Lối thoát nào cho căng thẳng Armenia và Azerbaijan?

Từ đêm 12 đến ngày 13-9-2022, quân đội Azerbaijan đã phát động cuộc tấn công quy mô lớn vào nhiều điểm khác nhau trên biên giới với Armenia, gây thiệt hại nghiêm trọng về vật chất và khiến 50 binh sĩ Armenia thiệt mạng. Liệu viễn cảnh khủng khiếp của cuộc chiến nổ ra 2 năm trước chống lại Artsakh có được tái hiện lần này với Armenia là đích ngắm của Azerbaijan?

Câu hỏi đặt ra khi quân đội Azerbaijan tiến hành một cuộc tấn công vào ngày 12-9 đã giết chết ít nhất 50 người. Điều đáng lưu ý là cuộc tấn công mới này diễn ra không phải xung quanh vùng đất tranh chấp Karabakh, mà lại là trên phần lãnh thổ có chủ quyền khác của Cộng hòa Armenia.

Các binh sĩ Azerbaidjan dò mìn tại thành phố Latchine sau khi đánh chiếm vào ngày 1-9-2022.

Các binh sĩ Azerbaidjan dò mìn tại thành phố Latchine sau khi đánh chiếm vào ngày 1-9-2022.

Nguồn gốc cuộc xung đột

Dải núi hẹp Siunik/Zanguezour, một nút thắt cổ chai  kết nối Armenia với Iran, là một chủ đề tranh chấp giữa hai nước láng giềng đối địch. Nhưng, pháo đài của chủ nghĩa dân tộc Armenia và là rào cản chiến lược cuối cùng ngăn chặn việc kết nối giữa Azerbaijan với cộng hòa tự trị Nakhitchevan (thuộc Azerbaijan) là một dải biên giới với Thổ Nhĩ Kỳ dài 9 km mà Armenia có được vào năm 1921 theo hiệp ước giữa những người Bolshevik và người Thổ. Kể từ đó, người Azerbaijan, những người coi phần lãnh thổ này trong lịch sử là thuộc về họ, chưa bao giờ hài lòng với tình trạng này và đã nuôi dưỡng trong nhiều thế hệ một quyết tâm khôi phục lại chủ quyền đối những phần đất mà họ cho là mình đã bị tước đoạt. Nếu người Azerbaijan thành công, Armenia sẽ bị tước quyền tiếp cận cả Nagorno-Karabakh và Iran. Nói ngắn gọn, đất nước này sẽ bị đe dọa một cách trực diện.

Những tổn thất và các vận động ngoại giao đầu tiên

Vào đêm 12, rạng sáng 13-9, người dân Armenia ở khu vực biên giới đã bị đánh thức bởi một loạt các cuộc pháo kích dữ dội, những cỗ pháo hạng nặng đã nhắm vào các vị trí quân sự của Armenia trong Syunik về phía các thị trấn Goris, Vartenis và Jermuk,  nổi tiếng với những cơ sở nghỉ dưỡng nước khoáng và các dịch vụ spa.

Tại khu vực Gegharkunik đã xuất hiện những máy bay không người lái Bayraktar của Thổ Nhĩ Kỳ. Và, xa hơn về phía Nam, ở Kapan, người ta đã nghe thấy tiếng súng, cũng như ở Martouni, gần hồ Đen và ở Sotk.

Kể từ khi Azerbaijan phát động cuộc tấn công trên một số mặt trận vào lúc nửa đêm 12-9 (theo giờ Yerevan), các vụ nổ súng vẫn tiếp tục duy trì. Tham gia là lực lượng pháo binh với súng cỡ lớn, súng cối, máy bay không người lái... Bộ Quốc phòng Armenia xác định rằng cả cơ sở hạ tầng quân sự lẫn dân sự đều là mục tiêu. Trên thực tế, đạn pháo rơi trúng cả vào Sotk nhưng chỉ gây ra thiệt hại về vật chất, không có thương vong về người.

Ở một số hướng, các đơn vị Azerbaijan đã tiến hành biện pháp để đẩy chiến tuyến của họ về phía trước. Bộ Quốc phòng Armenia đã thông báo về cái chết của 49 binh sĩ trong quân đội Armenia.

