Lời dọa "hủy diệt" Triều Tiên của Trump thực ra nhắm đến TQ?
Tổng thống Mỹ Donald Trump đe dọa dùng vũ lực hủy diệt Triều Tiên nhưng giới phân tích nói thông điệp của ông Trump còn mang ý nghĩa khác.
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) bắt tay với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Theo Guardian, phát biểu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, ông Trump nói: “Mỹ có sức mạnh và sự kiên nhẫn lớn lao, nhưng nếu bị buộc phải bảo vệ bản thân hoặc các đồng minh, chúng tôi sẽ không có lựa chọn nào ngoại trừ huỷ diệt hoàn toàn Triều Tiên".
“Người Tên Lửa (Kim Jong-un) đang tiến hành nhiệm vụ tự sát đối với bản thân và chế độ của ông ta”, Tổng thống Mỹ cảnh báo.
Nhưng liệu nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có phải là mục tiêu chỉ trích của ông Trump, hay thực tế lại là người hàng xóm bên cạnh?
Theo Guardian, một số chuyên gia cho rằng, thông điệp cảnh báo của ông Trump trên thực tế nhắm đến Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.
Bonnie Glaser, chuyên gia đến từ Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) nói: “Cách ông Trump phát biểu về Triều Tiên, cho thấy ông ấy rất muốn các nước khác hành động tích cực hơn nữa để cô lập Triều Tiên”.
Đối với Trung Quốc, đó có thể là lời kêu gọi ông Tập Cận Bình ra lệnh ngừng cung cấp dầu cho Triều Tiên. Đây vốn được coi là yếu tố sống còn đối với chính quyền Kim Jong-un ở Bình Nhưỡng.
Ông Glaser nhận định, không thể biết rõ liệu Bắc Kinh sẽ phản ứng ra sao. Nhưng thông điệp gửi đến ông Tập thì khá rõ ràng: “Nếu ông không nỗ lực hơn nữa, kiểm soát việc xuất khẩu dầu thì chúng tôi sẽ tấn công”.
Giới phân tích Trung Quốc tỏ ra chia rẽ sau câu lời nói đe dọa hủy diệt Triều Tiên của ông Trump.
Shi Yinhong, chuyên gia quan hệ quốc tế tại Đại học Renmin ở Bắc Kinh cho rằng, ông Trump sẽ thất bại.
Ông Trump đe dọa "hủy diệt hoàn toàn" Triều Tiên nếu nước này tiếp tục phát triển vũ khí hạt nhân.
“Ông ấy muốn dọa Triều Tiên để gây sức ép lên Trung Quốc. Ông ấy muốn chứng minh rằng mình là người mà những người khác phải e sợ. Nhưng Kim Jong-un không hề lo ngại ông Trump. Lời đe dọa quân sự chỉ càng khiến Triều Tiên đẩy mạnh chương trình chế tạo vũ khí hạt nhân”.
Theo lời ông Shi, Trung Quốc sẽ không thay đổi lập trường, vì đơn giản là không tin Mỹ dám tấn công Triều Tiên. “Họ sẽ không dám tấn công để đối mặt với nguy cơ bị giáng đòn hạt nhân. Ông Trump chỉ dọa thôi”.
Shen Dingli, chuyên gia ngoại giao tại Đại học Fudan ở Thượng Hải nói ông Trump rõ ràng muốn cố gắng tìm kiếm sự đồng thuận từ Trung Quốc thông qua bài phát biểu.
“Trump vốn là doanh nhân, ông ấy muốn hét giá cao để thu lợi. Nhưng ông ấy biết rằng mình sẽ không bao giờ nhận được đầy đủ khoản lợi nhuận đó”, Shen nói.
Theo ông Shen, dựa vào yếu tố này, giới lãnh đạo Trung Quốc có thể tìm kiếm sự đồng thuận từ Mỹ để bảo vệ mối liên hệ thương mại giữa hai nước.
Cuốn sách “Nghệ thuật đàm phán” của ông Trump cũng từng tiết lộ chiến thuật này: “Phong cách của tôi là cương quyết theo đuổi bằng được cái mình muốn. Có lúc tôi chấp nhận dừng lại ở vị trí thấp hơn so với mình nghĩ, nhưng điều quan trọng là tôi vẫn có được cái mình muốn”.
Có lẽ ông Trump rất mong muốn Trung Quốc làm nhiều hơn nữa để giúp kiềm chế Triều Tiên. Vậy nên Tổng thống Mỹ mới có bài phát biểu gây chấn động như vậy, theo Guardian.
Hơn 60 năm kể từ thời Chiến tranh Triều Tiên, Bình Nhưỡng tiếp tục khai thác mối quan hệ song phương quan trọng nhất trên...