần Lan. Đổi lại, Phần Lan phải giữ thái độ trung lập trong cuộc cạnh tranh giữa Mỹ và Liên Xô, không được gia nhập khối quân sự NATO hay Hiệp ước Warsaw.
Binh sĩ Phần Lan di chuyển thuần thục bằng ván trượt tuyết trong cuộc chiến tranh với Liên Xô năm 1939 (ảnh: Daily Mail)
Theo New York Times, Urho Kekkonen – Tổng thống Phần Lan trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh – coi quan hệ với Liên Xô là “nền tảng ổn định”. Ông Urho Kekkonen cũng biến mối quan hệ cá nhân tốt với Điện Kremlin thành lợi thế chính trị.
Năm 1972, Phần Lan ký thỏa với Cộng đồng Kinh tế Châu Âu (tiền thân của EU). Để xoa dịu Liên Xô, Phần Lan cũng tham gia Hội Đồng Tương Trợ Kinh Tế (Comecon) do Liên Xô lãnh đạo với tư cách là quan sát viên.
Theo nhiều chuyên gia, sự trung lập của Phần Lan chủ yếu do hoàn cảnh.
“Chúng tôi sẽ không giữ được chủ quyền của mình, nếu không theo đuổi chính sách trung lập thực dụng”, Alexander Stubb – cựu Thủ tướng Phần Lan – nói với DW.
Sau khi Liên Xô tan rã, Phần Lan – nước có đường biên giới kéo dài hơn 1.300 km với Nga – chuyển dần trọng tâm đối ngoại sang phương Tây. Nước này gia nhập EU năm 1995. Vài năm gần đây, đặc biệt là trong xung đột Nga – Ukraine, Phần Lan ngày càng thể hiện xu hướng thân phương Tây và sẵn sàng gia nhập NATO. Hôm 5.4, Bộ trưởng Ngoại giao Phần Lan Pekka Haavisto cho biết, chính phủ nước này sẽ sớm trình lên quốc hội kế hoạch gia nhập NATO.
Cuộc thăm dò gần đây cho thấy, 62% người Phần Lan được hỏi nói rằng họ muốn gia nhập NATO, theo RT. Ý định gia nhập NATO của Phần Lan đã bị Nga cảnh báo rằng có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng về chính trị và quân sự, RT đưa tin.
4. Thụy Điển
Năm 1808, chiến tranh giữa đế quốc Nga và Thụy Điển nhằm giành quyền kiểm soát Phần Lan bùng nổ. Ngày 21.2.1808, hơn 24.000 lính Nga đổ bộ vào Phần Lan (lúc này đang do Thụy Điển kiểm soát) và nhanh chóng đánh bại quân đội Thụy Điển có khoảng 13.000 người. Thụy Điển sau đó phải nhờ Anh chi viện để có thể cầm cự trước Nga, theo NPR.
Tháng 8.1809, Nga tổ chức tấn công quy mô lớn và đánh bại hoàn toàn quân Thụy Điển ở Phần Lan. Ngày 2.9.1809, Thụy Điển buộc phải ký hiệp ước đình chiến với Nga. Theo đó, Thụy Điển đồng ý nhượng Phần Lan cho Nga và không còn giữ được vị thế cường quốc ở châu Âu.
Năm 1813, hoàng đế Pháp Napoleon tổ chức nhiều cuộc chinh phạt khắp châu Âu. Trước nguy cơ bị Pháp thôn tính, Thụy Điển gia nhập vào liên quân Nga – Phổ. Năm 1814, Thụy Điển tấn công Đan Mạch (nước đồng minh của Pháp) nhằm giành quyền kiểm soát Na Uy. Ngày 14.11.1814, thái tử Karl Johan – người sau này sẽ trở thành hoàng đế Thụy Điển – tuyên bố sáp nhập Na Uy vào Thụy Điển. Liên minh Thuỵ Điển - Na Uy dưới sự cai trị của Karl Johan được thành lập.