Về phần mình, Baku lên tiếng cáo buộc Yerevan đã “khiêu khích quy mô lớn vào ngày 12-9 ở các khu vực Dashkessan, Kelbajar và Lachin”, tuyên bố rằng có tới “105 đến 200 binh sĩ Armenia thiệt mạng và hàng trăm người bị thương”, Baku cũng tự hào về việc đã “xé toạc cơ sở hạ tầng quân sự xuyên biên giới của Armenia” và “nắm quyền kiểm soát một số vị trí chiến lược và các tuyến đường liên lạc qua Armenia”.

Lên tiếng tố cáo “hành động gây hấn” và hy vọng nhận được phản ứng từ cộng đồng quốc tế, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinian đã nói chuyện với Tổng thống Nga Vladimir Putin, người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron và người đứng đầu cơ quan ngoại giao Mỹ Antony Blinken. Ông cũng yêu cầu “sự giúp đỡ từ Nga, Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể CSTO (một tổ chức chính trị-quân sự được thành lập vào năm 2002 bởi Nga, Armenia, Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan, Tajikistan) và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Tổng thư ký của CSTO, Vladimir Zainetdinov, “coi việc sử dụng vũ lực ở biên giới giữa Azerbaijan và Armenia là không thể chấp nhận được” và thông báo rằng ông đang “bắt đầu huy động các cơ chế của CSTO để bình thường hóa tình hình”.

Bản đồ các vùng tranh chấp và thường xuyên xung đột giữa Armenia và Azerbaijan.

Bản đồ các vùng tranh chấp và thường xuyên xung đột giữa Armenia và Azerbaijan.

Một đòn nhắm vào Thủ tướng Nikol Pashinian

Thủ tướng Armenia Nikol Pashinian, một cựu nhà báo, người lên nắm quyền vào giai đoạn cuối của một phong trào bất tuân dân sự được mệnh danh là “cuộc cách mạng nhung”, ban đầu đã từng điều hành cuộc chiến một cách khá tùy hứng. Thời gian gần đây ông đã quyết định ủng hộ một chương trình nghị sự hướng đến hòa bình bằng cách bình thường hóa với Thổ Nhĩ Kỳ (để giảm bớp áp lực từ Azerbaijan) và xích lại gần Mỹ và Liên minh châu Âu. Tuy nhiên, chuyến thăm gần đây của Bộ trưởng Quốc phòng Armenia Suren Papikian tới Washington sẽ chỉ khiến Nga thêm bực mình mà hầu như không thu được lợi ích nào về mặt an ninh cho Armenia, giờ đây dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết.

Một câu hỏi khác vẫn chưa được làm rõ: Vì sao quân đội Armenia đã không ở trong tình trạng sẵn sàng chiến đấu? Dù thất bại quân sự khá nặng nề vào mùa thu năm 2020, quân đội Armenia đến nay vẫn chưa hề được bổ sung kho vũ khí. Cũng không có sự thay đổi học thuyết nào đối với một vùng lãnh thổ dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết gây ra bởi việc triển khai các lực lượng Azerbaijan vượt trội về số lượng và vật chất dọc theo cái biên giới đang tranh cãi.

Các nước phương Tây thì đang rơi vào thế kẹt trong bối cảnh chiến tranh Nga-Ukraine, họ ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn cung cấp hydrocacbon của Baku. Đúng vào ngày Azerbaijan  mở màn tấn công vào các lãnh thổ của Armenia, Bộ trưởng Bộ Năng lượng nước này cam kết sẽ tăng thêm 30% lượng khí đốt xuất khẩu sang châu Âu trong năm nay.

Vai trò của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ

Cuộc chiến Karabakh gần đây kết thúc bằng lệnh ngừng bắn với những điều kiện có lợi cho phía Armenia đã không làm cho người Azerbaijan hài lòng.

Thứ nhất: họ buộc phải chấp nhận sự hiện diện của lực lượng gìn giữ hòa bình Nga.

Thứ hai: Azerbaijan đã không chiếm được toàn bộ khu vực Karabakh của Armenia.

Thứ ba: Kể từ tháng 11-2020, Azerbaijan đã nỗ lực hết sức, cả bằng ý chí hoặc bằng vũ lực, có được chủ quyền tại hành lang ở Siunik.

