Loại vũ khí uy lực phương Tây ồ ạt chuyển đến Ukraine khiến Nga phải thay đổi chiến thuật?

Việc phương Tây cung cấp một loạt các tên lửa chống tăng cho Ukraine có khả năng làm thay đổi cục diện cuộc chiến, gây áp lực lên Nga trong việc huy động các binh sĩ tinh nhuệ để tham gia tác chiến đô thị.

Mỹ chuyển cho Ukraine các tên lửa chống tăng Javelin hiện đại,

Mỹ chuyển cho Ukraine các tên lửa chống tăng Javelin hiện đại,

Theo một số nhà phân tích quân sự, số lượng tên lửa chống tăng thế hệ mới được chuyển đến Ukraine trong những tuần gần đây là rất lớn. Các binh sĩ Ukraine nhận được một kho vũ khí lớn chưa từng thấy trong một cuộc chiến tranh hiện đại, theo Bloomberg.

Riêng Anh đã gửi tới Ukraine 3.615 vũ khí chống tăng NLAW, Đức gửi 1.000 vũ khí chống tăng, Na Uy gửi 2.000, Thụy Điển gửi 5.000 và Mỹ gửi một số lượng không xác định các tên lửa Javelin.

Tính đến ngày 8.3, Mỹ và NATO đã chuyển hơn 17.000 vũ khí chống tăng cho Ukraine trong vòng chưa đầy một tuần, theo New York Times.

“Số vũ khí chống tăng được gửi tới Ukraine còn lớn hơn số lượng được trang bị cho quân đội ở chính các quốc gia đó”, Phillips O’Brien, giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Đại học St. Andrews ở Scotland, nói. “Một số quốc gia chấp nhận việc các binh sĩ tạm thời không có tên lửa chống tăng để gửi cho Ukraine”.

Phương Tây cung cấp cho Ukraine vũ khí uy lực

Hầu hết các xe tăng Nga hiện nay đều rất dễ bị tổn thương trước những loại vũ khí chống tăng mới nhất như NLAW hay Javelin, Pavel Felgenhauer, chuyên gia am hiểu về quân đội Nga thuộc tổ chức Jamestown Foundation có trụ sở ở Mỹ, nói.

Cả tên lửa Javelin và NLAW đều được thiết kế để đánh trúng xe tăng từ trên nóc, nơi xe tăng được bọc giáp mỏng nhất. Các vũ khí này có chế độ “bắn và quên”, giúp binh sĩ Ukraine rời khỏi vị trí ngay khi khai hỏa, giảm nguy cơ bị đối phương bắn trả.

Tên lửa Javelin được coi là một trong những vũ khí chống tăng uy lực nhất hiện nay.

Tên lửa Javelin được coi là một trong những vũ khí chống tăng uy lực nhất hiện nay.

Theo trang thống kê độc lập Oryx, nguồn tin tương đối uy tín chuyên đánh giá về thiệt hại trong cuộc xung đột Ukraine, Nga tổn thất 6 xe tăng T-90 trong tổng số 214 xe tăng bị quân đội Ukraine phá hủy.

Video do truyền thông Ukraine công bố, cho thấy cảnh các xe tăng Nga bị tên lửa Javelin, NLAW bắn trúng và bị loại khỏi vòng chiến đấu.

Theo Bloomberg, Nga được cho là đã phải thay đổi chiến thuật tác chiến, giống như những gì Israel từng trải qua trong cuộc chiến Israel – Ả Rập năm 1973. Năm đó, xe tăng Israel hứng chịu tổn thất lớn, buộc quân đội nước này phải đưa bộ binh lên trước để dọn đường cho xe tăng, thay vì sử dụng xe tăng ở tuyến đầu.

Binh sĩ Ukraine sử dụng vũ khí chống tăng NLAW phục kích đoàn xe quân đội Nga ở ngoại ô Kiev. Video: Quân đội Ukraine.

Tuy nhiên, trong môi trường tác chiến đô thị, chiến thuật này đòi hỏi một lượng lớn binh sĩ dày dạn kinh nghiệm, vừa bảo vệ xe tăng, vừa đột kích các ổ phòng ngự của đối phương.

“Nếu như bộ binh không làm được điều này, quân đội Nga khó đạt được bước tiến”, ông Felgenhauer nói. “Liệu Nga có đủ lực lượng tinh nhuệ để đột kích thành phố lớn? Tôi không rõ”.

Tác chiến đô thị cần một lượng lớn nhân lực. Tuần trước, Nga đã phê duyệt kế hoạch cho phép quân tình nguyện nước ngoài chiến đấu ở Ukraine.

Phương Tây đánh giá các lực lượng tình nguyện đến từ Syria và Trung Đông sẽ tham gia chiến dịch của Nga gần Kiev trong tuần này.

Hôm 15.3, chính quyền Kiev đã ban bố lệnh giới nghiêm vào ban đêm. Bất cứ ai ra đường trong thời gian này đều bị coi là lực lượng do thám của Nga.

Lawrence Freedman, giáo sư danh dự tại Đại học King ở London, nói: “Quân đội Nga hiện chưa có dấu hiệu đột kích các thành phố lớn ở Ukraine, ngoại trừ Mariupol, có thể do lo ngại thương vong lớn. Trong khi các xe tăng không còn có thể yểm trợ bộ binh tiến công”.

