Loạn Tam phiên do Ngô Tam Quế khởi xướng quét qua một nửa Trung Hoa, vì sao thất bại trước Khang Hi?

00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc
Nữ miền Bắc
XEM THÊM CÁC KỲ
Kỳ đầu tiên 1 23

Ngô Tam Quế là tổng binh nhà Minh có tầm ảnh hưởng sâu rộng, người trực tiếp giúp nhà Thanh cai quản Trung Hoa. Phát động nổi loạn trước hoàng đế Khang Hi trẻ tuổi, lý do nào khiến Tam Quế không thể dựng cơ nghiệp?

Ngôi Tam Quế phát động cuộc nổi loạn sau khi bị Khang Hi yêu cầu từ bỏ vương vị. Ảnh minh họa.

Ngôi Tam Quế phát động cuộc nổi loạn sau khi bị Khang Hi yêu cầu từ bỏ vương vị. Ảnh minh họa.

Năm 1661, một năm trước khi Ngô Tam Quế sai người thắt cổ hoàng đế nhà Nam Minh ở Vân Nam, triều đình nhà Thanh ở Bắc Kinh có thay đổi lớn.

Khang Hi, con trai thứ ba của Thanh Thế Tổ Thuận Trị lên ngôi hoàng đế khi mới 8 tuổi do cha mắc bệnh nan y, đột ngột qua đời. Nhiều năm sau, Khang Hi từng bước giành lại quyền hành từ tay các đại thần, diệt trừ Ngao Bái - một trong 4 đại thần quyền lực nhất triều Thanh dưới thời Khang Hi.

Ở phía nam, nhà Thanh để mặc cho ba phiên vương cai quản lãnh thổ, gồm Bình Tây vương Ngô Tam Quế ở Vân Nam, Bình Nam vương Thượng Khả Hỷ ở Quảng Đông và Tĩnh Nam vương Cảnh Tinh Trung ở Phúc Kiến. Ba thế lực này được gọi chung là Tam phiên, trong đó Ngô Tam Quế có ảnh hưởng nhất.

Nhà Thanh không những không bắt phiên vương cống nộp, mà còn cấp cho khoản tiền khổng lồ mỗi năm. Số tiền này cùng với thời kỳ ổn định kéo dài hơn 10 năm giúp Ngô Tam Quế âm thầm mở rộng lực lượng.

Vào đầu những năm 1670, Tam phiên có địa bàn cai quản rộng lớn, thế lực ngày càng mạnh, lại là tướng cũ của nhà Minh nên trở thành mối lo với nhà Thanh. Hoàng đế Khang Hi khi đó đã ở tuổi trưởng thành, chủ trương tìm cách dẹp Tam phiên trước, sau đó mới đối phó thế lực của Trịnh Thành Công ở đảo Đài Loan và Đế quốc Nga ở phía bắc.

Tháng 3/1673, Bình Nam vương Thượng Khả Hỷ tuổi cao sức yếu, dâng thư lên triều đình xin được về hưu dưỡng lão và xin cho con là Thượng Chi Tín tiếp tục cai quản tỉnh Quảng Đông thay mình.

Nhân cơ hội này, Khang Hi trực tiếp đưa ra quyết định tác động đến lợi ích của Tam phiên. Hoàng đế nhà Thanh đồng ý để Khả Hỷ về quê dưỡng lão nhưng không cho Chi Tín lên nắm quyền thay.

Tháng 7/1673, sau khi tin tức tới miền nam, Ngô Tam Quế và Cảnh Tinh Trung bàn nhau đồng loạt gửi thư xin cáo lão để thử phản ứng của Khang Hi.

Đa số đại thần nói Ngô Tam Quế và Cảnh Tinh Trung không thực lòng từ bỏ quyền lực, khuyên hoàng đế không nên phê chuẩn để tránh cảnh binh đao. Số ít khuyên Khang Hi sẵn sàng cho chiến tranh.

Không lâu sau khi thâu tóm quyền lực từ tay các đại thần, Khang Hi nhắm tới diệt trừ Tam phiên. Ảnh minh họa.

Không lâu sau khi thâu tóm quyền lực từ tay các đại thần, Khang Hi nhắm tới diệt trừ Tam phiên. Ảnh minh họa.

Hoàng đế vì quyết tâm muốn trừ bỏ Tam phiên nên đã chấp thuận. Ngô Tam Quế và Cảnh Tinh Trung nhận chiếu rời bỏ vương vị liền phát động nổi loạn.

Ngô Tam Quế gửi thư đến tỉnh Phúc Kiến và Quảng Đông, đề nghị cùng khởi binh với danh nghĩa "phục Minh diệt giặc". Thượng Chi Tín và Cảnh Tinh Trung đều hưởng ứng. 

