Lời cảnh báo bất ngờ cho hải quân Mỹ trước số lượng tàu chiến đông đảo của Trung Quốc
Trong bối cảnh Trung Quốc đang tiếp tục đóng thêm tàu chiến, gia tăng số lượng của hạm đội đông đảo nhất thế giới, một giáo sư Đại học Hải chiến Mỹ đã đưa ra lời cảnh báo với lực lượng hải quân Mỹ.
Khinh hạm Type 054A của hải quân Trung Quốc.
Theo quan điểm của Sam Tangredi, giáo sư chiến lược tại Đại học Hải chiến Mỹ, trong môi trường tác chiến trên biển, lực lượng sở hữu hạm đội đông đảo hơn gần như luôn giành phần thắng.
Báo cáo năm 2022 của Lầu Năm Góc cho biết, Trung Quốc đã vượt Mỹ về số lượng tàu chiến vào năm 2020 và nay có tổng cộng 340 tàu chiến. Hải quân Trung Quốc dự kiến sẽ sở hữu 400 tàu chiến trong 2 năm tới. Ngược lại, hải quân Mỹ vẫn giậm chân tại chỗ với dưới 300 tàu.
Theo quan điểm của Lầu Năm Góc, Mỹ muốn thích ứng với yêu cầu tác chiến của thời đại mới. Đó là chú trọng vào chất lượng và công nghệ để giành chiến thắng, không chỉ dựa vào số lượng tàu chiến trong hạm đội.
Nhưng theo giáo sư Sam Tangredi, quá trình chuyển đổi trong môi trường tác chiến trên biển không nhanh như vậy. Nói cách khác, lực lượng nào sở hữu nhiều tàu chiến hơn, đóng tàu nhanh hơn để bù đắp tổn thất luôn giành ưu thế để chiến thắng, CNN cho biết.
Theo giáo sư Tangredi, một cựu chỉ huy hải quân Mỹ, trong 28 trận hải chiến kể từ năm 500 Trước Công nguyên cho tới Chiến tranh Lạnh, chỉ có 3 lần công nghệ vượt trội thực sự giúp đánh bại số lượng.
"Tất cả các trận hải chiến khác được quyết định bởi số lượng vượt trội, hoặc nếu hai lực lượng tương đồng nhau thì yếu tố chiến thuật và tố chất lãnh đạo của chỉ huy hạm đội sẽ quyết định", giáo sư Tangredi nhận định.
"Thường thì số lượng tàu chiến, yếu tố chiến thuật và tố chất lãnh đạo của chỉ huy hạm đội sẽ luôn tỉ lệ thuận với nhau vì để vận hành một hạm đội lớn cần tới yêu cầu ở mức cao", giáo sư Tangredi nói thêm.
Lấy ví dụ vào thời Napoleon, các tàu chiến Pháp vượt trội về công nghệ, từ thiết kế cho đến chế tạo, nhưng bị hạm đội Anh đông đảo khuất phục, ông Tangredi cho biết.
Trong Thế chiến 2 ở mặt trận Thái Bình Dương, Nhật Bản thực tế sở hữu ưu thế về mặt công nghệ hơn Mỹ. "Người Nhật bước vào cuộc chiến với ưu thế trên nhiều lĩnh vực, từ tiêm kích Zero, ngư lôi tầm xa hay ngư lôi thả từ máy bay", ông Tangredi cho biết. "Nhưng cuối cùng, ngành công nghiệp đóng tàu và quy mô hạm đội, đi kèm với mạng lưới hậu cần đông đảo, đã giúp Mỹ giành chiến thắng".
Nước Mỹ giai đoạn năm 1940 sở hữu ngành công nghiệp đóng tàu quy mô hàng đầu thế giới.
Alessio Patalano, giáo sư về chiến lược và chiến thuật tại Đại học King ở London, Anh, cũng đồng tình. "Nghiên cứu của giáo sư Tangredi rất chi tiết và phản bác quan điểm cho rằng số lượng không còn là yếu tố quyết định trong hải chiến", ông Patalano nói.
Mỹ và Nhật Bản khởi đầu Thế chiến 2 với 8 tàu sân bay. "Trong xung đột, Nhật Bản đóng được tổng cộng 18 tàu, còn Mỹ là 144. Số lượng chênh lệch như vậy khiến Nhật Bản không hề có cơ hội chiến thắng", ông Patalano nói.
Cũng cần nhấn mạnh rằng, ngành công nghiệp đóng tàu là nòng cốt sức mạnh của Mỹ trong giai đoạn thế giới chạy đua phát triển công nghiệp những năm 1940. Ngày nay, vị thế dẫn đầu đó đã thuộc về Trung Quốc, theo CNN.
"Hầu hết các nhà nghiên cứu đều nghi ngờ khả năng thích ứng của ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ hiện nay, do quy mô đã giảm kể từ cuối Chiến tranh Lạnh. Nếu xung đột xảy ra, ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ khó có thể mở rộng nhanh chóng", ông Tangredi nhận định.
Tuần trước, Đô đốc Hải quân Mỹ Mike Gilday, cũng lưu ý về vấn đề số lượng tên lửa Trung Quốc mà Mỹ đối mặt trong một cuộc xung đột tiềm tàng ở Thái Bình Dương.
"Hải quân Mỹ không sở hữu số lượng tên lửa tương đương với tên lửa của hải quân Trung Quốc", Gilday nói. Điều này khiến giáo sư Tangredi đặt câu hỏi, rằng liệu hải quân Mỹ sẽ tìm kiếm lợi thế ở đâu.
"Giới lãnh đạo Mỹ liệu có sẵn sàng đặt cược vào công nghệ để bù đắp cho số lượng hay không", ông Tangredi nói.
"Tôi không nói rằng không thể đánh bại đối phương có số lượng đông đảo hơn trên biển, nhưng lịch sử 1.200 năm qua đã chỉ ra rằng, chỉ có 3 trận hải chiến làm được như vậy", giáo sư kết luận.
Nguồn: [Link nguồn]
Tiêm kích hạm J-15, dường như cất cánh từ tàu sân bay Liêu Ninh, áp sát tàu khu trục Mỹ lớp Arleigh Burke trong một video mới do đài truyền hình trung ương Trung Quốc đăng tải.