Câu trả lời của Nga

Nhìn chung, việc phương Tây cung cấp cho Ukraine vũ khí chống tăng hiện đại đang tạo sự thay đổi, ngăn chặn quân đội Nga đưa xe tăng vào các đô thị lớn.

Một xe tăng Nga bị vô hiệu hóa ở Ukraine.

Một xe tăng Nga bị vô hiệu hóa ở Ukraine.

Gần như toàn bộ các tướng Nga tham gia chiến dịch ở Ukraine đều từng chiến đấu ở Syria, hiểu rõ những thách thức mà các binh sĩ gặp phải, ông Felgenhauer cho biết.

Các chiến đấu cơ Nga từng yểm trợ mạnh mẽ ở các thành phố như Aleppo hay Homs, nhưng quân đội Syria không hoàn thành được nhiệm vụ dưới mặt đất.

Ở thời điểm đó, Nga phải mẩt thời gian huấn luyện quân đội Syria, cũng như bổ sung thêm các xe phóng rocket bắn đạn nhiệt áp (TOS-1A) để loại bỏ các ổ kháng cự.

Kết quả là đến cuối năm 2016, quân đội Syria đã giành quyền kiểm soát thành phố Aleppo.

“Có niềm tin ở phương Tây rằng không thể giành thắng lợi ở các thành phố được phòng vệ kỹ lưỡng. Nhưng thực tế không phải như vậy, chỉ cần chiến thuật và vũ khí phù hợp. Vấn đề là Nga có chấp nhận hay không”, ông Felgenhauer nói.

Xe tăng Nga bị phá hủy ở thành phố Kharkiv, Ukraine.

Xe tăng Nga bị phá hủy ở thành phố Kharkiv, Ukraine.

Trận đánh đang diễn ra ở Mariupol được cho là phép thử lớn nhất. Nga đã tung các lực lượng tinh nhuệ đến từ Chechnya tham gia tuyến đầu và giành được bước tiến nhất định. 

Chiến thắng ở Mariupol giúp Nga giải phóng lực lượng để tập trung binh lực tới các thành phố chiến lược khác như Odessa và Kiev.

Bên cạnh đó, Nga được cho là cũng đưa tên lửa chống tăng hiện đại Kornet vào cuộc xung đột Ukraine, theo cách “lấy độc trị độc”.

Theo Business Insider, Nga đối phó các tên lửa chống tăng hiện đại ở Ukraine bằng tên lửa Kornet, do nước này tự nghiên cứu và sản xuất.

Tên lửa Kornet thậm chí còn được đánh giá mạnh hơn vũ khí chống tăng của phương Tây, do có tầm bắn xa hơn và tên lửa bay với tốc độ nhanh hơn.

Ít nhất một video được công bố cho đến nay cho thấy quân đội Nga sử dụng tên lửa Kornet để bắn cháy xe tăng Ukraine. Theo Business Insider, muốn chiếm ưu thế, Nga cũng cần loại bỏ xe tăng, xe bọc thép của Ukraine. Tên lửa Kornet là câu trả lời phù hợp nhất.

Binh sĩ Nga sử dụng tên lửa chống tăng Kornet.

Binh sĩ Nga sử dụng tên lửa chống tăng Kornet.

Tên lửa Kornet được thiết kế để phá hủy xe tăng có giáp bảo vệ chủ động, nghĩa là đủ sức vô hiệu hóa bất cứ xe tăng nào của quân đội Ukraine hiện nay.

Nhưng tên lửa Kornet có nhược điểm là cần hai người vận hành, khai hỏa từ vị trí cố định và người điều khiển phải tiếp tục dẫn hướng cho đến khi tên lửa bắn trúng mục tiêu.

Trong các cuộc xung đột ở Trung Đông, tên lửa Kornet đã vô hiệu hóa nhiều mẫu xe tăng của phương Tây như M1 Abrams của Mỹ, Leopard A25 của Đức và Merkava của Israel. 

Liệu tên lửa Javelin, NLAW của phương Tây có vượt trội hơn Kornet của Nga hay không là điều mà giới quan sát quân sự đang theo dõi sát sao ở chiến trường Ukraine.

__________________________

Quân đội Nga sở hữu năng vượt trội hoàn toàn so với Ukraine, lại được trang bị nhiều lớp tên lửa phòng không tối tân. Nhưng có một loại vũ khí Ukraine vẫn "lượn lờ" nhiều nơi, giáng đòn gây thiệt hại không nhỏ cho lực lượng Nga. Loại vũ khí này ảnh hưởng đến cục diện chiến sự như thế nào? Mời độc giả đón đọc bài kỳ 3 xuất bản 0 giờ ngày 21.3 trên mục Thế giới.

Nguồn: [Link nguồn]

Loại vũ khí giúp Nga thay đổi phương thức chiến đấu, chiếm ưu thế ở Ukraine 

Khác với những cuộc chiến trong giai đoạn thế kỷ 20, khi các quốc gia phải tung hàng ngàn máy bay thực hiện nhiệm vụ ném bom cơ sở quân sự, bắn rơi máy bay đối phương, các...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đăng Nguyễn - Bloomberg, Business Insider ([Tên nguồn])
Xung đột Nga - Ukraine Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN