Loại vũ khí Nga công phá dữ dội nhất ở Ukraine trong 4 ngày đầu giao tranh
Nga đã sử dụng hàng trăm tên lửa đạn đạo tầm ngắn để phủ đầu Ukraine trong ngày đầu tiên xung đột nổ ra và đòn tấn công này vẫn tiếp diễn cho đến nay.
Tên lửa Iskander của Nga khai hỏa trong một cuộc tập trận.
Theo Reuters, Nga dường như chưa tung toàn bộ sức mạnh tên lửa nhằm vào Ukraine, bằng chứng là hệ thống phòng không của Ukraine vẫn hoạt động ở các thành phố lớn.
Các nhà phân tích nhận định, các quốc gia như Trung Quốc và Triều Tiên sẽ quan sát kỹ lưỡng việc Nga sử dụng tên lửa đạn đạo tầm ngắn (SRBM) trong xung đột quân sự để học hỏi cũng như rút ra kinh nghiệm riêng.
Tính đến ngày 27.2, Nga đã phóng hơn 320 tên lửa nhằm vào Ukraine, chủ yếu là SRBM, giới chức Mỹ cho biết.
Riêng trong những giờ đầu tiên khi xung đột nổ ra, Nga đã phóng hơn 100 tên lửa, chủ yếu là SRBM, cũng như tên lửa đạn đạo.
Đây là đợt nã tên lửa đạn đạo tầm ngắn dữ dội nhất trong một cuộc xung đột của hai quốc gia có chung đường biên giới, Ankit Panda, chuyên gia tại Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế có trụ sở ở Mỹ, nói.
Tên lửa đạn đạo tầm ngắn Nga sử dụng chủ yếu trong xung đột ở Ukraine là loại Iskander-M, Timothy Wright nhà nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), nói.
Tên lửa Iskander của Nga có tầm bắn bao phủ gần như toàn bộ lãnh thổ Ukraine.
Tên lửa Iskander sở hữu các đặc tính của tên lửa đạn đạo, nhưng tầm bắn chỉ khoảng 500km, với độ chính xác cực cao, sai lệch khoảng 2-5 mét.
“Đây là mẫu tên lửa rất khó đánh chặn và tấn công mục tiêu một cách cực kỳ chính xác”, ông Wright nói, cho rằng Nga hiện có 150 bệ phóng tên lửa Iskander.
Nga cũng có thể đã sử dụng các tên lửa đạn đạo tầm ngắn cũ hơn như OTR-21 Tochka, vì vẫn còn cất giữ một số lượng đáng kể trong kho chứa, ông Wright nói.
Dựa trên những hình ảnh vệ tinh về cơ sở quân sự, căn cứ không quân, và các trận địa phòng không của quân đội Ukraine, giới chuyên gia nhận định rằng tên lửa đạn đạo Nga đã tấn công tương đối chính xác.
“Chúng tôi nhận thấy thiệt hại, có vẻ tên lửa tấn công rất chính xác”, Jeffrey Lewis, nhà nghiên cứu tên lửa tại Trung tâm Nghiên cứu Không phổ biến vũ khí hạt nhân James Martin, nói.
Ukraine sở hữu các tổ hợp phòng không S-300v có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo. Tuy nhiên, có các bằng chứng cho thấy các tổ hợp S-300v cũng bị phá hủy, ông Lewis nói.
Giới chức Mỹ không loại trừ khả năng Nga phóng hỏng một số tên lửa đạn đạo, nhưng cho rằng con số này không nhiều, theo Reuters.
Các chuyên gia đánh giá, Nga chưa tung toàn bộ sức mạnh tên lửa và không quân, có thể sẽ tăng cường sức ép hơn nữa trong những ngày tới.
“Nga có thể đánh giá thấp, hoặc chưa tung toàn lực, nhờ vậy mà các hệ thống phòng không Ukraine vẫn có thể bắn trả và gây thiệt hại cho lực lượng Nga”, báo cáo của Viện Nghiên cứu Chiến tranh có trụ sở tại Mỹ, cho biết.
Điều này khác biệt so với các chiến dịch quân sự của Nga trong những năm qua, khi Moscow thường dễ dàng giành quyền kiểm soát toàn bộ vùng trời, báo cáo cho biết thêm.
Nguồn: [Link nguồn]
Quân đội Ukraine tung các video cho thấy máy bay vũ trang không người lái của nước này phá hủy các mục tiêu của Nga trong giao tranh ngày 27.2.