Theo NPR, sau khi Pháp bị đánh bại, Anh và Nga cạnh tranh tầm ảnh hưởng ở châu Âu. Cả 2 cường quốc này đều muốn Thụy Điển – quốc gia có tiềm lực quân sự mạnh ở Bắc Âu – đứng về phe mình. Tuy nhiên, để trả ơn việc Anh giúp đỡ trong cuộc chiến với Nga năm 1808, Thụy Điển duy trì mối quan hệ thân thiết với Anh và muốn tách khỏi tầm ảnh hưởng chính trị của Nga.
Nằm giữa Anh, Đức và Nga, Thụy Điển là quốc gia có vị trí chiến lược ở châu Âu (ảnh: History)
Chứng kiến việc Thụy Điển đóng và bán các tàu lớn cho Anh, Nga rất không hài lòng và muốn tuyên chiến với Thụy Điển. Trước sự uy hiếp lớn của Nga, hoàng đế Karl Johan quyết định thi hành triệt để chính sách trung lập. Theo đó, Thụy Điển sẽ không đứng về phía bất cứ quốc gia nào trong các cuộc xung đột ở châu Âu. Đối với Nga và Anh, Thụy Điển chỉ chú trọng hợp tác về thương mại. Chính sách này giúp Thụy Điển thoát khỏi nguy cơ đối đầu với Nga và phát triển nhanh chóng về kinh tế.
Trong hơn 200 năm qua, Thụy Điển không tham gia bất cứ liên minh quân sự nào và đứng ngoài 2 cuộc Thế chiến. Trong Thế chiến II, dưới sức ép từ Đức, Thụy Điển từng cho phép quân đội Đức di chuyển qua lãnh thổ để tấn công Phần Lan. Tuy nhiên, Thụy Điển cũng bảo vệ những người tị nạn ở khắp châu Âu trước phát xít Đức, theo Euobserver.
Lần gần nhất Thụy Điển gửi viện trợ vũ khí ra nước ngoài là năm 1939, trong xung đột biên giới Phần Lan - Liên Xô. Sau khi Thế chiến II kết thúc, Thụy Điển chọn duy trì tình trạng trung lập giữa ảnh hưởng của 2 siêu cường là Mỹ và Liên Xô.
Năm 1995, Thụy Điển gia nhập EU sau đó tăng cường hợp tác với NATO nhưng không trở thành thành viên của khối này. Tháng 6 năm ngoái, Thụy Điển và Phần Lan đã mời 7 nước NATO, tham gia cuộc tập trận chung “Thử thách Bắc Cực 2021”. Thụy Điển cũng tham gia cuộc tập trận quy mô lớn “Phản ứng lạnh” của NATO kéo dài từ ngày 14.3 – 1.4 năm nay. Đây là cuộc tập trận lớn bậc nhất lịch sử của NATO với sự có mặt của quân đội 27 nước cùng hơn 30.000 binh sĩ.
Hôm 3.4, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết, cả Phần Lan và Thụy Điển đều có “cơ hội thuận lợi” để gia nhập khối quân sự này một cách nhanh chóng.
“Nếu Phần Lan và Thụy Điển nộp đơn, tôi cho rằng họ sẽ được tất cả 30 thành viên NATO hoan nghênh liệt nhiệt. Chúng tôi sẽ tìm cách đưa họ vào liên minh một cách nhanh chóng nếu họ mong muốn”, ông Jens Stoltenberg nói với CNN.
Theo một số chuyên gia, việc Phần Lan và Thụy Điển thực hiện trung lập trong quá khứ không phải hoàn toàn tự nguyện mà có phần chịu sức ép quân sự từ Nga. Trong cuộc xung đột Nga – Ukraine hiện tại, 2 quốc gia này có thể cảm thấy bị uy hiếp bởi Moscow và tìm cách gia nhập NATO.
Nguồn: [Link nguồn]
Bày tỏ lo ngại về xung đột Nga – Ukraine, nước này tuyên bố sẽ bắt đầu lộ trình gia nhập NATO để tìm kiếm bảo đảm an ninh.