Con Trịnh Thành Công là Trịnh Kinh cũng hưởng ứng bằng cách đemquân từ đảo Đài Loan đổ bộ vào đất liền, đánh chiếm Ôn châu, Tuyền châu, Chương châu…

Lực lượng Ngô Tam Quế ước tính có khoảng 20 vạn, Chi Tín và Tinh Trung mỗi bên sở hữu 10 vạn quân. Quân hỗ trợ của Trịnh Kinh vượt đảo Đài Loan vào đại lục khoảng 1 vạn. Ở phía bên kia, Khang Hi huy động 40 vạn quân đối phó phản loạn.

Trong thời gian ngắn, quân của Ngô Tam Quế từ phía nam đánh mạnh vào Hồ Nam, kiểm soát hoàn toàn tỉnh này, sau đó kiểm soát tỉnh Tứ Xuyên.

Quan lại địa phương nhận thấy thế lực của Ngô Tam Quế quá mạnh liền lần lượt quy hàng. Trước thế tiến công của Tam phiên, một số đại thần nhà Thanh khuyên Khang Hi nên theo nếp cũ của Hán Cảnh Đế Lưu Khải, chém các quan chủ trương triệt phiên để chấm dứt biến loạn. Nhưng Khang Hi không nghe mà vẫn kiên quyết dẹp loạn đến cùng. Hoàng đế ra lệnh bắt giam con cháu Ngô Tam Quế ở Bắc Kinh là Ngô Ứng Hùng và Ngô Thế Lâm.

Theo trang mạng Trung Quốc Sohu, địa bàn kiểm soát của Tam phiên có thời điểm tương đương một nửa lãnh thổ Trung Hoa mà nhà Thanh kiểm soát ở giai đoạn đầu của triều đại. 

Loạn Tam phiên do Ngô Tam Quế đứng đầu từng kiểm soát tới một nửa lãnh thổ Trung Hoa đầu thời Thanh.

Loạn Tam phiên do Ngô Tam Quế đứng đầu từng kiểm soát tới một nửa lãnh thổ Trung Hoa đầu thời Thanh.

Tuy nhiên, khi đang thắng thế, Ngô Tam Quế ra lệnh lập phòng tuyến dọc theo sông Dương Tử, không có ý định tiếp tục tiến lên phía bắc. Ngô Tam Quế thông qua Đạt Lai Lạt Ma đời thứ 5, gửi thư tới Khang Hi, tuyên bố sẵn sàng hòa bình nếu được cai quản lãnh thổ phía nam sông Dương Tử.

Điều này giúp nhà Thanh có thời gian chuẩn bị cho giai đoạn sau của cuộc chiến. Khang Hi xác định Ngô Tam Quế cầm đầu cuộc nổi dậy, chỉ cần tập trung lực lượng đánh tan quân Ngô Tam Quế.

Khang Hi khai thác mâu thuẫn giữa Cảnh Tinh Trung và Trịnh Kinh, ra chiếu chấp thuận cho Chí Tín và Tinh Trung tiếp tục làm vương. Quân Thanh sau đó đánh bật 1 vạn quân của Trịnh Kinh khỏi đại lục.

Với chiến lược này của Khang Hi, mối đe dọa phản loạn đã giảm đáng kể. Hoàng đế ra lệnh tập trung binh lực, sau đó đánh bật Ngô Tam Quế khỏi Hồ Nam.

Năm 1678, quân Thanh giành lại Thiểm Tây, khiến Ngô Tam Quế lui về cố thủ. Khang Hi lại chỉ đạo quân Thanh tiến công Quảng Đông, đánh bại Thượng Chi Tín. Cùng năm, Cảnh Tinh Trung xin hàng, tình nguyện giúp nhà Thanh dẹp loạn.

Tại địa bàn chủ chốt ở Vân Nam, Ngô Tam Quế khi đó đã 66 tuổi, sức khỏe ngày càng yếu. Tam Quế tự xưng hoàng đế, đặt quốc hiệu là nhà Chu. 5 tháng sau, Ngô Tam Quế qua đời khi cuộc biến loạn dang dở. Cháu là Ngô Thế Phan lên kế vị.

Năm 1680, Khang Hi điều 3 cánh quân tấn công tỉnh Vân Nam. Ngô Thế Phan thất bại liên tiếp, quân Thanh chiếm được thủ phủ Côn Minh. Thế Phan bị dồn vào đường cùng, buộc phải uống thuốc độc tự sát. Sang năm 1681, nhà Thanh kiểm soát hoàn toàn tỉnh Vân Nam, chấm dứt Loạn Tam phiên.

Tuy dẹp loạn thành công, ổn định đại lục sau 8 năm biến loạn nhưng nhiều năm về sau, Khang Hi vẫn cảm thấy day dứt, cho rằng quyết định thu hồi vương vị của Ngô Tam Quế và Cảnh Tinh Trung đã trực tiếp dẫn đến nổi loạn và khiến vô số người vô tội thiệt mạng.

Loạn Tam phiên có thời điểm quét qua một nửa Trung Hoa nhưng lại thất bại. Nguyên nhân vì đâu?

Những kẻ cầm đầu cuộc nổi loạn sau này đều bị Khang Hi trị tội. Ảnh minh họa.