Tuy nhiên, thỏa thuận ngừng bắn mới nhất lại đã không đề cập rõ ràng đến hành lang này mà chỉ nói đến việc mở các đường dây liên lạc. Cuối cùng, Baku tin rằng cuộc tranh chấp Armenia-Azerbaijan sẽ chỉ có thể giải quyết được bằng vũ lực, việc Armenia từ bỏ Karabakh và việc Azerbaijan giành được một hành lang chủ quyền ở sườn phía Nam chỉ có thể đạt được khi mà Yerevan buông súng đầu hàng. Giờ đây người Azerbaijan tin rằng mình đã có đủ mọi thứ để có thể đẩy đối thủ vào đường cùng, trong đó có việc tận dụng triệt để sự cân bằng quyền lực đang có lợi và sự cô lập về mặt ngoại giao của đối thủ.

Trong mấy ngày vừa qua Yerevan liên tục kêu gọi Liên hợp quốc và đặc biệt là Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO), tổ chức được cho là sẽ đoàn kết với tất cả các quốc gia thành viên là nạn nhân của một hành động xâm lược. Nhưng, cho đến nay, dường như Armenia đang thấy mình bị bỏ rơi. Ngoài căn cứ quân sự số 102 của Nga được đặt trong tình trạng báo động, không có lực lượng nào của Nga được triển khai thêm trong khu vực tác chiến.

Dù có lệnh ngừng bắn vào năm 1994 nhưng xung đột giữa Armenia và Azerbaijan vẫn tiếp diễn. Ảnh: aa.com.tr

Dù có lệnh ngừng bắn vào năm 1994 nhưng xung đột giữa Armenia và Azerbaijan vẫn tiếp diễn. Ảnh: aa.com.tr

Thủ tướng Armenia cũng đã kêu gọi sự hỗ trợ của Tổng thống Nga Vladimir Putin. Tuy nhiên, đã không có bất cứ phản ứng nào được Tổng thống Nga đưa ra, trong khi đó Tổng thống Pháp Emmanuel Macron thì nhanh chóng ra tuyên bố rằng sự leo thang căng thẳng là không thể chấp nhận được và cần thiết phải xoa dịu tình hình ngay lập tức.

Có một điều hiển nhiên là trong tình thế mới này Nga sẽ phải chấp nhận một vị thế rủi ro cao. Kể từ khi ngừng bắn năm 2020 ở Nagorno-Karabakh, Moscow đã đạt được một lợi ích lớn: Hiện diện trở lại trong khu vực. Chính sách của Moscow nhắm tới một sự hiện diện vô thời hạn ở khu vực này. Nhưng, để làm được việc đó, họ cần phải có một dân tộc Armenia để họ đứng ra bảo vệ. Không quan trọng dân số Armenia là bao nhiêu, miễn là sự hiện diện của người Armenia vẫn còn, người Nga sẽ chứng tỏ quyền có thể lưu lại ở khu vực này của mình. Mối quan tâm của Nga là càng có ít tác nhân bên ngoài tác động vào thì càng tốt cho các vùng chịu ảnh hưởng truyền thống của họ

Nếu đứng vào góc độ của Moscow thì sẽ hiểu tại sao Nga không công nhận và có lẽ trong tương lai cũng sẽ không công nhận nền độc lập của nước cộng hòa tự xưng Artsakh (trước đây là Nagorno Karabagh), trong khi  họ lại công nhận các nước theo chủ nghĩa ly khai khác (Transnistria, Abkhazia, Nam Ossetia).

Không có gì ngạc nhiên khi Thổ Nhĩ Kỳ gắn bó chặt chẽ với các lập trường của Azerbaijan, trong khi về phần mình, Cộng hòa Hồi giáo Iran, thông qua Tổng thống Rayessi, tuyên bố rằng một cuộc chiến mới ở Kavkaz cũng như vấn đề biên giới quốc tế là không thể chấp nhận được.

”Bà đầm thép” của Mỹ bất ngờ đến Armenia sau giao tranh đẫm máu

Phái đoàn nghị sĩ Mỹ do Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi dẫn đầu đã tới Armenia hôm 17-9, vài ngày sau khi nổ ra cuộc đụng độ làm 200 người thiệt mạng ở khu vực biên giới...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dương Thắng ([Tên nguồn])
Thời sự thế giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN