Cuộc giải cứu nhóm học sinh bị 2 lính nghĩa vụ bắt làm con tin
Vào năm 1981, các em học sinh lớp 10B của Trường phổ thông số 12 ở thành phố Sarapul, Cộng hòa Udmurt thuộc Nga bị bắt làm con tin ngay tại lớp học. Các lính nghĩa vụ Alexander Melnikov và Akhmetzhan Kolpakbaev đã thực hiện vụ bắt cóc táo tợn này...
Các học sinh ở Sarapul bị bắt làm con tin vào năm 1981
Thực hiện “Giấc mơ Mỹ”
Kolpakbaev (21 tuổi) là người Kazakhstan, nhưng sống ở Turkmenia, còn Melnikov (19 tuổi) sống tại tỉnh Chelyabinsk, Nga (Turkmenia và Nga khi đó đều thuộc Liên Xô). Cả 2 cùng là lính nghĩa vụ của Sư đoàn Bộ binh cơ giới số 248 thuộc Quân khu Ural đóng ở Sarapul.
Kolpakbaev thích nghe Đài Tiếng nói Hoa Kỳ (VOA). Là thành viên của một nhóm dân tộc chủ nghĩa, Kolpakbaev mơ ước đến Mỹ để đấu tranh cho tự do của Kazakhstan, có quần jean và xe hơi... Còn Melnikov từng phải vào trại cải tạo dành cho trẻ vị thành niên vì trộm cắp tài sản. Kolpakbaev và Melnikov quyết định bắt cóc con tin để thực hiện “Giấc mơ Mỹ”...
Ngày 17-12-1981, Kolpakbaev cùng đồng bọn mang theo 2 khẩu súng AK cùng 120 viên đạn và dao găm trốn khỏi đơn vị, sau đó đến Trường phổ thông số 12 ở phố Gorky của Sarapul. Lấy cớ tìm kiếm số mìn của đơn vị bị mất cắp trước đó, chúng được tự do vào trường để kiểm tra.
Sau khi lục soát phòng học của lớp 10B, hai đối tượng nói với cô giáo Lyudmila Verkhovtseva rằng, các học sinh lớp này đã lấy trộm mìn. Cô Lyudmila liền đi gặp Hiệu trưởng. Khi quay lại, cô thấy phòng học bị khóa, 2 kẻ lạ mặt và 26 học sinh cùng ở trong đó…
Bọn Kolpakbaev đưa ra yêu cầu bằng văn bản: Được đến Mỹ, Ủy ban An ninh Quốc gia (KGB) đảm bảo an toàn cho chúng. Nhóm học sinh sẽ bị bắn nếu yêu cầu không được chấp nhận. Lớp trưởng bị buộc phải chuyển bản yêu cầu đó cho thầy Hiệu trưởng. Học sinh này sau đó không quay trở lại. Khi Hiệu trưởng tới, hai đối tượng bắn mấy phát súng lên trần nhà rồi tuyên bố các học sinh là con tin….
Lực lượng đặc nhiệm Alpha vào cuộc
Các nhân viên Ủy ban An ninh Quốc gia (KGB) lập tức đến hiện trường. Thông qua hệ thống loa truyền thanh của trường, Thiếu tướng Boris Soloviev - người đứng đầu KGB Cộng hòa Udmurt thuyết phục bọn bắt cóc đầu hàng và thả con tin, nhưng không có kết quả.
Sau đó, bọn Kolpakbaev cho phép học sinh lần lượt đi vệ sinh và phải quay trở lại nếu không, bạn cùng lớp sẽ bị bắn. Đồng thời, chúng cũng muốn các học sinh tiếp tục chuyển những yêu cầu khác của chúng tới lực lượng an ninh. Các em còn mang mì ống, xúc xích được tiếp tế vào phòng và mời bọn Kolpakbaev cùng ăn…
Kolpakbaev đồng ý cho Đại úy KGB Vladimir Orekhov không mang theo vũ khí vào phòng học để đàm phán và yêu cầu dùng ô tô chở bọn chúng cùng các con tin ra sân bay để bay sang Mỹ. Ông V.Orekhov giải thích rằng, chúng sẽ phải ngồi tù nếu bay đến Mỹ với vũ khí cùng các con tin và đề nghị 2 đối tượng ra đi hợp pháp. Chúng đồng ý khai tờ khai cấp hộ chiếu để đi nước ngoài và thả 17 nữ sinh. 8 học sinh nam vẫn bị giữ lại.
Sáng hôm sau, Đại úy V.Orekhov đã thông báo cho bọn Kolpakbaev biết rằng, họ có đủ giấy tờ, xe chở họ đến sân bay đã sẵn sàng, máy bay đợi để cất cánh. Nhưng, bọn Kolpakbaev không biết rằng, các xạ thủ bắn tỉa của Đội đặc nhiệm Alpha thuộc KGB đang chĩa súng vào chúng qua cửa sổ có rèm che. Tuy nhiên, Chỉ huy của Alpha lại muốn bắt sống 2 kẻ bắt cóc này.
Trước khi ra ô tô, Đại úy V.Orekhov tuyên bố tự nguyện làm con tin và yêu cầu Kolpakbaev thả các học sinh. Sau khi các con tin được thả, Đại úy V.Orekhov lại đề nghị được lái chiếc xe UAZ đưa bọn Kolpakbaev ra sân bay rồi nói rằng mình phải đi lấy hộ chiếu và rời khỏi căn phòng.
Nhận ra sai lầm, Melnikov liền chạy theo ra hành lang và gặp lính đặc nhiệm Alpha. Hắn vứt bỏ vũ khí và quay trở lại. Lực lượng đặc nhiệm lập tức ập vào. Melnikov đầu hàng, Kolpakbaev định nổ súng, nhưng đã bị tước vũ khí. Là kẻ chủ mưu, Kolpakbaev sau đó bị kết án 13 năm tù, còn Melnikov - 8 năm tù. Khi biết được sự việc, bố của Melnikov đã tự sát vì xấu hổ…
Một nhóm đặc nhiệm SAS của Anh mắc kẹt tại Kandahar, khi các tay súng Taliban tràn vào thành phố trong đợt tổng tiến công hồi đầu tháng này.
Nguồn: [Link nguồn]