Những kẻ cầm đầu cuộc nổi loạn sau này đều bị Khang Hi trị tội. Ảnh minh họa.

Theo Sohu, thời điểm Ngô Tam Quế khởi binh nổi loạn là vào năm 1673, 30 năm kể từ khi quân Thanh tiến vào Trung Nguyên và 10 năm kể từ khi triều đại Nam Minh sụp đổ. Lúc này, Trung Hoa vừa mới ổn định lại, người dân có xu hướng không muốn thấy một cuộc chiến tranh nữa. Hoàng đế Thuận Trị và sau này là Khang Hi được coi là minh quân, áp dụng chính sách khôi phục kinh tế, chỉnh đốn quan lại, giảm thuế, tái tuyển dụng các quan lại người Hán. Do đó, đại bộ phận dân chúng đã bắt đầu chấp nhận sự cai trị của nhà Thanh. Nổi loạn lúc này là đi ngược lại xu thế của thời đại, Sohu nhận định.

Ngoài ra, Ngô Tam Quế vốn là tướng nhà Minh trấn thủ vùng biên cương phía bắc, sau này đầu quân cho nhà Thanh diệt nhà Minh, thắt cổ vị hoàng đế cuối cùng của nhà Nam Minh.

Đến lúc phát động nổi loạn, Ngô Tam Quế lại khởi binh với danh nghĩa "phục Minh diệt giặc". Ngoài sự ủng hộ ban đầu nhờ tiềm lực quân sự, liệu còn ai có thể theo Ngô Tam Quế lâu dài?

Bên cạnh đó, trong 10 năm cai quản ở miền nam Trung Hoa, Ngô Tam Quế được cho là chỉ tập trung vơ vét, độc quyền khai thác khoáng sản, không hề để tâm đến đời sống của người dân. Khi quyết định nổi loạn, Ngô Tam Quế không nghĩ cho dân chúng mà chỉ muốn giữ lại quyền lực của mình.

Theo nhận định của truyền thông Trung Quốc, sở dĩ bước tiến của Ngô Tam Quế dừng lại ở phía nam sông Dương Tử là vì thiếu lực lượng và nguồn lực. Ngô Tam Quế phải chia quân trấn giữ các tỉnh thành mới kiểm soát. Khu vực giao tranh ngày càng cách xa so với địa bàn hoạt động chính ở vùng Vân Nam khiến cho việc  vận chuyển lương thảo gặp nhiều khó khăn. Càng tiến xa về phía bắc, quân của Ngô Tam Quế càng đối mặt với sự kháng cự và ảnh hưởng mạnh mẽ của quân Thanh. Tam Quế cũng có thể hi vọng sông Dương Tử sẽ là hàng rào tự nhiên cản bước quân Thanh phản công.

Tam phiên thực tế là ba thế lực riêng biệt. Các thế lực này ban đầu liên kết với nhau để cùng bảo vệ lợi ích riêng nhưng khi Khang Hi đem lợi ích ra để chia rẽ thì các thế lực này cũng dần tan rã.

Theo Sohu, một số tướng lĩnh dưới quyền Ngô Tam Quế thực tế vẫn trung thành với nhà Thanh như Tôn Diên Linh và Phó Hoằng Liệt. Khang Hi biết điều này nên đã hạ chỉ, chỉ cần đầu hàng thì sẽ không bị truy cứu trách nhiệm.

Khi đồng minh lũ lượt ra hàng, Ngô Tam Quế cuối cùng đơn độc ở Vân Nam. Một mình thế lực của Tam Quế là không đủ để đối chọi với nhà Thanh và thất bại chỉ là thời gian.

Tất nhiên, đóng góp của Khang Hi trong việc trấn áp thành công cuộc nổi loạn cũng là rất đáng kể. Khang Hi đến khi dẹp xong loạn Tam phiên chỉ mới 28 tuổi. Điều này chứng minh hoàng đế nhà Thanh có tầm nhìn xa hơn các bậc lão làng.

Nhìn chung, Ngôi Tam Quế dù âm thầm xây dựng binh lực nhưng phát động nổi loạn một cách bị động, không nắm được địa lợi nhân hòa. Năng lực bản thân của Ngô Tam Quế cũng có hạn, không có tầm nhìn xa trông rộng. Tam Quế chỉ hợp làm một vị tướng đánh trận, không có khả năng thành lập triều đại. Loạn Tam phiên vì vậy đã được định sẵn thất bại, chỉ là thất bại khi nào mà thôi, Sohu kết luận.

XEM THÊM CÁC KỲ
Kỳ đầu tiên 1 23

Nguồn: [Link nguồn]

Kể từ khi mở cửa biên giới đón quân Thanh vào Trung Nguyên, Ngô Tam Quế luôn lo ngại triều đình không tin tưởng mình. Cơ hội thăng tiến đến khi Tam Quế bắt được hoàng đế nhà Nam Minh cuối cùng, người khi đó đang tị nạn ở Myanmar.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nhật Minh - Tổng hợp ([Tên nguồn])
Những bí ẩn cuộc đời Ngô Tam Quế Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN